(Congannghean.vn)-Có thể nói, phụ hồ là một trong những nghề cực nhọc nhất. Đàn ông có khi còn không chịu nổi. Vậy mà nhiều người phụ nữ đã phải chấp nhận làm việc tại những công trình đầy nắng, gió, cát bụi, tiếng ồn và cả sự nguy hiểm vì tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập.
Vất vả mưu sinh
Đối với cánh đàn ông làm nghề xây dựng đã vất vả, với phụ nữ lại càng vất vả hơn. Tới bất kỳ công trường xây dựng nào trên địa bàn tỉnh Nghệ An, không quá khó để tìm gặp những người phụ nữ làm phụ hồ. Công việc của các chị em là vác xi măng, khiêng cát, trộn hồ, đưa gạch. Thậm chí, có chị còn đứng trên các giàn giáo cao tầng xây tường, đổ sàn.
Một công trường xây dựng thường có từ 8 - 10 nữ phụ hồ. Chị Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi) ở xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, không đi theo công trình mà làm phụ hồ tại nhà, ai kêu đâu chị làm đó. Chị tâm sự: Những nữ phụ hồ có độ tuổi khoảng từ 30 - 50 tuổi, đa số đã có gia đình. Bên cạnh đó, cũng có một vài em tuổi chưa đến 20 nhưng do không được học hành nên tìm đến đây để mưu sinh với nghề nặng nhọc này. “Hầu hết các chị em ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Do đất nông nghiệp bị thu hồi để nhường chỗ cho các khu công nghiệp nên chúng tôi không có việc làm. Không thể suốt ngày ngồi ở nhà chơi mà trông chờ vào số tiền đền bù, “miệng ăn núi lở”, mà số tiền ấy cũng chỉ đủ xây cái nhà và sắm vài đồ dùng sinh hoạt là hết nên chúng tôi phải làm phụ hồ để kiếm sống”.
Có chứng kiến tận mắt cường độ làm việc cũng như cuộc sống hàng ngày của họ mới hiểu phần nào những nặng nhọc, vất vả, thiếu thốn mà họ đang phải trải qua, đang phải đối mặt giữa dòng đời nghiệt ngã, nơi mà gánh nặng mưu sinh đang hiện hữu và đè nặng lên những đôi vai yếu mềm. Mỗi ngày, dù làm việc chăm chỉ, họ chỉ kiếm được từ 50.000 - 70.000 đồng. Các chủ thầu trả công rất công bằng, theo phương châm làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Những khi có việc phải làm tăng ca thì số tiền cũng tăng thêm. Có lẽ vì vậy, dù phải làm việc trong điều kiện nắng nóng nhưng chị em nào cũng rất chăm chỉ, không hề phàn nàn hay trách móc điều gì. Họ luôn mong trời khô ráo, thời tiết thuận lợi để đi làm, kiếm thêm thu nhập lo cho con cái ăn học.
Nhiều phụ nữ tìm đến nghề phụ hồ để mưu sinh |
Nguy hiểm rình rập
Xây dựng là nghề nguy hiểm nhất trong các nghề, bởi tai nạn luôn rình rập bất cứ khi nào. Nhất là với các nữ phụ hồ thì rủi ro bởi nghề không có gì quá xa lạ. Không chỉ phải đối mặt với sự nguy hiểm do tai nạn lao động mà các nữ phụ hồ còn luôn phải sống trong môi trường lao động ô nhiễm nặng do khói bụi và những chất độc hại khác. Có lẽ vì vậy mà phần lớn người phụ hồ cũng đều mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, mắt hay khớp...
Có thể dễ dàng nhận thấy, tại các công trường xây dựng, các chị hầu như không trang bị dụng cụ bảo hộ nào. Rủi ro, sợi dây đứt hay viên gạch không được ném đến tay người thợ là những nguy hiểm luôn rình rập các chị bất cứ lúc nào. Đây lại là công việc chỉ được thỏa thuận bằng miệng chứ không theo một hợp đồng cụ thể nào. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh vừa qua là bài học cảnh giác cho không ít người. Khi có chuyện xảy ra, các chị phải tự bỏ tiền mua thuốc, đi bệnh viện, nghỉ dài ngày lại còn bị mất việc. Lúc đó, chủ thầu sẽ tìm người khác thay thế.
Chia tay với những người phụ nữ lam lũ ở các công trường xây dựng, tôi thấy lòng trĩu nặng, trăn trở về những người tần tảo quanh năm kiếm sống, nuôi gia đình bằng nghề nặng nhọc. Nhưng họ đã vượt qua tất cả bằng chính nghị lực của mình, cùng với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của con cái và gia đình. Mong sao Nhà nước và chính quyền địa phương có những chính sách, thành lập những cơ sở sản xuất phù hợp và có những giải pháp đào tạo để tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn trong tình trạng đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đó cũng chính là ước muốn của những nữ phụ hồ.
.