Gia đình xã hội
Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn nhiều khó khăn
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, tình trạng nghiện ma túy đang trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Ma tuý không chỉ hủy hoại sức khoẻ mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bần cùng. Hệ lụy đáng lo ngại hơn cả là sự lây truyền đại dịch HIV/AIDS. Trong khi đó, cuộc chiến chống lại ma túy vẫn còn lắm cam go, đặc biệt là công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trên 480 trường hợp đang cai nghiện tại gia đình và cộng đồng
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 9.293 người nghiện có hồ sơ quản lý ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Ma túy khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo. Bên cạnh đó, không ít đối tượng nhiễm HIV đã lây truyền bệnh cho người thân và cộng đồng... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đa số các đối tượng nghiện đều sử dụng hêrôin. Ngoài ra, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp và hút lá cần sa khô. Đối tượng nghiện ma túy chủ yếu ở độ tuổi từ 18 - 40.
Thời gian qua, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được nhiều gia đình có người nghiện lựa chọn, song hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 482 đối tượng đang cai nghiện tại cộng đồng; trong đó tập trung ở một số địa phương như: Tương Dương (129 người), TP Vinh (91 người), Kỳ Sơn (30 người), TX Thái Hòa (22 người), Tân Kỳ (22 người)… Các trường hợp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều được địa phương lập hồ sơ theo đúng quy định, quy trình và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng trường hợp.
Các học viên lao động tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh |
Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng bao gồm các bước: Khám sức khỏe, phân loại người nghiện; điều trị cắt cơn, giải độc; quản lý, giám sát người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện. Tuy nhiên, tỉ lệ tái nghiện sau cai chiếm gần 90%.
Để cai nghiện thành công là việc rất khó khăn, trong khi hình thức cai nghiện trên chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong đợi, nhất là trong việc theo dõi, quản lý. Vì thế, dù đã đạt được một số kết quả bước đầu song hiệu quả của công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa thật sự bền vững, nhiều đối tượng có biểu hiện tái nghiện sau cai.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Không thể phủ nhận hiệu quả của công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, tuy nhiên thực tế cho thấy, tỉ lệ người tham gia cai nghiện theo hình thức này trên địa bàn Nghệ An còn khá khiêm tốn trong tổng số hơn 7.000 người cai nghiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như mong đợi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Trong đó, hoạt động cai nghiện ở nhiều xã, phường, thị trấn chủ yếu dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động chứ chưa tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng đối tượng. Việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho người sau cai chưa được chú trọng. Thành viên của các tổ công tác cai nghiện chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên việc bố trí thời gian cũng như triển khai các hoạt động chuyên môn, nhất là các hoạt động liên quan đến quản lý, tư vấn cho người cai nghiện, tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Mặt khác, quá trình rà soát, thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý cũng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do người nghiện không có nơi cư trú ổn định, thường vắng mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhất là các đối tượng thường đi làm ăn xa dẫn đến gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, trong quá trình cai nghiện tại cộng đồng, người nghiện có khả năng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng xấu nên nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và địa phương thì rất khó cai nghiện thành công. Ngoài ra, nguồn kinh phí hàng năm cho hoạt động này còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức như: Giường bệnh, thuốc trị bệnh, đội ngũ y, bác sĩ còn thiếu…
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nghệ An cho biết: Để nâng cao hiệu quả cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền địa phương về chất lượng, hiệu quả của từng biện pháp, hình thức cai nghiện ma túy.
Đồng thời, phát huy có hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và người dân tại nơi cư trú trong việc vận động các đối tượng nghiện, gia đình có người nghiện ma túy chủ động khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện phù hợp.
Chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là xã, phường, thị trấn cần chủ động giúp đỡ người sau cai nghiện trong việc tạo công ăn việc làm, hỗ trợ kinh nghiệm và vốn để phát triển kinh tế nhằm từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái sử dụng ma túy. Nếu thực hiện có hiệu quả các biện pháp, việc làm trên, công tác cai nghiện ma túy mới thật sự phát huy hiệu quả và mang tính bền vững, lâu dài, góp phần tích cực trong việc từng bước đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy.
Cao Loan