(Congannghean.vn)-Trong thời kỳ chiến tranh, để giành độc lập, tự do cho đất nước, những người con ưu tú của mảnh đất phương Nam đã phải xa gia đình, quê hương để ra Bắc tập kết, chữa bệnh. Trong số đó, không ít người sau khi chữa lành vết thương đã tình nguyện ở lại cống hiến phần đời còn lại cho cách mạng ngay trên chính mảnh đất từng che chở cho mình. Thế nhưng, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, vì nhiều lí do khác nhau, họ đã chẳng thể đoàn tụ với gia đình và trong thời bình, có một người cựu chiến binh đang lặng thầm kết nối họ với gia đình...
Nghĩa trang CBCS miền Nam tập kết |
Câu chuyện về nơi chôn cất những người là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trước ngày giải phóng đã từng bị “lãng quên” suốt mấy chục năm qua.
Cũng từng đó thời gian, chẳng còn ai nhớ giữa lòng TP Vinh, tỉnh Nghệ An có một nghĩa trang chôn cất những con người ưu tú đó. Để rồi, hơn 40 năm sau ngày Bắc – Nam sum họp, cựu chiến binh (CCB) Phạm Minh Tâm đã vô tình tìm thấy danh sách những cán bộ miền Nam hiện đang được chôn cất tại nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi thuộc phường Hưng Dũng, TP Vinh. Và, hành trình kết nối với thân nhân cho những đồng đội của mình đã được ông thực hiện trong suốt thời gian qua…
“Nghĩa trang miền Nam” trên đất Nghệ
Mặc dù tuổi đã cao nhưng CCB Phạm Minh Tâm vẫn còn minh mẫn. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc hiện đang được chôn cất ở nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi, ông Tâm đã nhiệt tình chia sẻ bởi lâu nay, ông vẫn mong muốn được kết nối với những người thân của đồng đội.
Được biết, CCB Phạm Minh Tâm cũng là một người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường miền Nam khói lửa. Ngày trở về, ông được tín nhiệm giao giữ chức Phó Chủ tịch Hội CCB phường Hưng Dũng. Chính vì vậy, việc kết nối với người thân của 229 cán bộ miền Nam tập kết trên đất Nghệ An luôn được ông trăn trở, lần tìm bao năm nay.
“Hơn 20 năm phục vụ trong quân đội, bản thân tôi thấu hiểu rõ sự hy sinh, mất mát của những người lính cụ Hồ. Vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, không ít người phải từ giã vợ con, gia đình để lên đường hoạt động cách mạng.
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi phục viên trở về sinh sống tại phường Hưng Dũng, được tham gia sinh hoạt tại Hội CCB phường, tình cờ tôi biết được danh sách cán bộ là con em miền Nam tập kết ra Bắc hiện đang được chôn cất tại đây.
Thế nhưng, do thời gian, có những ngôi mộ chôn cất từ gần 60 năm trước nên không thể kết nối với người thân của họ. Vì vậy, trong số 229 ngôi mộ đó, có không ít phần mộ suốt mấy chục năm qua không có người thân chăm sóc, khói hương”, CCB Phạm Minh Tâm chia sẻ.
Ông Phạm Minh Tâm bên phần mộ những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc |
Qua tìm hiểu được biết, sau khi Hiệp định Giơnevơ (1954) được ký kết, tại các tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam, trong đó có Nghệ An đã tiếp nhận hàng trăm lượt cán bộ là con em miền Nam ra tập kết, sinh sống và làm việc. Trong kháng chiến chống Mỹ, không ít cán bộ miền Nam buộc phải ra Bắc để điều trị vết thương, dưỡng bệnh.
Ở Nghệ An, vào những năm tháng chiến tranh đã hình thành Bệnh viện miền Nam (còn gọi là Bệnh viện E) ngay tại khu vực Dăm Mụ Nuôi thuộc phường Hưng Dũng, TP Vinh ngày nay. Trong khoảng thời gian đó, nhiều người do vết thương, bệnh tật tái phát nên đã mất ngay tại Bệnh viện khi chưa kịp nhắn gửi tới người thân nơi quê nhà. Từ đó đến nay, theo danh sách của UBND phường Hưng Dũng lưu giữ thì có tới 229 người được chôn cất tại khu vực nói trên.
