(Congannghean.vn)-Sai lầm của tuổi trẻ đã khiến bản thân anh phải trả giá bằng bản án 3 năm tù giam. Xót xa hơn, thời gian cải tạo trong trại giam, người vợ hiền vì thương nhớ chồng sinh đau yếu, bệnh tật nên đã qua đời. Trở về sau bản án, người đàn ông ấy đã quyết tâm làm lại cuộc đời và sau gần 10 năm phục thiện, giờ đã là ông chủ rừng có tiếng ở miền Tây xứ Nghệ.
Về bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, hỏi chuyện ông chủ rừng Mạc Văn Quynh (SN 1971), người dân tộc Thái, người dân nơi đây không ai là không biết. Không chỉ sở hữu một trang trại lớn, là ông chủ của gần 100 ha rừng trồng, anh Quynh còn tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương, với thu nhập hàng tháng ổn định trên 3 triệu đồng. Ít ai biết rằng, để có được như ngày hôm nay, ông chủ rừng này đã từng phải trải qua một quãng thời gian rất khó khăn từ sau sai lầm của tuổi trẻ.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình người dân tộc Thái ở bản Kẻ Gia, từ nhỏ, Mạc Văn Quynh đã quen với nương rẫy hơn là chữ nghĩa. Cũng bởi vậy, lớn lên như bao trai bản khác, Quynh lập gia đình sớm và yên phận với cuộc sống của mình. Thế nhưng, cuộc sống đưa đẩy, vào năm 2004, Quynh trong lúc a dua với bạn bè đã tham gia cướp tài sản và bị kết án 36 tháng tù giam, thụ án tại Trại giam số 6. Ngày mới vào trại, Quynh rất bi quan. Nhưng nhờ được cán bộ quản giáo và Ban giám thị giúp đỡ nên Quynh đã sớm nhận ra sai lầm, gắng tu tâm cải tạo tốt để trở về với gia đình. Trong thời gian thụ án, Quynh đau đớn khi nhận hung tin, người vợ hiền ở quê do không chịu đựng nổi cú sốc nên ngã bệnh và qua đời. Gục ngã tưởng chừng như không gắng gượng được, nhưng vì các con, Quynh đã nén chặt nỗi đau để gắng cải tạo tốt. Đến tháng 1/2007, Quynh được ra tù trước thời hạn.
Đại tá Lữ Văn Tường, Phó Giám đốc Công anh tỉnh Nghệ An trao thưởng cho các cá nhân tại Hội nghị điển hình tiên tiến tái hòa nhập cộng đồng do Công an tỉnh tổ chức (Anh Mạc Văn Quynh đứng thứ 2 từ trái sang) |
Ngày trở về, Quynh gần như trắng tay, nhà cửa phải bán hết, con cái nương nhờ nhà ông bà nội ngoại, vợ mất nên bản thân rất chán nản. Vừa buồn bã, vừa mặc cảm, đã có lúc anh có ý định bỏ nhà đi biệt xứ. Nhưng rồi anh kịp nghĩ lại, lầm lỗi là do mình gây ra, giờ đây cần phải làm gì đó để có trách nhiệm với gia đình, con cái. Thời điểm này, người bạn gái thân thiết từ trước của vợ chồng anh cũng đứt gánh hôn nhân, được sự tác duyên của các con, hai người đã đến với nhau để làm chỗ dựa tinh thần. Gia đình mới, gồm cả con riêng và con chung là 6 đứa, trong đó một đứa còn nhỏ và hai đứa đang học phổ thông sống chung hòa hợp dưới một mái nhà. Đầu năm 2008, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, gia đình anh đã vay vốn để trồng rừng theo Quyết định 147/CP của Chính phủ.
“Hai vợ chồng đã làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi các con và phát triển kinh tế. Tôi bàn với vợ làm bất cứ việc gì miễn là không vi phạm pháp luật để con cái có cơm ăn, áo mặc và được đến trường như chúng bạn. Vợ tôi sáng bán hàng ở chợ, trưa về đi bán rong cho các gia đình trong bản, đến mùa nào thì buôn bán cái ấy. Cứ như thế, dần dà 5 ha rừng đầu tiên đã cho kết quả. Khi cầm trên tay những đồng tiền chân chính có được từ bán cây rừng, tôi đã gần như bật khóc vì xúc động”, anh Quynh chia sẻ.
Năm 2010, gia đình anh mạnh dạn nhận thêm 25 ha rừng để trồng cây tràm và keo lai. Cứ như thế, khi có thêm đồng vốn, vợ chồng anh lại bàn nhau mở rộng diện tích, lấy ngắn nuôi dài. Cho đến nay, gia đình đã cất được căn nhà 3 gian bằng gỗ, tiện nghi không thiếu bất cứ thứ gì. Ngoài diện tích đất rừng của gia đình, anh Quynh còn thuê thêm 70 ha của bà con trong bản bỏ hoang để trồng keo lai, nay đã đến kỳ thu hoạch. Vợ chồng anh cũng đang sở hữu trang trại với 30 con lợn, 6 con trâu bò, 35 con dê và đàn gà hàng trăm con. Mỗi tháng, anh thuê nhân công lao động là người địa phương, khoảng từ 15 - 20 người, thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/tháng. Vợ anh hiện nay cũng đang làm cán bộ phụ nữ của Chi hội Phụ nữ bản Kẻ Gia.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình anh Quynh còn thường xuyên giúp đỡ bà con trong bản làm ăn thoát nghèo bằng cách hỗ trợ vốn, cây, con giống và kỹ thuật để phát triển rừng trồng và vật nuôi theo mô hình trang trại. Ngoài ra, anh cũng thường xuyên chung tay giúp đỡ và ủng hộ các chương trình từ thiện xã hội trên địa bàn.
.