Gia đình xã hội
Gia tăng tình trạng nhiễm HIV/AIDS ở vùng cao
(Congannghean.vn)-Trong vài thập niên trở lại đây, căn bệnh HIV/AIDS trở thành nỗi lo của không chỉ riêng mỗi gia đình mà của toàn xã hội. Thời gian qua, cả cộng đồng đã có nhiều nỗ lực trong việc chung tay phòng, chống, đẩy lùi căn bệnh thế kỷ này. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm HIV/AIDS vẫn luôn là vấn đề “nóng” ở một số địa phương, với số người nghiện gia tăng, nhất là ở các vùng phức tạp về ANTT, những bản làng vùng cao nơi miền Tây xứ Nghệ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 8.000 người nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở 438/480 xã tại 21 huyện, thành, thị. Đặc biệt, số người nhiễm HIV/AIDS ở các huyện vùng cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu… chiếm tỉ lệ lớn. Đó là chưa kể đến một bộ phận không nhỏ bị nhiễm còn “giấu bệnh” không đi khám, xét nghiệm do mặc cảm.
Qua thống kê của các cơ quan chức năng, số người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung ở những địa phương có sự gia tăng về số người nghiện ma túy và các tệ nạn xã hội. Ma túy, mại dâm chính là con đường ngắn nhất dẫn đến căn bệnh thế kỷ này. Nhiều mô hình, câu lạc bộ đã và đang được triển khai hoạt động nhằm phòng, chống HIV/AIDS nhưng trên thực tế, tình trạng người nhiễm căn bệnh này trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đặc biệt, số người nhiễm đang ngày càng trẻ hóa một cách đáng báo động.
Mặc dù công tác tuyên truyền đã được quan tâm nhưng tình trạng nhiễm HIV/AIDS ở vùng cao vẫn gia tăng |
Tại huyện Quế Phong, qua thống kê, đến thời điểm hiện nay, có gần 1.000 người nhiễm HIV/AIDS. Có những xã hiện đang “nóng” về tình trạng nhiễm HIV/AIDS như Tiền Phong, Đồng Văn, Quang Phong, Cắm Muộn… Riêng tại xã Tiền Phong, hiện có khoảng trên 200 người nhiễm. Số người chết do căn bệnh này đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân ở những bản làng vùng cao nơi đây. Thậm chí có những gia đình có tới 3 - 4 người chết vì AIDS. Cuộc sống bị đảo lộn trong mỗi nếp nhà, HIV/AIDS luôn rình rập khiến người dân “đứng ngồi không yên”.
Anh Lương Văn Q., một người dân ở bản Na Chạng, xã Tiền Phong cho biết: “Mấy năm trước, số người mắc AIDS không nhiều như bây giờ nhưng từ ngày có Thủy điện Hủa Na, người tứ xứ về làm công nhân, rồi thanh niên đi khai thác vàng ở Tây Nguyên về, đàn ông ở bản bị nhiễm AIDS nhiều lắm. Bữa trước, thống kê ở bản có tới hơn 20 người nhiễm AIDS. Các bản xung quanh như Na Sành, Na Dến, Na Chảo và cả xã Đồng Văn cũng có vài chục người bị nhiễm AIDS”. Cũng theo lời anh Q., tại nơi anh sinh sống, số lần tiễn đưa người chết do AIDS không có dấu hiệu giảm.
Còn tại xã Quang Phong, AIDS đã cướp đi mạng sống của 3 người con trai và 1 người con dâu của ông Lang Văn T. ở bản Cu chỉ trong thời gian ngắn. Với ánh mắt đượm buồn, khắc khổ, ông T. kể lại: “Bây giờ gia đình ta không còn gì để mất nữa. Chỉ chưa đầy 3 năm (2009 - 2011), AIDS đã cướp đi 3 người con trai và 1 người con dâu. Đứa con trai thứ 3 đang học Đại học Vinh năm thứ 2 lúc nghỉ hè về quê nghe theo lời rủ rê của bạn bè thử ma túy đã chết vì AIDS”. Được biết, trước kia, các con của ông T. đều chăm chỉ, hiền lành, cô con dâu đang là giáo viên mầm non, con trai thứ 2 làm y tế thôn bản cũng chết vì AIDS.
Ngay cạnh nhà ông T. là gia đình bà Vi Thị Q. cũng có 3 người con trai lần lượt chết vì AIDS. Kế bên nữa, trong cùng một năm, ông Lô Văn N. phải 3 lần đào huyệt chôn 3 người con của mình chết vì AIDS khi tuổi đời còn quá trẻ. Trong phút giây bồng bột vì có men rượu, các con ông đã thử ma túy rồi dính đến HIV lúc nào không hay biết. Chỉ đến khi thấy biểu hiện khác thường, đi thử máu thì đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Ngay chính vợ con của họ cũng không thể tin nổi mình cũng bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng.
Không riêng ở các xã Quang Phong, Tiền Phong, khi đặt chân đến thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghe người dân ở đây kể về những câu chuyện liên quan đến căn bệnh thế kỷ. Tại huyện Quỳ Châu, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, hiện nay, số người nhiễm HIV/AIDS cũng đang ở mức báo động, lên tới hàng trăm người. Đây cũng là thực trạng chung ở những bản làng vùng cao các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông…
Họ cho rằng, mấy năm trở lại đây, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, nhiều gia đình khá giả nuông chiều con cái dẫn đến tụ tập ăn chơi, đua đòi hút chích ma túy. Một nguyên nhân nữa là, mấy năm trở lại đây, thanh niên đi làm ăn xa khi trở về quê đã mang theo AIDS gieo rắc vào bản, làm lây lan trên địa bàn. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí chưa đồng đều nên nhận thức về HIV/AIDS cũng còn nhiều hạn chế.
Trước thực trạng nói trên, thời gian qua, các ban, ngành địa phương đã ra sức tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS. UBND tỉnh cũng ban hành nhiều kế hoạch ra quân phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan vào cuộc nhằm đẩy lùi căn bệnh này.
Mới đây, vào ngày 16/11/2015, thực hiện “Chiến lược hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90, giai đoạn 2015 - 2017, tầm nhìn 2020”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 632/KH-UBND cùng các văn bản liên quan nhằm góp phần phòng, chống và đẩy lùi HIV/AIDS trên địa bàn trong thời gian tới. Nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp và hướng tới mục tiêu đến năm 2017, Nghệ An thực hiện thành công mục tiêu 90 - 90 - 90 trên địa bàn.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, các cấp, ngành, đoàn thể cần chung tay, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ngọc Thái