Gia đình xã hội
Chặt cây xanh và câu chuyện lòng dân
09:23, 27/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chuyện TP Hà Nội chặt hạ 6.700 cây xanh trên các tuyến phố trong những ngày qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Là vì Hà Nội là thủ đô của cả nước? Hay bởi do chuyện nhập nhằng trong việc “đá trái bóng” trách nhiệm của các cấp quản lý? Rồi chuyện thay bằng loại cây mỡ chứ không phải là vàng tâm? Có quá nhiều lý do để người dân đặt câu hỏi về bộ máy công quyền của Hà Nội, và cứ thế, nó cứ âm ỉ, nhức nhối.
Những ai đã từng đến Hà Nội, đến “con đường đẹp nhất Việt Nam” Nguyễn Chí Thanh, hẳn không khỏi xao xuyến, bồi hồi. Dịu dàng, êm mát, thư tháilà những cảm nhận không dễ gì có được giữa nhịp sống xô bồ hiện đại, nhất là ở một thủ đô đang phát triển mạnh mẽ như Hà Nội. Ấy nhưng, đó là chuyện của một tháng trước. Giờ, mọi thứ đã đổi thay. Trơ trụi, trống trải khi hàng cây xà cừ gần 100 tuổi quanh năm xanh bóng đã được thay thế bằng giống cây mỡ khẳng khiu. Trước sự đổi thay “180 độ” như vậy, hẳn ai cũng phải tiếc nuối và thốt lên “Sao đột ngột và nhanh chóng quá vậy, chỉ mới mấy ngày thôi mà!…”.
Đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) trước và sau khi chặt cây. Ảnh: Internet |
Việc thay thế cây xanh đã bị mục ruỗng, hư hỏng, gây nguy hiểm đến người đi đường là chính sách đúng đắn mà địa phương nào, quốc gia nào cũng thực hiện. Tất nhiên, thay cây là phải có cơ sở khoa học, với nguyên tắc cây trồng mới phải hiệu quả hơn cây cũ. Thế tại sao hàng trăm cây xà cừ kia, đang tốt tươi, vững chắc, tỏa bóng mát cho cả khu vực rộng lớn lại bị triệt hạ? Tại sao việc thay cây không thực hiện từ từ mà lại “phang” ồ ạt, “vơ đũa cả nắm” như thế? Hay chăng, từ chủ trương đúng tới việc thực hiện của cán bộ đã có một khoảng cách không hề nhỏ?
Và, chủ trương đưa ra là phải tìm giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của đô thị Hà Nội. Vàng tâm là câu trả lời của các cấp chính quyền. Thế nhưng, theo các chuyên gia khẳng định, chẳng phải vàng tâm hay một loại gỗ quý nào khác mà là giống cây mỡ - thân yếu, tán hẹp, giá trị thấp… đã được trồng thay thế. Người dân “khóc thương” cây, các nghệ sĩ nao lòng tiếc cây như cắt từng khúc ruột; các giáo sư khoa học phân tích, các nhà lâm nghiệp phản đối… Nhiều hội thảo được tổ chức, nhiều phóng viên lần theo từng “vết xe lăn” để “tìm cho ra nhẽ”… Tất cả những phản ứng và việc làm trên đều minh chứng một điều rằng: Người dân thủ đô không đồng thuận với chủ trương trên. Chủ trương đặt ra là để phục vụ nhân dân nhưng chính người dân không đồng tình thì có nên tiếp tục thực thi?
Rất may, từ phản ứng dư luận, lãnh đạo TP Hà Nội đã kịp thời vào cuộc. Đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu dừng ngay việc chặt cây. Ông cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp, cùng các tổ chức và cá nhân có liên quan. Quyết liệt hơn, ngày 23/3, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng yêu cầu việc xử lý trách nhiệm các cán bộ phải đảm bảo tính kỷ cương, tinh thần nghiêm túc, cầu thị, không né tránh, bao biện hay xử lý kiểu "hòa cả làng".
Hà Nội là trái tim của cả nước nên việc chặt cây rất được dư luận quan tâm. Qua chuyện này cho thấy, trước khi đưa ra chủ trương nào, chính quyền các cấp cần điều tra, tìm hiểu kỹ càng để người dân đồng thuận, như lời Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Mai Hậu