Người anh của bà Đào Thị Thu Trang (Gia Lai) hiện là cảnh sát giao thông. Năm 2014, anh của bà bị tai nạn khi đang làm nhiệm vụ trong thời gian thực tập, tỷ lệ thương tật 25%. Bà Trang hỏi, anh của bà có được xác nhận là thương binh không?
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Căn cứ Điểm đ, e, h, h, Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì người bị thương thuộc một trong các trường hợp sau được xác nhận là thương binh:
- Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.
- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa, thiên tai.
- Làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp anh của bà Trang đang làm nhiệm vụ mà bị thương thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì được xem xét, xác nhận là thương binh. Đề nghị bà liên hệ trực tiếp với Công an đơn vị, địa phương nơi anh của bà công tác (khi bị thương) để được hướng dẫn giải quyết theo quy định.
Trường hợp anh của bà đang làm nhiệm vụ mà bị tai nạn thì được xem xét, giải quyết chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về BHXH.