Gia đình xã hội

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 24/3

Phát hiện sớm để điều trị dứt điểm

09:53, 23/03/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Khoảng 2.800 bệnh nhân lao thuộc diện quản lý hàng năm và 300 bệnh nhân lao - phổi điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An,  tỉnh ta đang trở thành một trong những địa phương có số người mắc bệnh lao nhiều so với cả nước. Phòng chống lao trở thành nhiệm vụ cấp bách, không chỉ của ngành y tế, các bệnh viện mà còn của toàn dân, toàn xã hội. Nâng cao ý thức, cải thiện điều kiện sống và chủ động với các kế hoạch, biện pháp phòng chống lao là phương pháp hiệu quả nhất để phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
 
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 12/22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới và đứng thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao trên toàn cầu. Theo thống kê của Chương trình Phòng chống lao quốc gia, số lượng bệnh nhân lao các thể được phát hiện hàng năm là khoảng 100.000 bệnh nhân, bệnh nhân lao/HIV ngày càng tăng trong những năm gần đây (năm 2014 là 3.018 người). Riêng Bộ Công an quản lý các đối tượng can, phạm nhân, trại viên, học sinh trường giáo dưỡng có tỉ lệ mắc lao cao hơn nhiều so với cộng đồng.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An khám bệnh cho bệnh nhân
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An khám bệnh cho bệnh nhân
Theo các chuyên gia, nhiễm lao là tình trạng nhạy cảm của cơ thể sau khi hít phải những hạt nước bọt li ti chứa vi trùng lao vào phổi, thời gian nhiễm bệnh kéo dài, có thể cả đời mà không phát thành bệnh. Nếu cơ thể có các dấu hiệu như: Ho khạc kéo dài trong 2 tuần; gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, đôi khi khó thở, ho ra máu thì cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh kịp thời. Riêng đối với trẻ em, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh là tiêm phòng lao trong vòng 1 tháng sau khi sinh.
 
Bác sĩ Thái Đình Lâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An cho biết: Trong 2 năm gần đây, số người khám bệnh và điều trị tại Bệnh viện tăng cao. Thời điểm giao mùa từ đông sang hè là khoảng thời gian số lượng bệnh nhân khám nhiều nhất. Nguyên nhân được cho rằng, lao là bệnh mãn tính, phải tái khám thường xuyên nên người dân chủ yếu tranh thủ những lúc nông nhàn để khám bệnh. Hiện nay, với số lượt người đến đông nên 245 giường nội trú của Bệnh viên không đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
 
Có thời điểm, vì số người vào khám, điều trị tăng cao nên Bệnh viện phải kê thêm 30 giường. Lao là bệnh của người nghèo, nơi nào lạc hậu, đói nghèo mới có bệnh lao. Hầu hết các nước ở châu Âu đã “thanh toán” được căn bệnh này. Bệnh viện có 6 khoa nhưng khoa Nội 2 là khoa đông bệnh nhân nhất, với 88 người điều trị thường xuyên. Trong khi đó, số lượng bác sĩ còn hạn chế nên công tác khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn.
 
“Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An đã triển khai công tác phòng, chống lao đến các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Vì vậy, khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi bệnh lao, người bệnh có thể đến trạm y tế xã, phường để khám, phát hiện bệnh và để được giới thiệu đến phòng khám lao ở quận, huyện hoặc bệnh viện của ngành Công an. Tại đó, người nghi lao sẽ được khám và xét nghiệm đờm để phát hiện bệnh. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân lao có thể điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Điều này vừa rút ngắn được thời gian chữa bệnh, vừa hạn chế chi phí điều trị lại vừa tránh lây lan cho cộng đồng.
 
Những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh lao sẽ được điều trị bằng các công thức thống nhất theo quy định của Chương trình chống lao quốc gia. Riêng năm 2014, Bệnh viện đã khám cho 17.500 người (tăng 50% so với năm 2013). Hiện nay, độ tuổi của bệnh nhân lao đang trẻ hóa chứ không bó hẹp trong bộ phận người già, yếu, sinh sống tại nơi có điều kiện khó khăn như ngày trước. Từ tháng 4/2014, phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao được rút ngắn, từ 8 tháng xuống còn 6 tháng. Cũng trong năm 2014, Bệnh viện đã tổ chức khám cho toàn bộ trẻ dưới 14 tuổi trên địa bàn TP Vinh có người thân trong gia đình nhiễm lao”, bác sĩ Lâm cho biết thêm.
 
Theo khuyến cáo, để giảm nguy cơ nhiễm vi trùng lao, cần kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh môi trường. Đồng thời, giảm đậm độ các hạt nhiễm khuẩn trong không khí bằng cách thông gió tốt, đặc biệt ở những nơi đông người; dùng khẩu trang hoặc khăn che miệng khi tiếp xúc, ho khạc; cải thiện điều kiện dinh dưỡng, nâng cao thể trạng bằng cách sống lành mạnh, tập thể dục thể thao… Có như vậy, Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung mới có thể phòng, chữa, tiến tới đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này. 

Lao là bệnh nhiễm trùng do vi trùng lao gây ra và có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người xung quanh. Vi trùng lao có thể gây bệnh ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là lao phổi. Đường lây truyền bệnh lao chủ yếu là qua không khí, người bị lây do hít phải các hạt nước bọt nhỏ li ti hoặc các hạt bụi có chứa vi trùng lao của người mắc lao phổi ho khạc ra. Bệnh lao không di truyền nhưng trong thực tế, có thể gặp nhiều người hay nhiều thế hệ trong gia đình mắc bệnh lao do bị lây nhiễm khi tiếp xúc, sống chung nhà, nhất là trong điều kiện nhà ở chật chội, thiếu ánh sáng và ít không khí.

Mai Hậu - Ngọc Thái

Các tin khác