Gia đình xã hội
Hơn 10 năm 'sống tạm' vì nhường đất dự án
(Congannghean.vn)-Để có đất thực hiện dự án quy hoạch Trung tâm Đào tạo lái xe, 19 hộ dân Khu tập thể Công ty Sông Biển ở khối 11, phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã nhường đất và được Công ty bố trí tái định cư, xây dựng nhà cửa tại nơi ở mới. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm trôi qua, các hộ dân này vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ và không được hưởng các quyền lợi về đất.
Sống bấp bênh trong nhà tái định cư
Theo phản ánh của tập thể 19 hộ dân Khu tập thể Công ty Sông Biển tại khối 11, phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, năm 1991, theo chủ trương hóa giá nhà ở cho cán bộ công nhân viên công ty và nhân viên, họ đã bỏ ra một số tiền lớn (tính theo mệnh giá thời điểm lúc bấy giờ) để mua nhà đất do Công ty Sông Biển hóa giá.
Trong số đó, có 19 cán bộ nhân viên, phần lớn đều là những người có công với cách mạng, đã tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường còn sống sót trở về tiếp tục công tác tại Công ty Sông Biển nên được ưu tiên.
Năm 2004, thực hiện chủ trương của Công ty về việc quy hoạch trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại phường Cửa Nam, các hộ dân này đã đồng ý nhường đất để chuyển đến vùng tái định cư mới. Tuy nhiên, do không thực hiện đúng quy trình, quy hoạch tái định cư nên đến nay, hầu hết các hộ dân này đều chưa được cấp GCNQSDĐ và hưởng các quyền lợi liên quan.
Phần lớn các hộ dân đều có công với cách mạng, tuổi đã cao nên tha thiết có được GCNQSDĐ |
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Nhường (SN 1944), tổ trưởng tổ dân cư số 9, thuộc khối 11, phường Cửa Nam: Năm 1991, thực hiện chủ trương của Công ty, vợ chồng bà đã bỏ ra 350.000 đồng để mua đất hóa giá tại khu tập thể Công ty. Hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan đã hoàn tất và từ đó cho đến năm 2004, gia đình bà sinh sống ổn định, không tranh chấp với bất kỳ ai.
Cũng trong năm nay, Công ty Sông Biển có chủ trương thực hiện dự án quy hoạch trung tâm đào tạo lái xe nên đã tiến hành di dời các hộ dân tại khu tập thể đến nơi tái định cư mới. Gia đình bà Nhường cùng 18 hộ khác nằm trong diện giải tỏa, di dời đã thực hiện chủ trương trên.
Tại nơi ở mới, dù đã nhiều lần làm đơn, kiến nghị với Công ty và chính quyền về việc cấp GCNQSDĐ nhưng đến nay đã 10 năm, gia đình bà vẫn phải “sống tạm” trên đất của mình. “Hai vợ chồng tôi đều là thương binh, có công với cách mạng. Chồng tôi mất đã 3 năm nay, có đứa con duy nhất thì bị nhiễm chất độc da cam. Tôi chỉ mong có giấy GCNQSDĐ để lỡ mai mốt có mệnh hệ gì thì trao lại cho con”, bà Nhường cho biết.
Đồng cảnh ngộ với bà Nhường là trường hợp của bà Trần Thị Đức (SN 1948), vốn là cán bộ nhân viên của Công ty Sông Biển và là thanh niên xung phong. Năm 2004, bà cũng nhường đất cho dự án. Tại khu tái định cư mới, bà Đức cũng như các hộ khác được phía Công ty cấp mảnh đất 100 m2, được xây sẵn một căn phòng khoảng 20 m2, định giá mỗi lô 15 triệu đồng, phía Công ty hỗ trợ 11 triệu đồng, công nhân viên phải bỏ ra thêm 4 triệu đồng.
Để có chỗ sinh hoạt cho cả gia đình, bà Đức và các hộ khác phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để cơi nới và xây dựng thêm. Tuy nhiên, điều lo âu, thấp thỏm của bà Đức, bà Nhường cũng như những hộ dân ở đây là, dù mang tiếng được cấp đất dự án nhưng vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ.
Thiệt đơn, thiệt kép
Trong 10 năm qua, đã có không ít nhà cửa bị hư hỏng, xuống cấp nhưng không được sửa chữa. Hơn thế, các hộ nằm trong diện di dời để nhường đất cho dự án đều là những người có công với cách mạng, hiện tuổi cao, sức yếu nên rất mong mỏi được cấp GCNQSDĐ để an nhiên tuổi già. Ngoài ra, hoàn cảnh của họ cũng khá khó khăn, gần đây có chương trình dự án hỗ trợ người có công sửa chữa nhà ở xuống cấp, hư hỏng (với mức 40 triệu đồng/trường hợp) nhưng vì chưa có GCNQSDĐ nên các hộ này không nằm trong danh sách được ưu tiên, xét duyệt.
Trong số này, phải kể đến 3 hộ Lê Thị Thiện, Nguyễn Thị Thu và Võ Thị Thủy, hiện đang phải sống trong nhà tập thể cũ, xuống cấp nghiêm trọng, gỗ đã mục nát, ngói rớt từng mảng.
Cận cảnh khu tập thể đã xuống cấp của 3 hộ gia đình đề cập trong bài viết |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty CP GTVT và Dạy nghề cho biết: Về việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân, lẽ ra đến thời điểm này đã hoàn thành nhưng vì đang vướng việc chuyển đổi mua bán tài sản trên đất giữa Tổng công ty là Công ty CP Vận tải Công nghiệp Tàu thủy Nghệ An Vinashin với Công ty CP GTVT và Thương mại Nghệ An cho công ty thành viên là đơn vị ông Hùng đang quản lý nên dẫn tới tình trạng trên.
Về 3 hộ sống trong khu tập thể xuống cấp trên, ông Hùng cho biết, thời điểm làm hồ sơ chung, các hộ này không đồng ý làm tập trung nên Công ty không đưa vào danh sách. Bởi vậy, đến nay, 3 hộ này không thuộc quyền quản lý của Công ty, cũng không thuộc quyền quản lý của UBND phường Cửa Nam và giữa các hộ có tranh chấp. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, Công ty đang phối hợp với UBND phường Cửa Nam tiến hành cấp GCNQSDĐ cho các hộ cùng đợt, sau khi giữa các hộ có sự thỏa thuận ranh giới với nhau.
Về vấn đề thực hiện di dời, tái định cư không đúng với quy định của Nhà nước, ngày 3/9/2015, Sở TN&MT đã có Công văn số 4269, đề nghị Công ty CP Vận tải Công nghiệp Tàu thủy Nghệ An báo cáo toàn bộ quy trình thực hiện dự án quy hoạch trung tâm đào tạo lái xe và di dời, giải phóng mặt bằng khu đất. Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2015, Công ty CP Tổng công ty GTVT và Thương mại Nghệ An đã có Báo cáo số 253, trong đó đề nghị thu hồi diện tích đất hiện nay mà các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.
Trên cơ sở này, ngày 5/10/2015, Sở TN&MT có công văn hướng dẫn thu hồi đất và điều chỉnh việc thuê đất. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Hiện, Sở TN&MT đang phối hợp với UBND TP Vinh, tiếp tục đôn đốc Công ty CP Tổng công ty GTVT và Thương mại Nghệ An nộp hồ sơ để giải quyết sớm việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ.
Thiên Thảo