Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201608/dung-khoet-sau-noi-dau-ky-thi-693168/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201608/dung-khoet-sau-noi-dau-ky-thi-693168/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đừng khoét sâu nỗi đau kỳ thị - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 11/08/2016, 09:06 [GMT+7]

Đừng khoét sâu nỗi đau kỳ thị

Trường học là môi trường mà phần lớn người dưới 18 tuổi dành nhiều thời gian nhất để phát triển bản thân, hình thành nhân cách và thiết lập các mối quan hệ. Vốn dĩ là môi trường cần hơn cả sự đề cao tính đa dạng và bao dung, nhưng các phát hiện đã chỉ ra một thực tế chưa hẳn như vậy. Hơn một nửa từng bị bạn bè bắt nạt, và gần một phần tư bị giáo viên, cán bộ nhà trường quấy rầy, bắt nạt bởi vì họ được coi là người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT).

Và mới đây, một trường phổ thông liên cấp tại TPHCM đã ra quy định không cho học sinh đồng tính ở nội trú. Mặc dù quy định đã được sửa nhưng vụ việc vẫn nhận được nhiều sự quan tâm dư luận.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các nhà xã hội học, quy định này của trường thể hiện sự thiếu công bằng và không tôn trọng học sinh của những người làm giáo dục.

Việc ghi cụm từ “đồng tính” đã biểu hiện của sự kỳ thị giới tính. Điều này sẽ tạo cảm xúc tiêu cực đối với cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới), cũng như các bậc phụ huynh có con hay không có con xin học ngôi trường này. Bị từ chối vì xu hướng tính dục là nỗi đau mà hầu hết các LGBT đã từng phải trải qua. Đối với những LGBT còn ngồi trên ghế nhà trường thì sự kỳ thị còn có thể thay đổi tương lai của các em. Mặc dù quy chế nói trên đã được sửa, những nó vẫn đang khoét sâu vào nỗi đau của nhóm yếu thế vốn đang nhận nhiều kỳ thị này.

Chị Cao Thị Minh Nguyệt (Khánh Hòa) có một con trai là người đồng tính và một người là người chuyển giới cho biết, trường học trở thành một nỗi ám ảnh, sợ hãi với con chị. Mỗi lần con chị đi học về, mọi căm phẫn, ức chế ở trường cứ đổ lên người mẹ. Suốt ngày con ở trường cứ bị bạn bè nắm tóc, bẹo má, thậm chí còn theo dõi xem đi vệ sinh đứng hay ngồi. Chị nhớ lại một kỷ niệm buồn, đó là trong giờ thể dục, con chị bị tuột quần, lên báo cáo với Ban giám hiệu, mẹ con chị nhận được câu trả lời: chúng nó chỉ đùa nhau thôi. Sau câu trả lời này, chị thấy suy sụp tinh thần ghê gớm.

Kết quả nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT” (Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường iSee) trên 2.363 người LGBT tại 63 tỉnh thành Việt Nam cho thấy, trong số những người từng đi học trước năm 18 tuổi, cứ ba người thì có hai người từng nghe, nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực từ bạn bè, và cứ ba người thì có một người từng nghe, nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực từ giáo viên, cán bộ nhà trường về LGBT. Gần một phần ba cảm thấy bị đối xử không công bằng bởi giáo viên bởi vì có quan điểm ủng hộ LGBT trong các buổi thuyết trình, làm bài tập tự chọn chủ đề.

Các hành vi phân biệt đối xử khác mà người tham gia khảo sát báo cáo còn có: bạn bè ngừng kết bạn khi phát hiện ra là LGBT, bị bàn tán về ngoại hình, bị tẩy chay trong lớp học... dẫn đến các hậu quả như phải trốn học (9.8%) hoặc thậm chí bỏ học (5.0%) vì sự phân biệt đối xử này.

