Gia đình xã hội

Trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước

Đừng để quá muộn

10:07, 23/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mùa hè năm 2015, Nghệ An là 1 trong 3 địa phương đứng đầu cả nước về số lượng trẻ tử vong do đuối nước khi chỉ trong 2 tháng đã có 40 trẻ tử vong. Hè 2016 mới bắt đầu nhưng ở một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Đuối nước trở thành nỗi ám ảnh của mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh khi mùa hè đến. Để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc do đuối nước, cần tuyên truyền và trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết.

Chỉ mới đầu mùa nắng nhưng ở một số địa phương đã xảy ra hàng loạt vụ đuối nước thương tâm, cướp đi tính mạng của nhiều em nhỏ. Trong đó phải kể đến vụ đuối nước nghiêm trọng xảy ra vào ngày 15/4 tại khu vực sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi làm 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà tử vong. Con số này chưa dừng lại khi mà kỳ nghỉ hè mới chỉ bắt đầu và tình trạng học sinh rủ nhau tắm sông, suối ngày càng phổ biến.

Trước khi bơi lội trở thành môn học chính khóa, phụ huynh nên trang bị kiến thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ bằng việc cho con em tham gia các lớp học bơi
Trước khi bơi lội trở thành môn học chính khóa, phụ huynh nên trang bị kiến thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ bằng việc cho con em tham gia các lớp học bơi

Nghệ An là địa phương có hệ thống sông ngòi dày đặc cộng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt nên vào mùa hè, trẻ em thường đến các khu vực sông, suối, ao hồ để tắm.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong 2 tháng hè 2015, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 40 vụ đuối nước thương tâm, trong đó có những trường hợp nạn nhân là anh chị em trong một gia đình. Nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn này là do trẻ tự ý tắm sông hoặc không may trượt ngã xuống ao, hồ...

Cho đến bây giờ, gia đình anh Hồ Văn Ngọc ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất 2 người con. Trong lúc theo bà ra vườn chặt chuối, 2 chị em Hồ Thị Lài (7 tuổi) và Hồ Thị Linh (4 tuổi) không may bị trượt chân xuống ao cá, dẫn đến tử vong. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Ngọc phải đi làm ăn xa, 2 đứa con sống cùng bà và mẹ. Cùng một lúc mất đi 2 người con, gia đình anh Ngọc phải đối mặt với nỗi đau tột cùng, không thể nào bù đắp.

Điều đáng nói, phần lớn những trường hợp đuối nước đều rơi vào các gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn như gia đình anh Ngọc, khi mà các bậc phụ huynh phải đi làm ăn xa, không có nhiều thời gian chăm sóc, quản lý con cái. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ ngày càng gia tăng, nhất là ở vùng nông thôn.

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, ngoài sự thiếu quan tâm quản lý của gia đình, còn do công tác tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn trong dịp hè của một số trường học chưa được chú trọng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là do học sinh thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với rủi ro.

Để chủ động phòng ngừa tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ, đặc biệt là trong kỳ nghỉ hè năm 2016, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ.

Theo đó, Bộ yêu cầu Giám đốc các Sở tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ về công tác phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước; tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh trong các nhà trường; tổ chức các lớp dạy bơi chính khóa và ngoại khóa.

Tham mưu địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp; đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh...

Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, trong thời gian qua, ngành GD&ĐT Nghệ An thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn; đồng thời tổ chức lồng ghép việc dạy bơi cho các em học sinh trong dịp hè.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức Đoàn - Đội dạy bơi cho trẻ. Thực tế cho thấy, một số địa phương đã triển khai có hiệu quả chương trình dạy bơi miễn phí cho thanh, thiếu niên như Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương...

Đây là hoạt động thường niên trong chiến dịch tình nguyện hè do Tỉnh đoàn Nghệ An phát động nhằm giúp các em thanh, thiếu nhi, học sinh trang bị kỹ năng bơi lội, rèn luyện sức khỏe, biết cách tự cứu mình và cứu người khác khi đuối nước. Các lớp học diễn ra ở những khúc sông an toàn, có sự hướng dẫn kèm cặp của các anh chị phụ trách Đoàn - Đội... Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng tổ chức được những lớp học như vậy, nhất là ở những nơi không có sông, suối.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hoàn cho rằng, khó khăn của ngành giáo dục là hiện nay, tất cả trường học trên toàn tỉnh đều chưa có bể bơi đúng quy cách nên việc dạy bơi chỉ dừng lại ở dạy lý thuyết, dẫn đến hiệu quả không cao.

Bên cạnh đó, chủ trương đầu tư xây dựng bể bơi ở các trường học là một “bài toán” khó đối với ngành giáo dục khi mà kinh phí đầu tư xây dựng bể bơi rất lớn, trong khi đó, không phải trường nào cũng đủ diện tích để xây dựng bể bơi.

Mùa hè 2016 đã bắt đầu. Ở lứa tuổi thanh thiếu nhi, hầu hết trẻ đều hiếu động và chưa có kinh nghiệm ứng phó với các tình huống khẩn cấp; trong khi những điều bất trắc, rủi ro có thể xảy đến với các em bất cứ lúc nào, còn gia đình và nhà trường thì không thể bảo vệ và kiểm soát hết các hoạt động của các em. Vì vậy, việc trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống rủi ro cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng và không nên chờ đến khi quá muộn.

Huyền Thương

Các tin khác