Gia đình xã hội

Bài học khi quyết định những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh

08:14, 23/03/2015 (GMT+7)
Những ngày qua, Hà Nội đã tiến hành chặt hạ hơn 500/ 67000 cây xanh... với lý do “ hầu hết nhân dân đã đồng thuận”. Trước sự phản ứng của dư luận và công luận, Hà Nội vừa quyết định tạm dừng việc chặt hạ cây xanh để xin ý kiến nhân dân, kiểm điểm trách nhiệm và thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh.
 
Hà Nội đẹp vì nhiều thứ, trong đó điểm nhấn là không gian xanh chứ không đơn giản là kiến trúc của những khu nhà “ chọc trời”, những biệt thự nguy nga... Với 120 nghìn cây xanh đã trồng trong đô thị, tỉnh lộ đã làm cho Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn và lãng mạn hơn.
 
Để giữ cho “Hà Nội xanh”, Đề án thay thế 6.700 cây xanh già cỗi, sâu mục, không thuộc chủng loại cây xanh đô thị, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, đã được phê duyệt. Những ngày qua, Hà Nội đã chặt hạ hơn 500 cây xanh ở 9 tuyến phố.
 
Nhìn những cây xanh nhiều năm tuổi đang tỏa bóng mát xuống những tuyến phố chật hẹp, ngột ngạt... bỗng nhiên bị chặt hạ, người dân cảm thấy xót xa, bức xúc. Dưới con mắt của người dân, trong số hơn 500 cây xanh bị chặt hạ thì có rất nhiều cây vẫn đang sống khỏe, chưa đến mức phải thay thế ngay.
 
Trước sự phản ứng của dư luận và công luận về chặt hạ cây xanh quá “ mạnh tay, quyết liệt”, ngày 18/3/2015, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản khẳng định: “ Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở Xây dựng đã tổ chức họp báo và phối hợp với chính quyền địa phương thông báo đến người dân và được hầu hết nhân dân tại khu vực thực hiện thay thế cây đồng thuận” (!?). Nếu theo cách giải thích trên, thì khi nhân dân “ đồng thuận”, có nghĩa không phải bàn nữa, thực hiện đúng tiến độ được khen, vượt tiến độ có thể còn được thưởng?
 
Chiều 19/3, Hà Nội treo biển xin ý kiến nhân dân về việc chặn hạ, thay thế cây xanh
Chiều 19/3, Hà Nội treo biển xin ý kiến nhân dân về việc chặn hạ, thay thế cây xanh
 
Từ ý kiến cơ sở trong thực tiễn, lãnh đạo Hà Nội đã có quyết định dũng cảm để sửa sai cho các đơn vị thực hiện Đề án thay thế cây xanh.
 
Tại buổi họp tập thể của UBND TP Hà Nội ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Việc thông tin không đẩy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một Đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.000 cây xanh. Trong khi đó không thông tin được rằng Đề án đó là từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...
 
Nói về những ý kiến góp ý, phản biện của người dân, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nêu quan điểm: “Thành phố cũng sẽ tiếp thu những ý kiến đúng, cái gì có lợi cho người dân thì thành phố sẽ làm không vì một lợi ích cá nhân nào. Những ý kiến nào đóng góp đúng, chúng ta sẽ tiếp thu và khắc phục, điều chỉnh”.
 
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, chiều 19/3, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, đã chính thức treo biển trưng cầu ý kiến người dân về việc chuẩn bị thay thế cây. Việc tiếp nhận thông tin phản hồi về thay thế cây sẽ tiến hành trong một tuần. Trường hợp không có ý kiến phản đối của người dân, cây sẽ được đánh chuyển, thay thế bằng một cây đúng chủng loại, kích thước theo quy định.
 
Ngày 20/3, UBND TP Hà Nội đã chính ra thông báo tạm dừng kế hoạch chặt hạ, thay thế cây xanh ở các tuyến phố hiện nay; yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch lộ trình thực hiện từng bước, đảm bảo duy trì mật độ xanh thường xuyên liên tục cho từng tuyến phố.
 
Ngày 22/3, UBND TP Hà Nội có công văn gửi Chánh Thanh tra thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng và một số sở, ngành liên quan về việc “kiểm điểm trách nhiệm, thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố.
 
Việc tạm dừng chặt hạ, thay thế cây xanh là quyết định đúng đắn, sáng suốt, dù hơi muộn, nhưng đã thể hiện sự cầu thị của chính quyền Hà Nội trước những ý kiến góp ý, phản biện đầy trách nhiệm của nhân dân.
 
Tạm dừng việc chặn hạ, thay thế cây xanh để tham vấn ý kiến của người dân là cần thiết, nhưng không được thực hiện theo kiểu hình thức, xoa dịu lòng dân. Muốn thế phải công khai, minh bạch những góp ý của người dân, đồng thời tiến hành tổ chức hội thảo để các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành cùng bàn luận, “ hiến kế” trước khi tiếp tục thực hiện Đề án thay thế cây xanh không đảm an toàn và mỹ quan đô thị.
 
Đề án thay thế cây xanh của Hà Nội có tiếp tục thực hiện nữa hay không, thời gian sẽ trả lời. Việc cần làm lúc này là phải “ mổ xẻ” tận gốc vì sao một chủ trương đúng, nhưng quá trình tổ chức triển khai, các đơn vị trực tiếp thực hiện chưa minh bạch thông tin, vội vàng làm theo sự “ nôn nóng” của các nhà tài trợ cây xanh; khi người dân, công luận góp ý, phản biện lại nói rằng “hầu hết nhân dân tại khu vực thực hiện thay thế cây đồng thuận” (!?).
 
“Mổ xẻ” trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân vội vàng xén bớt màu xanh Hà Nội vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa là bài học để Hà Nội “ tự soi” mỗi khi quyết định những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh.
 
Việc chặt hạ cây xanh là việc làm không khó, cái khó là sự lựa chọn đúng cây cần chặt hạ, thay thế. Việc chặt hạ, thay thế cây xanh phải có lộ trình hợp lý và khoa học, nếu làm tràn lan, phải mất nhiều năm nữa Hà Nội mới có thể tìm lại màu xanh, bóng mát.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác