Trước tình hình cúm A/H1N1 tại một số quốc gia trên thế giới diễn biến phức tạp, ngày 6/3, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) ra khuyến cáo người dân cách thức phòng chống bệnh cúm mùa.
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng.
Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, theo ước tính của WHO, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500.000 người tử vong.
Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm và nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên. Bệnh ghi nhận quanh năm và nhiều hơn vào mùa Đông Xuân.
Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm chủng |
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo, từ cuối năm 2014 đến tháng Ba, nước ta đã ghi nhận 22.240 trường hợp mắc cúm H1N1 trong đó có 1.198 trường hợp tử vong.
Theo phân tích của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phần lớn các trường mắc bệnh tại Ấn Độ nằm trong độ tuổi 15-50 tuổi, chỉ có khoảng 4% trường hợp mắc là trẻ em, số mắc ở nam và nữ gần như nhau, khoảng 20-70% các trường hợp tử vong có bệnh mạn tính kèm theo. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán, điều trị muộn vì vậy làm cho bệnh cảnh nặng thêm.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
3. Tiêm vắcxin cúm mùa phòng bệnh.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
5. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
.