Gia đình xã hội

Nghệ An: Những chuyển biến tích cực trong bình đẳng giới

09:36, 30/12/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, tại Nghệ An, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành quan tâm. Đặc biệt, sau khi có Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác.

Cho đến nay, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ Nghệ An đã đạt được một số kết quả bước đầu. Cụ thể như: Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng so với nhiệm kỳ trước; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011 - 2016 tỉnh Nghệ An đạt 20,07%/30% kế hoạch; tăng 3,07% so với nhiệm kỳ trước. Tỉ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đều có sự tiến triển qua từng năm trong nhiệm kỳ. Tỉ lệ nữ ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có lãnh đạo nữ cũng có sự biến chuyển tích cực.

Trong tất cả các phương diện, có thể thấy, công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động đã được khẳng định và đạt nhiều kết quả nổi bật nhất. Nếu như thời gian trước, vị thế, vai trò của người phụ nữ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng, công tác giải quyết việc làm cho nữ giới vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập thì trong nhiều năm trở lại đây, nhờ những nỗ lực của phụ nữ trong khát vọng khẳng định bản thân cùng với sự quan tâm của các cấp ban, ngành, con số lao động nữ được đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng được cải thiện.

Đoàn liên ngành Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh kiểm tra công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại Hội Nông dân tỉnh
Đoàn liên ngành Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh kiểm tra công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại Hội Nông dân tỉnh

Cụ thể, trong 3 năm gần đây, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 104.500 lao động; bình quân mỗi năm giải quyết được khoảng 34.830 lao động. Trong đó, lao động nữ được tạo việc làm là 47.559 người, đạt 46%. Công tác giải quyết việc làm, dạy nghề còn được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh ở các vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số.

Vượt qua những khó khăn về phương tiện, trình độ, khoảng cách địa lý, các cấp hội, nhất là hội phụ nữ đã trở thành cầu nối để chị em được học tập, đổi mới phương thức sản xuất tiến bộ, góp phần đổi thay cuộc sống hàng ngày. Theo đó, tỉ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 78,8%.

Theo ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, hiện nay, dù đã nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác, nhiệm vụ bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Muốn khắc phục, trước hết phải có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho việc thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan chính quyền có nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới thì nơi đó triển khai và thực hiện tốt các mục tiêu bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp của Chiến lược phải được lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của bộ, ngành và kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Việc triển khai từng mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 cần gắn với thực hiện các giải pháp tương ứng của mỗi mục tiêu trong Chiến lược.

Đồng thời, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về bình đẳng giới của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm cơ sở cho việc phối hợp trách nhiệm với các bộ ngành liên quan, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Có thể thấy, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược, cần sự nỗ lực, vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành liên quan. Đó là quá trình xuyên suốt trong toàn bộ việc thực hiện xây dựng và thực thi, chứ không dừng lại ở các trang văn bản hướng dẫn. Xác định rõ vai trò của các cá nhân, chủ thể trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới chính là cơ sở động lực để từng bước góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ, tạo điều kiện để họ vươn lên khẳng định năng lực, trí tuệ và đóng góp ngày càng lớn hơn cho gia đình và xã hội.

Mai Hậu

Các tin khác