Gia đình xã hội
Cần sự chủ động từ các bậc phụ huynh
(Congannghean.vn)-Tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ nhỏ là vấn đề rất đáng báo động. Để giảm thiểu số vụ tai nạn do đuối nước, thiết nghĩ, cần có sự chủ động từ phía các bậc phụ huynh trong việc nhắc nhở và quản lý con trẻ.
Tình trạng đáng báo động
Chiều 29/5 là buổi chiều định mệnh của gia đình anh Trần Văn Thành (SN 1975) và chị Phan Thị Giang (SN 1976) trú tại xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu khi 2 đứa con của anh chị đã ra đi mãi mãi. Anh Thành đi làm thuê ở TP Vinh. Vào ngày cuối năm học, anh tranh thủ về quê để đưa con đi dự lễ tổng kết.
Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ra ao hồ tự nhiên tắm để tránh nguy cơ đuối nước |
Thế nhưng, chiều 29/5, khi anh và vợ đang ở nhà thì nhận được hung tin 2 đứa con bị đuối nước. Vội vàng chạy ra hồ nước của công ty cấp nước đang thi công ở gần nhà để tìm con, vợ chồng anh ngã quỵ khi nhìn thấy thi thể của 3 đứa bé được vớt lên (trong đó có 1 cháu là con em trai anh Thành).
Mới đây nhất, chỉ trong ngày 6/6, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có 5 trẻ tử vong do đuối nước, trong đó có 3 cháu là anh em trong một gia đình.
Những vụ việc trên cho thấy, tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ nhỏ đã trở thành vấn đề đáng báo động. Theo thống kê, mùa hè năm 2015, ở Nghệ An có hơn 40 trẻ tử vong do đuối nước.
Những ngày đầu hè 2016, đã có hàng chục trẻ tử vong, đặc biệt, những trường hợp này phần lớn là ở các vùng nông thôn. Vào dịp hè, ở thành phố, trẻ nhỏ có thể được cha mẹ cho đi học bơi, học năng khiếu tại các nhà văn hóa…
Còn ở nông thôn, với kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng, trẻ em không có sân chơi an toàn nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về tính mạng. Địa điểm vui chơi yêu thích của trẻ là ao, hồ, sông, suối…; tuy nhiên, do không được trang bị kiến thức phòng tránh đuối nước nên đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.
Cần sự chủ động từ phụ huynh
Ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 234/QĐ-TTG về chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có mục tiêu dạy kỹ năng an toàn cho trẻ, đưa ra mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố phải triển khai chương trình dạy bơi an toàn thí điểm. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa thể thực hiện được ở tất cả các địa phương mà mới chỉ triển khai ở một số thành phố lớn.
Vì vậy, trước mắt, chính quyền địa phương cần chú ý tới những khu vực có ao hồ, chủ động làm rào chắn, các biển báo cảnh báo nguy hiểm để tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc. Cần tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn, đội trong dịp nghỉ hè nhằm tạo ra những sân chơi an toàn cho trẻ.
Được biết, vào dịp cuối năm học, các trường đều đưa ra những khuyến cáo cho học sinh, phụ huynh về tình trạng đuối nước thường xảy ra trong dịp hè nhưng dường như việc làm này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Do điều kiện còn hạn chế nên việc mở các lớp dạy bơi để trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ còn chưa thể triển khai thực hiện.
Trước tình trạng ngày càng có nhiều vụ đuối nước thương tâm, thiết nghĩ, cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của các bậc phụ huynh. Vào dịp hè, các em không đến trường, nhà trường không thể quản lý nên vai trò này thuộc về gia đình. Có thể nói, nhận thức của cha mẹ trong việc chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em là điều rất quan trọng.
Bởi vậy, các ban, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tăng cường sự giám sát, quản lý của cha mẹ đối với trẻ em trong thời gian học cũng như thời gian nghỉ hè; đồng thời, các bậc phụ huynh cần trang bị cho con em những kỹ năng bảo vệ bản thân.
Ở những nơi có bể bơi, khuyến khích cha mẹ nên đưa con em mình tới các điểm dạy bơi an toàn; còn ở vùng nông thôn, phụ huynh cần chỉ cho con những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm như ao, hồ, sông suối để phòng tránh tai nạn đuối nước.
Phương Thủy