Gia đình xã hội
Biệt tài thợ mộc làng Thanh Yên
09:02, 26/02/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ nhiều đời nay, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được xem là “cái nôi” sinh ra nhiều thợ mộc tài hoa, chuyên đi dựng nhà, dựng cửa ở nhiều nơi. Cũng ít ai biết rằng, những ngôi nhà thờ mang dáng dấp truyền thống của nền văn minh lúa nước bắt gặp ở đâu đó là nhờ có bàn tay của những người thợ nơi đây. Với họ, để tạo ra những nhà thờ gỗ có kiến trúc cổ kính được nhiều người ưa chuộng, đó là bí quyết riêng mà không nơi nào có được.
Nét xưa lưu giữ
Tập quán thờ cúng gia tiên là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc. Từ nông thôn đến thành thị, con dân nước Việt đều coi trọng lễ nghĩa, ơn dưỡng sinh thành của thế hệ đi trước. Rồi khi thành đạt, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, tất tả ngược xuôi, họ cùng nhau về lại chính nơi đã sinh ra mình, cảm tạ trước nhà thờ họ tộc để báo công, tưởng vọng. Khi sinh ra, họ cũng được xướng tên, xưng họ mỗi dịp giỗ tổ. Như chim có tổ, như sông có nguồn, nhà thờ họ cũng chính là nơi để con cháu được truyền dạy, giáo dục lòng biết ơn đối với đấng sinh thành. Là nơi lưu giữ sắc phong, gia phả, kỷ vật, kỷ hiếu… của đời trước để lại cho mai sau, đó cũng là nơi linh thiêng, chứng kiến không ít biến cố của mỗi dòng họ. Rồi sau này, dù đi xa, suốt một năm tất tả ngược xuôi, khi ngửi thấy mùi hương trầm ngày Tết, ngắm đào hay mai vàng chớm nụ, ai cũng muốn về sum họp dưới mái nhà thờ tổ cùng người thân.
Lan man, dông dài một chút là vậy nhưng cái hồn cốt có thể tạm suy nghiệm tới tính cách của con người có dáng dấp rêu phong dưới mỗi mái nhà thờ họ. Còn đối với người dân xã Thanh Yên, cũng như bao làng quê khác, từ nhiều đời nay, họ đã biết gìn giữ dáng dấp của những nét cổ xưa trong mỗi nếp nhà thờ có niên đại hàng trăm năm. Nhưng điều đáng quý là chính mảnh đất nơi đây, đã sản sinh ra những người thợ mộc tài hoa trong việc chạm trổ, điêu khắc, thổi hồn vào những nếp nhà gỗ. Dù đi đâu, người thợ mộc làng Thanh Yên cũng được mọi người trọng dụng, thuê mướn về dựng nhà thờ cho gia tộc mình. Thậm chí, những ngôi đền, chùa được trùng tu, khôi phục, người thợ mộc làng Thanh Yên cũng được mời đến với vai trò chủ công. Cái tiếng lành ấy, từ lâu, chúng tôi đã nghe tới ở những người thợ làng Thanh Yên, một vùng đất nằm ở hạ nguồn sông Lam trầm tích bao đời.
Một nhà thờ họ được người thợ làng Thanh Yên phục dựng |
Nghề cha truyền, con nối
Những ngày cuối năm, khi về Thanh Yên, ngay từ đầu làng, tiếng đục đẽo, cưa xẻ đã làm náo nhiệt cả một vùng quê. Những đứa trẻ tranh thủ ngày nghỉ học, phụ cha chạm trổ trên từng đường nét in hình rồng, phượng bằng hoa văn, họa tiết kỳ bí. Những người phụ nữ đánh giấy nhám, mài sơn bóng trên gỗ. Cảnh nhộn nhịp, hối hả cuối năm ở làng Thanh Yên như cuốn hút bước chân người lữ khách. “Ở xã Thanh Yên, nói đến những người thợ mộc giỏi thì phải nhắc đến anh em ông Đinh Bạt Cát và Đinh Bạt Bình. Từ nhiều năm nay, 2 anh em ông đã đi phục dựng không ít nhà thờ họ ở khắp nơi.
Có năm, họ cùng với tốp thợ trong làng dựng được hàng chục ngôi nhà thờ ở TP Vinh, các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… Đến Thanh Yên bây giờ, đàn ông trong làng đều biết làm thợ mộc, điêu khắc. Còn phụ nữ, ngoài việc đồng áng, lúc nông nhàn, họ cũng phụ giúp chồng làm những công việc phụ trong nghề mộc”, ông Ngô Quốc Thân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Yên chia sẻ với chúng tôi. Chính ông Thân cũng là tay thợ mộc cừ phách. Ông kể, sau khi đi bộ đội tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trở về với cuộc sống đời thường, nhớ nghề của cha truyền lại, lúc rảnh, ông cũng tham gia làm nhà thờ gỗ cho khách từ các địa phương khác đến đặt.
Cũng theo ông Thân, nghề dựng nhà thờ họ của làng bắt đầu có từ nhiều đời nay.
