Gia đình xã hội
Hai người phụ nữ bất hạnh
10:15, 01/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chịu cảnh mù lòa ngay từ khi mới lọt lòng, hai chị em Nguyễn Thị Sáu (SN 1974) và Nguyễn Thị Lưu (SN 1979) trú tại xóm 11, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu phải lớn lên trong bóng tối với muôn vàn khó khăn. Không được hưởng cuộc sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình như bao người phụ nữ khác, suốt gần 20 năm qua, 2 người phụ nữ mù sống thui thủi, nương tựa vào nhau trong căn nhà rách mái.
Chị Nguyễn Thị Lưu kể, bố chị là ông Nguyễn Quý Quỳnh từng có nhiều năm vào sinh ra tử tại chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông có 8 người con thì 3 người (1 trai, 2 gái) bị dị tật bẩm sinh, không có cơ hội nhìn thấy ánh sáng vì nhiễm chất độc da cam từ người bố. Vì mù lòa, tuổi thơ của 3 anh em chị Lưu gặp rất nhiều khó khăn khi không được đến trường, suốt ngày chỉ biết thui thủi ở góc nhà, tự mò mẫm, tập làm quen với bóng tối.
Theo thời gian, những anh chị em trong gia đình ai nấy đều lần lượt yên bề gia thất. Người anh trai Nguyễn Quý Cảnh cùng chung số phận cũng may mắn gặp được một người phụ nữ quá lứa, lỡ thì ở làng bên đồng cảm, nên duyên vợ chồng. Họ đã có với nhau 3 người con bình thường, khỏe mạnh. Còn 2 chị em chị Sáu và chị Lưu vẫn sống thui thủi bên người mẹ già.
Gần 20 năm qua, hai chị em mù lòa sống nương tựa vào nhau |
Nhìn bạn bè ai nấy đều bình yên bên mái ấm của mình, sống vui vầy bên chồng con rồi nhìn lại mình, 2 chị luôn tủi thân. Họ cũng ước mơ về một gia đình như thế. Bà con hàng xóm thấy 2 chị em sống cô đơn đã khuyên họ kiếm lấy đứa con cho vui cửa vui nhà, sau này về già còn có người chăm sóc. Chị Sáu thở dài cho biết thêm, khi còn ở với cha mẹ, 2 chị em cũng đã bày tỏ nguyện vọng muốn có một đứa con để vui cửa vui nhà nhưng người mẹ can ngăn. “Thân 2 đứa, mẹ còn phải lo còn muốn đèo bòng. Nuôi một đứa con vất vả chứ không đơn giản.
2 đứa mi đã mù lòa thì sinh con ra lấy chi mà nuôi. Rồi còn chuyện ăn học của chúng sau này nữa. Mà nếu có sinh ra đứa khỏe mạnh, bình thường còn đỡ, không may lại tàn tật như mẹ thì biết sống mần răng? Giờ mẹ còn chút sức khỏe nhưng mai mốt mẹ già yếu rồi, ai sẽ chăm sóc, nuôi nấng. Rồi biết mặt mũi nào nhìn bà con lối xóm khi cả 2 đứa con đều mang tiếng không chồng mà có con”. Rồi bố qua đời, mẹ già yếu, không thể tiếp tục gồng gánh nuôi 2 chị em. Trước khi qua nhà người con trai ở, bà gọi anh em lại bàn bạc, xây cho chị Sáu và chị Lưu một căn nhà nhỏ ngay trong vườn để ở riêng. Cũng từ đó, 2 chị em nương tựa vào nhau, tự rau cháo chăm sóc nhau qua ngày.
Một chiều cuối đông, qua nhiều con ngõ ngoằn ngoèo, đất đá lổm chổm, hỏi thăm mãi mới tìm được nhà 2 người đàn bà bất hạnh. Trong ngôi nhà hai gian cũ nát, chẳng có thứ gì giá trị ngoài bộ bàn ghế cũ, một chiếc giường nhỏ. Phía cuối ngôi nhà, chị Sáu đang loay hoay thổi lửa chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Ngoài vườn, chị Lưu đang cuốc khoảng đất trống phía trước nhà để trồng rau. Được biết, thu nhập chủ yếu của 2 chị em phụ thuộc vào số tiền 240 nghìn đồng/tháng của Nhà nước hỗ trợ cho người tàn tật. Để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, chị em chị Sáu tham gia vào Hội Người mù của huyện nhà. Khi thì cùng các thành viên trong hội vào Nam ra Bắc kiếm sống bằng nghề tiếp thị tăm đũa, khi lại xuống trung tâm để quấn nhang, vót tăm, Tết đến lại tranh thủ đến từng nhà trong xã để bán từng bó nhang…
Thấm thoát vậy mà đã gần 20 năm trôi qua, chị Sáu giờ đã qua tuổi 40, chị Lưu cũng đã ngoài 35 tuổi. Với 2 chị em họ, dù đã sống qua nửa đời người, nhưng vì số phận kém may mắn, họ đành gác lại những dự định, ước mơ mà người phụ nữ đáng được có để an lòng chấp nhận cuộc sống hiện tại. Dù cuộc sống còn quá chật vật với muôn vàn khó khăn trước mắt nhưng suốt buổi trò chuyện, 2 chị em không một lời than vãn về số phận. Ngược lại, họ luôn tươi cười, bởi theo họ: “Con người thì mỗi người một số phận. Nếu cứ suốt cả cuộc đời ngồi than khóc vì bản thân khiếm khuyết về thể chất thì thật không đáng sống. Thay vì than vãn, ta cứ cười tươi, sống lạc quan và hài lòng với những gì mình đã cố gắng. Được sinh ra trên cuộc đời này để sống, để yêu thương đã là điều may mắn lắm rồi”.
Đoàn Hoàng