Mong mỏi của người CCB
Trong số những người con miền Nam nằm lại trên đất Nghệ An, đến nay có người đã xác định được tên tuổi, quê quán nhưng đa số vẫn chưa thể liên lạc được với người thân của họ. Cụ thể, hiện còn 39 ngôi mộ chưa biết tên tuổi, 4 ngôi mộ đã được công nhận liệt sĩ, 2 ngôi mộ là chiến sỹ người Lào và Campuchia.
Trải qua thời gian dài, 229 ngôi mộ vẫn không có người viếng thăm, hương khói. Cỏ mọc um tùm, bia mộ vắng chân nhang, hầu hết các phần mộ đều bị thời gian bào mòn là hình ảnh dễ bắt gặp khi tới nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi vào những năm trước.
Khi biết được thông tin có một “nghĩa trang miền Nam” bị lãng quên gần nửa thế kỷ qua, tháng 8/2014, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 đã tài trợ kinh phí 1,2 tỉ đồng để tôn tạo 229 ngôi mộ chôn cất cán bộ miền Nam. Trước khi mất, họ là những thương binh, bệnh binh được đưa về Nghệ An cứu chữa, điều trị. Tuy nhiên, do điều kiện thuốc men, hoàn cảnh chiến tranh nên nhiều người đã không thể qua khỏi.
“Chính những con người ấy đã góp một phần không nhỏ để đất nước được thanh bình như hôm nay. Tôi không hiểu vì sao sau khi mất, họ lại không được công nhận liệt sĩ, bởi trước khi ra Bắc tập kết, họ đã được tổ chức giới thiệu, cử đi khi quê nhà còn chìm trong mưa bom, bão đạn. Bản thân cũng từng là một người lính nên tôi chẳng thể vô cảm được. Họ là những người “Thác nằm yên nghỉ nơi đất Bắc/ Hồn còn vương vấn chốn trời Nam”, ông Tâm tâm sự.
Nhiều năm qua, ông Tâm đã viết hơn 200 lá thư gửi theo địa chỉ danh sách phần mộ chí mà mình lưu giữ. Thế nhưng, rất ít lá thư được hồi âm bởi sau ngày đất nước giải phóng, phần lớn địa chỉ quê quán của họ đã thay đổi. Có những trường hợp, thư đến đúng địa chỉ nhưng toàn bộ người thân của đồng đội đã bị địch sát hại.
“Có trường hợp tôi gửi thư đến rồi gọi điện vào địa phương đó thì lãnh đạo xã nhờ tôi hương khói giùm vì hiện nay, người thân của phần mộ đang nằm ở đây không còn ai cả. Hoặc có những gia đình tận trong đồng bằng sông Cửu Long vì điều kiện hoàn cảnh quá khó khăn nên chưa thể ra Nghệ An nhận mộ”, ông Tâm cho biết thêm.
Nhiều trường hợp thân nhân ở xa khi ra Nghệ An thăm, nhận mộ, gia đình ông còn tạo điều kiện cho họ ăn, ở ngay trong nhà mình.
Hiện nay, theo danh sách mà CCB Phạm Minh Tâm (SĐT: 0914.559.837) còn lưu giữ thì 229 phần mộ là con em cán bộ miền Nam tập kết, chữa bệnh và công tác tại Nghệ An có quê quán ở 17 tỉnh, thành khác nhau. Có người quê ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, có trường hợp tận miền Đông Nam Bộ…
Trong suốt thời gian qua, ông Tâm đã lặng lẽ lần tìm các thông tin để kết nối với người thân của đồng đội mình hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi.
Thông qua bài báo này, CCB Phạm Minh Tâm rất mong muốn thân nhân của họ đọc được để những phần mộ nói trên sớm có người thân tìm về. Mặt khác, sau khi tôn tạo 229 phần mộ cán bộ miền Nam tập kết thì hiện nay, nghĩa trang vẫn không có người quản lý, hương khói. Chính vì vậy, đề nghị các cấp, ngành sớm bố trí người trông nom nghĩa trang và hương khói cho những người con đã nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc…