Gia đình xã hội
Cựu binh Gạc Ma và nỗi day dứt giữa 2 thế kỷ
(Congannghean.vn)-Là một trong những nhân chứng may mắn sống sót trở về sau trận hải chiến Gạc Ma cách đây hơn 28 năm về trước, người cựu binh ấy đã phải trải qua những năm tháng khó khăn của thời hậu chiến. Nỗi day dứt lớn nhất cũng là động lực thôi thúc anh nỗ lực tìm kiếm để kết nối thân nhân của những người đồng đội năm xưa. Anh là Lê Hữu Thảo, người sáng lập, đồng thời là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Gạc Ma HQ-604.
Cựu binh Lê Hữu Thảo (thứ 2 từ trái sang) tặng quà cho thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma |
Những ngày tháng 4 lịch sử, trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của người cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo. Trong căn nhà nhỏ ở phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, qua lời kể của anh Thảo, chúng tôi đã được sống lại những giờ phút thiêng liêng, bất tử của trận hải chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988.
Nhân chứng sống của lịch sử
Anh Lê Hữu Thảo là một trong những nhân chứng sống của trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Tháng 12/1986, khi vừa bước qua tuổi 20 – lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, anh Thảo tình nguyện lên đường nhập ngũ với lý tưởng “sống là để cống hiến cho đất nước”. Sau đó, anh được bố trí vào Lữ đoàn 147 Quân chủng Hải quân.
Đầu năm 1988, anh Thảo được lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng quân ở cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Nhớ lại cái ngày định mệnh của những chiến sĩ trên đảo Gạc Ma, anh Thảo không khỏi bồi hồi xúc động kể cho chúng tôi nghe những ký ức không thể nào quên…
Thời điểm đó, anh Lê Hữu Thảo là Tiểu đội trưởng của một trong hai trung đội chiến đấu của Lữ đoàn 146 trước khi tàu HQ-604 được lệnh rời Cam Ranh ra bảo vệ Gạc Ma vào đầu tháng 3/1988.
Trong trận hải chiến ngày 14/3/1988, anh Thảo cùng các đồng đội Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc... được giao nhiệm vụ xuống bãi đá ngầm san hô cảnh giới và bảo vệ cho lực lượng công binh dựng cờ ở đảo Gạc Ma.
Sáng 14/3/1988, khi tổ cắm và giữ cờ gồm 5 người và các chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thì bất ngờ 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa ập đến. Trong đó, 1 tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát khoảng 200 - 300 m. Chúng dùng xuồng máy đổ bộ vào với 50 tên có trang bị súng AK, súng ngắn và điện đàm, tiến hành áp sát, bao vây, uy hiếp buộc anh và đồng đội phải rút lui.
Anh Lê Hữu Thảo bên bức tranh “Vòng tròn bất tử” |
“Khi đó, chúng tôi chỉ có 2 khẩu súng AK 47 và một số dụng cụ như cuốc, xẻng. Tuy nhiên, dù quân địch tìm mọi cách khiêu khích để buộc chúng ta nổ súng trước nhưng quân ta vẫn bình tĩnh. Không thực hiện được ý đồ, tên sĩ quan chỉ huy của Trung Quốc bất ngờ bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng vào Thiếu úy Trần Văn Phương, người đang cầm ngọn cờ Tổ quốc trên tay rồi nã đạn khiến đồng chí gục xuống. Sau đó, lá cờ Tổ quốc tiếp tục được truyền tay nhau cho đến khi quân ta hy sinh gần hết nhưng chúng tôi vẫn không để cờ Tổ quốc rơi vào tay bọn chúng.
Cùng lúc đó, tàu chiến Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ-604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin và HQ 605 phía đảo Len Đao. Đến khi trời sáng, tàu Trung Quốc mới chịu rút khỏi Gạc Ma, 64 đồng đội của tôi trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ”, anh Thảo xúc động chia sẻ.
Đau đáu về đồng đội ngã xuống vì biển đảo quê hương
Hình ảnh những đồng đội ngã xuống đã khắc sâu trong tâm khảm của người cựu binh Lê Hữu Thảo. Và cho đến tận bây giờ, chưa giây phút nào anh quên những ký ức đau thương nhưng rất đỗi hào hùng ấy.
Trở về sau trận chiến lịch sử, cuộc sống của cựu binh Lê Hữu Thảo gặp nhiều khó khăn khi phải làm đủ công việc để mưu sinh. Thế nhưng, anh vẫn đau đáu và mong mỏi tìm lại đồng đội trên tàu HQ 604 còn sống và tìm kiếm thân nhân của những đồng đội đã nằm xuống.
Thông qua mạng xã hội và sự giúp đỡ của một số phóng viên các báo, năm 2013, lần đầu tiên anh Thảo tìm được địa chỉ nhà của liệt sĩ Trần Văn Phương nên đã khăn gói lên đường tìm đến tận nhà của đồng đội mình. Được thắp nén hương cho người đồng đội, anh cảm thấy như được sống lại giây phút thiêng liêng, bất tử để bảo vệ Tổ quốc.
Sau cuộc gặp gỡ xúc động này, anh Thảo đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng xã hội để tìm kiếm đồng đội. Đến ngày 22/8/2015, anh cùng với một số cựu binh Gạc Ma thành lập Ban liên lạc Gạc Ma với tên gọi HQ 604 Gạc Ma 88 và anh được bầu làm Trưởng ban.
Đến nay, các anh đã tìm được gần hết những đồng đội của mình. Trong những chuyến đi thăm gặp đồng đội còn sống và thân nhân của những người đã hy sinh, cựu binh Lê Hữu Thảo đã nghẹn ngào khi thấy cuộc sống của họ còn quá vất vả. Có người đã sống quá nửa cuộc đời nhưng chưa có nổi căn nhà và vẫn phải bươn chải, vật lộn để mưu sinh. Thấy vậy, anh Thảo lại tìm cách liên hệ với các tổ chức và cơ quan báo chí để kêu gọi ủng hộ.
Xúc động nhất là ngày tôi tìm được 16 đồng đội cùng chiến đấu trên tàu HQ-604. Khi đó, cả 16 người đều chưa được cấp giấy chứng nhận là cựu binh Gạc Ma do bị mất giấy tờ, cuộc sống của họ đa phần còn khó khăn. Ngay sau đó, Ban liên lạc đã đề nghị Lữ đoàn E88 cấp giấy chứng nhận và làm chế độ cho họ, đồng thời liên hệ với Quỹ tấm lòng vàng lao động để hỗ trợ cho mỗi người 20 triệu đồng. Đến thời điểm này, Ban liên lạc đã tìm được thân nhân của 50 liệt sĩ trong tổng số 64 liệt sĩ. Ban liên lạc cũng cố gắng tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho các gia đình.
Vào ngày 9/4 vừa qua, Báo Tuổi trẻ cùng nhà tài trợ là Công ty Hưng Thịnh đã tổ chức buổi gặp gỡ và trao tiền hỗ trợ cho 10 thân nhân liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, số tiền hỗ trợ là 20 triệu đồng/suất. Mặc dù mất mát về người không có gì bù đắp nổi nhưng Ban liên lạc vẫn mong muốn tìm các tổ chức hỗ trợ cho thân nhân các liệt sĩ để động viên tinh thần và thể hiện sự tri ân của đất nước với những hy sinh xương máu của các liệt sĩ”, anh Thảo cho biết.
Bận rộn với công việc tìm kiếm đồng đội, cựu binh Lê Hữu Thảo quên rằng cuộc sống của chính anh vẫn còn đó nhiều khó khăn khi anh chưa có công việc, vẫn sống đơn thân sau lần đổ vỡ hôn nhân. Anh đi tìm nguồn hỗ trợ cho gia đình các đồng đội với mong muốn họ có căn nhà khang trang; còn anh, phải đến năm 2015 mới được Quỹ tấm lòng vàng và các nhà hảo tâm ủng hộ tiền để mua đất và xây dựng một căn nhà ba gian.
Cũng trong năm này, anh đã gặp được “một nửa” còn lại của cuộc đời. Sau đó, một đám cưới nhỏ ấm cúng được tổ chức, 20 cựu binh Gạc Ma đã có mặt để chia sẻ hạnh phúc với người đồng đội. Đến nay, anh đã có một cậu con trai kháu khỉnh mang tên Lê Trường Sa - cái tên mà mỗi khi nhắc đến, anh lại nhớ về những tháng ngày hào hùng của anh và đồng đội.
Phương Thủy