Gia đình xã hội

"Chỉ cần chân chưa mỏi, mắt chưa mờ, tôi vẫn đi tìm đồng đội…"

09:37, 25/02/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm của nó vẫn còn day dứt mãi trong trái tim của những người đang sống. Với người lính già Đinh Hữu Hanh, thời gian chẳng thể xoa dịu trong ông nỗi đau thương, mất mát khi nghĩ về các đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường Thừa Thiên khói lửa. 16 năm ròng rã, ông không quản ngại khó khăn, trèo đèo, vượt núi tìm và đưa hài cốt đồng đội về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Tấm lòng trong sáng và sự hy sinh không đòi hỏi đáp đền ấy của ông khiến nhiều người rưng rưng cảm phục, quý trọng…
 
Một chiếc ba lô xuôi ngược những cung đường
 
Một buổi chiều vàng nắng, tôi đến gặp ông trong ngôi nhà cấp bốn giản dị ở xã Hưng Đông, TP Vinh. Người lính già ấy vẫn còn rất sung sức và tráng kiện ở tuổi 64. Giọng nói sang sảng, tác phong nhanh nhẹn, dường như ở ông niềm mong mỏi được đi, đi mãi, tiếp nối hành trình không nghỉ của mình đã trở thành nguồn nhiên liệu cho sự sống, cho nhiệt huyết hừng hực lửa. Ông là Đinh Hữu Hanh, một cựu quân nhân và cũng là một nhà giáo, người đã dành cuộc đời mình để tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 6 hy sinh ở chiến trường B4, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
Năm 1972, Đinh Hữu Hanh lúc đó là sinh viên khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh đã cùng các bạn đồng trang lứa đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tạm gác bút nghiên, cầm súng lên đường đánh Mỹ. Trải qua bao trận đánh dữ dội, xông pha khắp các mặt trận dày tiếng súng, tiếng bom, ông đã tận mắt chứng kiến vô số đau thương mất mát, cũng từng tự tay chôn cất cho nhiều đồng đội hy sinh nơi chiến trường. “Trung đoàn chúng tôi khi ra đi có 152 người, vậy mà lúc cuối chụp ảnh cùng nhau chỉ vỏn vẹn còn 26 người. Có những trận rải bom B52 của địch, cả tiểu đội hy sinh hết, máu của đồng đội nhuộm đỏ dòng nước trong khe núi. Chiến tranh khốc liệt là thế…”, ông bùi ngùi nhớ lại.
 
Trở về thời bình, ông Hanh vẫn không vơi bớt nỗi nhớ về những đồng đội đã khuất, về lời hứa thiêng liêng với bạn trước lúc lâm chung. Niềm day dứt ấy thôi thúc ông phải làm một điều gì đó để tri ân với những người đã khuất và cũng là để vơi bớt nỗi đau trong lòng thân nhân gia đình các anh.
 
Tháng 6/1998, cơ duyên ấy cũng tới. Em trai của liệt sĩ Trần Sĩ Hữu đến nhờ ông Hanh cùng vào lại chiến trường xưa để tìm hài cốt anh mình. Hai người lập tức khăn gói lên đường tìm đến đèo Sơn Na ở Huế, nơi bạn ông đã ngã xuống. Hồi ấy, đường sá, giao thông còn nhiều khó khăn, ông Hanh phải bắt nhiều tuyến xe đò mới đến được dưới chân đồi Cung Tên. Đến đây, ông còn phải đi bộ 7 tiếng đồng hồ ròng rã để lên được đỉnh đồi. Giữa cái nắng chang chang của mùa hè miền Trung, ông Hanh vừa dùng dao phạt cỏ tiến tới, vừa căng mắt tìm mộ phần của bạn nhưng không thể nào tìm thấy. Chiến địa ngày ấy nay mọc lên bạt ngàn cỏ gianh, chẳng còn đâu dấu vết nơi bạn ông nằm lại.
 
Ông Hanh (bên phải) và đồng đội bên tấm bản đồ theo ông đi khắp mọi nẻo đường tìm hài cốt liệt sỹ
Ông Hanh (bên phải) và đồng đội bên tấm bản đồ theo ông đi khắp mọi nẻo đường tìm hài cốt liệt sỹ
 
Chuyến đi đầu tiên thất bại, ông chỉ có thể đem một nắm đất về để an ủi người mẹ già của đồng đội đang mong ngóng ở quê nhà. Cuộc tìm kiếm những tưởng lâm vào bế tắc, nhưng ông không bỏ cuộc. Mãi đến năm 2002, tình cờ qua câu chuyện của một người bạn cũ, ông Hanh đã tìm ra người đồng đội ngày xưa tự tay chôn cất cho liệt sĩ Hữu.
 
Đầu năm 2003, một lần nữa, ông quyết định khăn gói lên đường. Lần này, ngoài em trai liệt sĩ còn có thêm 2 đồng đội trong Trung đoàn. Các ông tiếp tục băng rừng, vượt núi, tìm lên chiến địa năm xưa. Là lính trinh sát, ông Hanh không khó gì để tìm được tọa độ liệt sĩ Hữu hy sinh qua lời kể của bạn. Thế nhưng, ký ức quá mơ hồ và cũng đã quá nhiều năm trôi qua, vị trí đích xác ở đâu thì các ông không nắm được. Ông Hanh dẫn đầu đoàn người vẫn kiên trì tìm kiếm. Thế rồi giống như linh cảm, ông bỗng trượt chân ngã xuống một vùng trũng lưng chừng nơi sườn dốc. Bàng hoàng nhận ra nơi đó chính là trận địa cối 82 năm xưa, ông Hanh lên tiếng gọi những người còn lại. Xung quanh trận địa vẫn còn vương vãi dây thép gai và những quả đạn 82 còn nguyên chưa tháo chốt. Qua nhiều giờ tìm kiếm, cuối cùng ông và các đồng đội cũng tìm thấy di hài của liệt sĩ Hữu trong căn hầm cũ nơi trận địa. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, ông đã đưa hài cốt của liệt sĩ về để an táng trong nước mắt của thân nhân gia đình cùng đồng đội.
 
Và kể từ chuyến đi đầu tiên ấy, đến nay đã 16 năm tròn, người lính già Đinh Hữu Hanh vẫn chân không chùn, gối không mỏi thực hiện bao cuộc hành trình để tìm và đưa hài cốt đồng đội về với đất mẹ, quê hương. Bên cạnh các chuyến đi cùng đồng đội trong Hội Cựu sinh viên ĐH Vinh - CCB Trung đoàn 6, ông còn tự mình đi tìm và đã tìm được di hài của 5 liệt sĩ. Đó là các liệt sĩ Trần Sĩ Hữu (hy sinh ở đèo Sơn Na, Huế), Viên Đức Việt (hy sinh ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Huế), Nguyễn Duy Trung (hy sinh ở Hưng Trà, Huế), Lục Cá Dẫu (hy sinh ở Xuân Lộc, Phú Lộc, Huế) và Lưu Thái Hùng (cũng hy sinh tại Huế).
 
Những hy sinh thầm lặng
 
16 năm ròng rã, để tìm được hài cốt đồng đội, ông Hanh đã thử đủ mọi cách có thể. Ông gửi thư đến các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Chỉ huy quân sự, sở, phòng LĐ,TB&XH huyện, xã… nơi liệt sĩ từng chiến đấu và hy sinh nhờ giúp đỡ. Ông tìm số điện thoại, địa chỉ của các cựu chiến binh trong Trung đoàn để tranh thủ sự ủng hộ khi cần. Ngoài ra, ông còn liên hệ với các tổ chức như Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, nhờ thông báo nguyện vọng tìm di hài đồng đội. Thậm chí, ông còn viết thư tay cho những người lính cộng hòa bên kia chiến tuyến, sao in thành 200 bản rải dọc các vùng quê nơi Trung đoàn từng hành quân qua, với hy vọng nhỏ nhoi có người sẽ theo đó mà liên hệ.
 
Chỉ cần có manh mối nào là ông lại vội vàng lên đường. Hành trang ông mang theo là chiếc ba lô con cóc đựng tấm bản đồ TM thời chống Mỹ, chiếc la bàn cũ, cái võng dù, dăm bộ quần áo, ít mì tôm ăn đường cùng một chiếc cuốc chim và con dao găm sắc bén. Khi được hỏi về những khó khăn, vất vả trong quá trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông Hanh chỉ trầm ngâm im lặng. Ông không muốn kể về những vất vả của mình, bởi theo ông, chúng chẳng sá gì trước máu, nước mắt và thân thể của đồng đội đã ngã xuống. Dẫu vậy, khi nhớ lại những tháng ngày miệt mài, rong ruổi trên đường trường, ông cũng không khỏi bùi ngùi, cảm động.
 
Còn nhớ chuyến tìm di hài thầy Lễ, ông mất hơn ngày rưỡi vừa đi vừa trèo mới vượt qua được vùng núi đá cheo leo. Sau mỗi chặng hành trình trèo đèo, lội suối như thế trở về, chân ông bị tụ máu sưng vù lên, phải tiêm thuốc làm tan máu mới đi lại bình thường. Đó là chưa kể đến những nguy hiểm bất ngờ rình rập khi đi đường. Nhớ có lần, trong lúc đi tìm hài cốt liệt sĩ Cá Dẫu, ông bị một đám ong vò vẽ tấn công, nọc độc loài ong khiến ông suýt chết. Hay một lần khác, ông và đồng đội, kẻ đi trước, người đi sau, ông dẫn đường nên vô tình dẫm phải bẫy lợn rừng của người dân tộc. Bẫy thít chặt, treo ngược ông lên thân cây cao. Ông chẳng còn cách nào khác ngoài việc chờ đồng đội đến chặt cây cứu xuống.
 
Vất vả là vậy, nhưng chưa một lần ông Hanh lên tiếng thở than. Ông tâm sự: “Đồng đội đã chết để cho tôi còn sống trở về. Nay tôi ở đây êm ấm, đủ đầy mà họ chỉ còn là nắm đất vô danh nằm lại nơi xứ lạ. Đưa các bạn tôi về với quê hương, gia đình là điều phải làm và tôi tự thấy mình chứ không ai khác là người làm việc đó”.
 
Đến nay, điều khiến ông day dứt nhất là hài cốt của liệt sĩ Lễ, người thầy ông kính trọng và quý mến vẫn chưa được tìm thấy. Hai lần cất công đi thì cả hai lần ông đều trở về tay trắng. Nhưng ông tin, nếu kiên trì và tin tưởng thì một ngày nào đó, tự tay mình sẽ đem hài cốt của thầy về với quê hương, xứ sở.
 
Tiễn chúng tôi ra về, người lính già Đinh Hữu Hanh nói một câu chắc nịch, chỉ cần đôi chân chưa mỏi, đôi mắt chưa mờ và đồng đội vẫn còn người nằm lại nơi chiến trường thì hành trình này của ông sẽ tiếp tục không một phút chần chừ, ngơi nghỉ.
 
Thu Phương

Các tin khác