Một nghiên cứu về bạo lực học đường (CCIHP, 2012) cho thấy 40,7% người LGBT đã từng bị bạo lực và phân biệt đối xử ở trường học, 13,2% bị bạo lực bởi các thầy cô giáo trong trường. Nghiên cứu này cũng cung cấp thêm một số thông tin về bối cảnh của bạo lực: tuổi trung bình lần đầu bị bạo lực là 12,39 tuổi, 15% bị bạo lực hàng ngày, thời gian diễn ra phổ biến nhất là giờ nghỉ giải lao, địa điểm là trong chính lớp học, với nguyên nhân hàng đầu cũng là cách ăn mặc, đi đứng. So với các phát hiện ở nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT?” ở các câu hỏi tương ứng đều có xu hướng không giảm đi. Một nghiên cứu gần đây về bạo lực học đường trên cơ sở giới với học sinh LGBT (UNESCO, 2015) tại 20 nước ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy 70% học sinh LGBT từng bị bắt nạt bằng lời nói (gọi tên và các kiểu chọc ghẹo), cao nhất so với các nước cùng bảng khảo sát là Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Nhật, Hàn, Thái Lan. Con số 70% này khá phù hợp với phát hiện 67.5% người LGBT từng nghe, nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực từ bạn bè.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã phát biểu “chúng ta phải sửa chữa những lỗi lầm” để lên án việc phân biệt đối xử với LGBT đồng thời cho rằng tôn giáo, văn hóa và truyền thống không thể là sự biện hộ cho việc từ chối hay trì hoàn những quyền con người cơ bản của họ. Bài phát biểu được gửi tới Hội nghị Quyền con người, Xu hướng tính dục và Bản dạng giới tại Oslo (Na Uy) ngày 15/3/2013.

Những năm gần đây, người LGBT trên thế giới đón nhận thêm những kết quả tích cực từ cuộc đấu tranh bảo vệ, thúc đẩy quyền LGBT. Việt Nam là một phần của dòng chảy tiến bộ đó, và hơn thế còn là một đất nước được bạn bè quốc tế biết đến trong những năm trở lại đây vì các nỗ lực thức đẩy, bảo vệ quyền con người của nhóm yếu thế này.

Thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ phát biểu trên báo Thanh niên:

“Tôi về trường năm 2012. Tôi bắt đầu tham gia Facebook để tạo cầu nối với học sinh. Cũng từ đó tôi nghe được nguyện vọng tha thiết của các em LGBT trong trường: ‘Con và rất nhiều bạn cũng muốn sinh hoạt dưới cờ. Nhưng con không mặc áo dài, hay nói khác đi là rất ngại mặc áo dài... nếu được mặc đồng phục nam, con hứa sẽ sinh hoạt năng nổ.’ Từ đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ đồng phục là để xóa đi khoảng cách giàu nghèo giữa các học sinh, thể hiện sự ngăn nắp gọn gàng chứ tôi không nghĩ nó quyết định nhiều tới nhân cách của các em. Nếu chỉ vì bộ đồng phục mà khiến những em LGBT phải bỏ học, phải khổ sở thì có nên mở lòng không? Tôi đấu tranh tư tưởng nhiều rồi quyết định chấp nhận cho học sinh là LGBT mặc đồng phục phù hợp với mình.”

Nếu ngôi trường nào cũng được như Trưởng THPT Nguyễn Việt Hồng, có lẽ các học sinh LGBT sẽ bớt đi được mặc cảm, được sống đúng với bản dạng và sự vô tư, hồn nhiên của lứa tuổi học trò. Còn nếu chưa có điều kiện làm được, cũng xin đừng khoét sâu thêm nỗi đau của các em với những quy định mang tính kỳ thị.

Xin khép lại câu chuyện bằng lời của mẹ Thủy trong Hội phụ huynh có con là LGBT Việt Nam (PFLAG):

“Những con người LGBT chính là do con người dị tính sinh ra. Họ có thể là con ta, là cháu ta, là bạn bè, đồng nghiệp và là bà con lối xóm. Họ đều là những con người bằng xương, bằng thịt như nhau. LGBT không phải là bệnh cũng không phải biến thái. Đó là một điều hết sức tự nhiên của tạo hóa, sinh ra đời vốn dĩ đã là như vậy rồi. Không cách gì thay đổi được. Chỉ còn một cách duy nhất là hãy cố gắng hiểu, đồng cảm, thương yêu và nâng đỡ, để cùng dìu dắt nhau vui sống, làm việc tốt cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Tôi tha thiết được đón nhận sự chia sẻ, đồng cảm của tất cả mọi người, hãy cùng lên tiếng. Vì bảo vệ quyền con người cho cộng đồng LGBT cũng chính là bảo vệ quyền con người cho những ông bố, bà mẹ và cho tất cả những phụ nữ có thiên chức làm mẹ”.

.

Nguồn: Chinphu.vn

.