Gia đình xã hội
Trăn trở của người đứng đầu ngành Xây dựng
09:09, 18/02/2015 (GMT+7)
Mặc dù năm 2014, ngành Xây dựng đã đạt được một số kết quả nổi bật trong 4 lĩnh vực nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vẫn trăn trở một nỗi niềm khi còn rất nhiều người có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở mà chưa được đáp ứng, trong đó có một lượng lớn người thu nhập thấp đô thị và công nhân các KCN.
4 kết quả nổi bật
Thưa Bộ trưởng, nếu nói về kết quả nổi bật nhất của ngành Xây dựng trong năm 2014, ông sẽ nói về điều gì và còn điều gì làm ông trăn trở?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng |
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thứ nhất, trong năm 2014, Bộ Xây dựng đã tập trung cao độ cho công tác soạn thảo và đã được Quốc hội thông qua 3 dự án luật rất quan trọng, gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá. Tôi tin rằng những văn bản pháp luật này sẽ góp phần tạo lập hành lang pháp lý hoàn chỉnh để quản lý hiệu quả các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng, đặc biệt là chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhất là đối với các công trình sử dụng vốn Nhà nước, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người nghèo…
Thứ hai, trong năm qua ngành Xây dựng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Thông qua thẩm tra thiết kế, dự toán của các cơ quan chuyên môn theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP đã khắc phục được các khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Việc này tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước...
Thứ ba, qua 2 năm triển khai đã khẳng định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng chủ động đề xuất là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, vừa giúp cho thị trường hồi phục tích cực, vừa tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản, vừa đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, giải quyết một cách căn bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở, được đánh giá là việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, nhân văn sâu sắc.
Thứ tư, các chương trình phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị bão lũ, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân, học sinh, sinh viên… tiếp tục khẳng định tính đúng đắn từ chủ trương cho đến cách thực hiện với kết quả đạt được hết sức tích cực được xã hội và người dân hết sức ủng hộ.
Nhưng tôi vẫn còn những điều trăn trở. Mặc dù một số địa phương đã tích cực thực hiện các chương trình phát triển nhà ở giúp cho hàng chục nghìn người dân cải thiện được chỗ ở, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở mà chưa được đáp ứng, trong đó có một lượng lớn người thu nhập thấp đô thị và công nhân các KCN.
Theo tính toán nhu cầu về nhà ở xã hội tại đô thị và các KCN từ nay đến năm 2020 cần khoảng hơn 1 triệu căn hộ, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương có nhiều KCN như: Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Tuy nhiên khả năng đáp ứng còn rất hạn chế, phần lớn công nhân phải thuê nhà ở trong khu dân cư, đời sống rất khó khăn, tạm bợ. Trong khi hiện nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân thuê… Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Xây dựng phải phối hợp với các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Những nỗ lực của ngành Xây dựng trong công tác chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng đã được thực hiện và đạt kết quả cụ thể gì thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Như tôi đã nói ở trên, thời gian qua, công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường, góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2014 đã thực hiện thẩm tra 15.341 công trình, tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% tổng số hồ sơ được thẩm tra, tổng giá trị dự toán trước thẩm tra khoảng 108.240 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra là 5.833 tỷ đồng (tương đương 5,39%).
Sang năm 2015, Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực với hàng loạt các quy định mới như: Phân biệt rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác thì có phương thức quản lý khác nhau; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra việc nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng; đổi mới mô hình quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng các mô hình ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn nhà nước.
Với các quyết định mới này chắc chắn sẽ góp phần góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách nhà ở xã hội
Trong năm 2014, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở và được đánh giá cao. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình này, Bộ Xây dựng sẽ có những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thời gian vừa qua, công tác phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị có khó khăn về nhà ở. Điển hình như: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, đến tháng 12/2014 đã thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 40.809 hộ gia đình; chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2) đã bố trí cho 42.792/56.520 hộ dân vào bờ; chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung được triển khai từ tháng 9/2014 dự kiến sẽ hỗ trợ cho 40.500 hộ gia đình...