Khi sinh ra, lúc lên 3, lên 5, ông Thân cũng đã được nghe tiếng đục đẽo của những người trong làng. Rồi khi lớn lên, ông được cha cho đi theo dựng nhà và truyền dạy cho kỹ nghệ chạm, khắc những hoa văn trên từng cột, vì, kèo, hoành, rui gỗ trên mái nhà. Ở xã Thanh Yên, các xóm như Yên Long, Yên Trung, Yên Mỹ… đều có tổ thợ chuyên đi dựng nhà thờ họ ở các địa phương khác.
Để nghề dựng nhà thờ họ mang dáng dấp cổ xưa, các cụ ở đây kể lại rằng, từ lâu, truyền đời đã ban cho đàn ông trong làng có những biệt tài mà không nơi nào có thể sánh bì. Bởi lẽ, việc phục dựng hay tu bổ nhà thờ dòng họ mỗi gia đình đều phải “chọn mặt gửi vàng” trong việc tuyển mộ thợ thuyền. Chẳng biết linh nghiệm thế nào nhưng người làng Thanh Yên đi dựng nhà thờ dòng họ đều được mọi người trọng dụng.
“Có những nhà thờ sau khi chúng tôi hoàn thiện công việc được thuê mướn, họ sẵn sàng thưởng thêm hàng chục triệu đồng. Làm nghề này đòi hỏi đức tính chịu khó, tỉ mẩn đến từng chi tiết. Hơn nữa, việc chạm trổ trên vật liệu gỗ không đơn thuần như các loại khác. Nếu không khéo tay thì có thể làm hỏng cả một khối gỗ quý mà gia chủ đã lựa chọn. Ngoài sự chịu khó, người thợ phải rèn cho mình tư duy sáng tạo. Vì vậy, người dân làng Thanh Yên chúng tôi được khắp nơi mời đến dựng nhà thờ họ cũng chính bởi vì các yếu tố đó”, ông Nguyễn Duy Thiện, người dân ở xóm Yên Long đã có trên 20 năm làm nghề này cho biết. Không chỉ Thanh Yên có những người như ông Thiện mà đám thợ ở đây còn nói vui để minh chứng cho đức tính cầu kì, cẩn thận rằng, có giai thoại là trong thời gian làm một nhà thờ, đền, chùa, họ được gia chủ mua quả mít về, mời ăn rồi lấy hạt gieo mầm đến khi thành thân cây, cho quả, công trình mới hoàn thành.
Tạo dáng, nối đời
Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế của người dân đã từng bước đủ đầy, nhiều nhà có của ăn, của để, họ lại hướng về cội nguồn, nơi đã nuôi dưỡng mình lớn khôn. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, quy luật ở đời là vậy. Khi con cháu thành danh, sung túc, nhớ về thế hệ đi trước, nghĩ về tương lai mai sau, nhiều người đã tự bỏ tiền ra để dựng cho dòng họ mình một nhà thờ bằng gỗ, mang kiến trúc cổ xưa, như muốn nơi linh thiêng này sau này trở thành chứng tích cho sự lớn lên của nhiều thế hệ cùng chung huyết thống. Vì vậy, ở một số địa phương, có khi bỏ ra hàng tỉ đồng để phục dựng, tu sửa nhà thờ họ.
Và cái lẽ đương nhiên, tìm người thợ mộc “mát tay” để làm nhà, nơi thờ cúng tổ tiên để sau này con cháu ăn nên làm ra cũng lắm công đoạn. Theo chúng tôi được biết, người thợ Thanh Yên lại hội tụ đủ tố chất mà đến những dòng họ khó tính cũng chẳng chê vào đâu được. Vì vậy, người thợ làng Thanh Yên trở thành những người “tạo dáng, nối đời” trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Chẳng những thế, người thợ làng Thanh Yên còn có con mắt tinh tường trong việc chọn gỗ, nhìn vân thớ đoán vòng đời, năm tuổi của thân cây. Vật liệu mà họ chọn làm thường là thân cây mít, bởi màu vân đẹp, bền, không mối mọt. Việc lựa chọn gỗ mít cũng là cả một công đoạn cầu kỳ. Cây mít phải được trồng trên vùng đất màu mỡ, tận mạn Phủ Quỳ hoặc tại các vùng đất “lành”. Để rồi, khi thổi hồn vào gỗ, dáng dấp của ngôi nhà thờ được dựng lên mới uy nghiêm, cổ kính. Thường thì, để hoàn thiện một ngôi nhà thờ với kiểu kiến trúc cổ, cũng phải tốn đến gần 10 m3 gỗ các loại, tùy theo quy mô thiết kế. Tuỳ theo yêu cầu kiểu dáng chính điện, hậu cung… cho đến 4 mái, 6 mái hay 2 gian, 3 gian, người thợ làng Thanh Yên đều đảm đương được.
Ấy thế nên khi nói về chuyện làng “tạo dáng, nối đời” ở địa phương mình, ông Nguyễn Cảnh Cao, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên tự hào: Từ hàng chục năm nay, nghề làm nhà thờ họ ở đây đã được gìn giữ, đời sau nối tiếp đời trước. Độ tài hoa, kỹ nghệ thì ít ai so được với thợ Thanh Yên. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng đề án quy hoạch làng nghề truyền thống này. Và hiện nay, nghề mộc làm nhà thờ trở thành nghề đem lại thu nhập khá, nhiều hộ giàu lên nhờ công việc này”, ông Cao cho biết.
Minh Yên