Riêng đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ; 64 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô xây dựng 20.277 căn hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai 150 dự án, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ; 59 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở sinh viên đã có 75 dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 145.000 sinh viên.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình nhà ở xã hội, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các quy định được cụ thể hóa trong Luật Nhà ở (sửa đổi) như: Có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp khi tham gia phát triển nhà ở thương mại phải có trách nhiệm phát triển một tỷ lệ là 20% nhà ở xã hội; giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện huy động và cho vay vốn để người có thu nhập thấp vay vốn mua nhà với lãi suất hợp lý và thời gian dài. Mở rộng thêm đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở và kéo dài thời hạn vay từ 10 năm lên 15 năm đối với các đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Tiếp tục xây dựng trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện tốt các chương trình xây dựng nhà ở hiện nay.
Một trong những điểm nhấn là năm 2014, thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực sau nhiều nỗ lực đưa thị trường bất động sản đi đúng hướng, xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về lĩnh vực này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng” giai đoạn 2011-2012, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, nhằm khắc phục sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân.
Thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ những tháng cuối năm 2013. Trong năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện qua lượng giao dịch tăng; giá cả tương đối ổn định; lượng tồn kho bất động sản tiếp tục giảm; cơ cấu hàng hóa bất động sản chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn vốn, cụ thể là:
- Về giao dịch: Trong cả năm, tại Hà Nội có khoảng 11.450 giao dịch thành công (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013), tại TP.HCM có khoảng 10.350 giao dịch thành công (tăng khoảng 30% so với năm 2013).
- Về giá cả: Mặt bằng giá cả nhà ở nhìn chung là ổn định, nhiều dự án trong giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm sâu (trên 30%), trong 12 tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp.
- Về tồn kho bất động sản: Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tính đến ngày 15/12/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng (giảm 21,8%) so với tháng 12/2013 và giảm 54.659 tỷ đồng (giảm 42,52%) so với đầu kỳ báo cáo vào quý I/2013.
- Cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý: Đến nay trên địa bàn cả nước đã có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 38.897 căn hộ; 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.
- Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến 31/10/2014 đạt 299.020 tỷ đồng, tăng 14,08% so với thời điểm 31/12/2013, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,13%). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI.
- Kết quả thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội: Tính đến 15/12/2014, tổng số tiền 5 Ngân hàng đã cam kết cho vay 9.417 tỷ đồng, đạt 31,39% (tháng 6/2014 mới đạt 13,47%), đã giải ngân là 4.882 tỷ đồng, đạt 16,27% (tháng 6/2014 mới đạt 7,63%). Tốc độ giải ngân 6 tháng cuối năm 2014 tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn từ tháng 6/2014 trở về trước, nhất là sau khi Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó đã mở rộng đối tượng cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, đồng thời có nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai tạo thêm nguồn cung cho thị trường.
Dự báo tích cực về thị trường bất động sản
Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản trong năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ phát triển như thế nào?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Năm 2015, theo dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục có sự phục hồi, cùng với việc nhiều chính sách mới đi vào cuốc sống như Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành với nhiều nội dung đổi mới quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng.
Trong đó có những chính sách, những quy định cụ thể liên quan đến việc đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, cũng như việc mở rộng phạm vi kinh doanh, mở rộng đối tượng được mua và sở hữu nhà ở, công trình xây dựng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt nam định cư ở nước ngoài sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, vì vậy có thể dự báo tình hình thị trường bất động sản năm 2015 tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.
Thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm đối với những dự án có tiến độ thi công tốt, hạ tầng tương đối và không quá xa trung tâm, đi lại thuận tiện sẽ tiếp tục tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết hàng tồn kho sẽ chậm hơn trước vì tồn kho hiện nay chủ yếu là các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa có, các căn hộ diện tích lớn.
Xu hướng mua bán sáp nhập các dự án tiếp tục tăng: Các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tiếp tục quá trình mua bán, điều chỉnh dự án cho phù hợp, nhiều dự án gặp khó khăn về vốn đầu tư sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại, thay vì đi xin cấp dự án mới.
Nhiều dự án trước kia tạm dừng sẽ được khởi động trở lại để giao nhà cho khách hàng đã mua. Những dự án đủ điều kiện, có vị trí tốt sẽ được khởi công, góp phần tăng nguồn cung những căn hộ phù hợp nhu cầu của thị trường. Tín dụng bất động sản được dự báo tiếp tục tăng trưởng, bất động sản vẫn sẽ là kênh hấp dẫn nguồn vốn FDI.
Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Niềm tin vào thị trường ngày càng được khôi phục...
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: chinhphu.vn