(Congannghean.vn)-Đó là câu chuyện có thật diễn ra tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Năm 2008, UBND xã Nghi Tiến ký hợp đồng thầu khoán ao hồ có thời hạn 10 năm để các hộ dân nuôi trồng thủy sản. Khi các hộ dân đầu tư hàng chục triệu đồng đắp bờ, làm cống thoát nước, đi vào sản xuất, nuôi trồng được 3 năm thì xã mời lên thanh lý hợp đồng với lời hứa hẹn sẽ đền bù, hỗ trợ 400 đồng/m2 mặt nước. Tuy nhiên, ký nhận diện tích đã 3 năm nhưng đến nay, các hộ dân vẫn “dài cổ” chờ tiền đền bù.
Các hộ dân thuộc xóm 10, 12, 13 xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc phản ánh, năm 2008, UBND xã đã cho nhiều hộ dân thầu khoán đầm muối để cải tạo, nuôi trồng thủy sản. Hợp đồng kinh tế được ký có thời hạn 10 năm, theo thỏa thuận, các hộ dân trả tiền hợp đồng hàng năm. Nhận được diện tích thầu khoán, các hộ dân thuê máy múc cải tạo ao hồ, xây dựng hệ thống thoát nước và thả cá. Tuy nhiên, khi việc nuôi trồng thủy sản mới bắt đầu được vài năm thì ngày 26/7/2011, UBND xã Nghi Tiến bất ngờ gửi thông báo yêu cầu các hộ dân lên UBND xã làm thủ tục thanh lý hợp đồng.
Các hộ dân nhận thầu khoán bị thu hồi cho biết, tại cuộc họp, người dân hết sức bức xúc và yêu cầu UBND xã giải thích việc bỗng nhiên đòi thanh lý hợp đồng khi chưa đáo hạn. Sau nhiều cuộc họp, cuối cùng, người dân xã Nghi Tiến được biết, tuyến đường D4 nối QL1A đoạn từ xã Nghi Yên, qua các xã Nghi Tiến, Nghi Thiết xuống cảng nước sâu Cửa Lò sắp đi qua một số ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Các hộ dân cho rằng, chính quyền xã Nghi Tiến có nhiều khuất tất trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tuyến đường D4 |
Vì vậy, UBND xã Nghi Tiến phải thanh lý hợp đồng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án. Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng, UBND xã Nghi Tiến thanh lý trước thời hạn tức là phá hợp đồng nên phải đền bù thiệt hại cho các hộ dân. Trước yêu cầu chính đáng này, để các hộ dân đồng thuận thanh lý hợp đồng, bàn giao mặt bằng, UBND xã Nghi Tiến hứa hẹn sẽ hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi 400 đồng/m2 mặt nước.
Không còn sự lựa chọn nào khác, các hộ dân này đành ký vào biên bản thanh lý hợp đồng mà không biết rằng, họ sắp rơi vào cái bẫy mà UBND xã Nghi Tiến đã giăng sẵn. Số hợp đồng gốc, thanh lý hợp đồng và hồ sơ nhận tiền đền bù UBND xã Nghi Tiến đã thu về toàn bộ mà không để các hộ dân được giữ.
Sau đó, diện tích mặt nước phục vụ thi công tuyến đường D4 đã được bàn giao cho đơn vị thi công triển khai dự án nhưng đã 3 năm trôi qua, số tiền đền bù các hộ dân vẫn chưa được nhận. Sau nhiều lần lên xã hỏi, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, ông Lưu Quang Thượng, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến (nay đã nghỉ hưu) lại trả lời vô trách nhiệm: Do Nhà nước không có tiền đền bù nên xã không thể trả cho người dân(?). Sự lật lọng chóng vánh của UBND xã Nghi Tiến khiến người dân hết sức bức xúc.
Ông Lưu Đình Xân, hộ dân nhận thầu khoán 5 ha đầm nước cho biết: “Sau khi nhận thầu khoán, gia đình tôi đầu tư gần 40 triệu đồng để cải tạo ao hồ, thả cá. Thời điểm xã thông báo thanh lý hợp đồng, dù có thời gian 2 tháng để thu hoạch cá nhưng nước sông Cấm rất lớn nên không thể tháo cạn ao nuôi, đành để đơn vị thi công đổ đất, san lấp mặt bằng thi công đúng tiến độ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Gia đình tôi đành ngậm ngùi thanh lý, bàn giao mặt bằng 1,9 ha và ký nhận bàn giao mặt bằng với tổng tiền đền bù, hỗ trợ là 76 triệu đồng.
Hợp đồng kinh tế có thời hạn 10 năm bị thanh lý chỉ sau 3 năm thực hiện |
Lúc ký có mặt đơn vị thi công và ông Hoàng Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến. Xây dựng tuyến đường D4 là một chủ trương lớn của Nhà nước, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng việc thanh lý hợp đồng trước thời hạn là lỗi của UBND xã Nghi Tiến. Chúng tôi đã bỏ ra cả một đống tiền, chưa thu về được đồng nào, UBND xã và chủ đầu tư dự án hỗ trợ chúng tôi là lẽ đương nhiên. Không ngờ, UBND xã lại nói một đằng, làm một nẻo, lừa dân ký thanh lý hợp đồng rồi lật lọng bảo không có tiền đền bù. Riêng xóm 13 có 4 hộ cũng đang chịu cảnh ngộ như gia đình tôi”.
Cùng thời gian trên, bà Phạm Thị Tám, xóm 12 nhận khoán 8,6 nghìn m2 ao hồ. Sau đó, gia đình bà đầu tư cải tạo, nâng cấp hết hàng chục triệu đồng. Khi thanh lý, gia đình cũng được ký nhận diện tích thu hồi, theo đó số tiền sẽ được nhận là 25 triệu đồng. “Chờ mãi không nhận được khoản tiền đền bù, gia đình tôi và nhiều hộ dân gửi đơn lên UBND huyện Nghi Lộc, yêu cầu chi trả số tiền trên thì được trả lời là về hỏi UBND xã Nghi Tiến. Không hiểu vì lý do gì mà chính quyền các cấp từ xã đến huyện lại đổ trách nhiệm cho nhau, chối bỏ quyền lợi chính đáng của người dân. Có gì khuất tất trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng tuyến đường D4, số tiền chúng tôi được nhận hiện đang ở đâu?”, bà Tám bức xúc.
Thêm một sự việc khiến người dân xã Nghi Tiến nghi ngờ về tính minh bạch trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại địa phương này là việc đền bù đập Ông Voi. Đập Ông Voi lâu nay được giao cho ông Hoàng Văn Thức, Bí thư xóm 14 trông coi và thu hoạch các sản phẩm trên đập này. Khi tuyến đường D4 đi qua, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng do ông Thức làm thủ tục và ký nhận diện tích đền bù, số tiền sẽ được nhận là 450 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Thức, ông chỉ được ký nhận, còn toàn bộ số tiền do ông Bùi Xuân Hồ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Tiến trực tiếp đi nhận. Người dân xã Nghi Tiến hoài nghi số tiền trên sẽ rơi vào tay cá nhân nếu diện tích mặt hồ đập Ông Voi nằm ngoài sổ sách như những gì đã từng xảy ra tại địa phương này?
Trong khi các hộ dân trên chưa được nhận quyền lợi chính đáng của mình thì theo thông tin từ UBND xã Nghi Tiến cho biết, có 5 hộ dân gồm: Hồ Thị Huề, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã; Lưu Quang Thượng, nguyên Chủ tịch UBND xã; Lưu Đình Thưởng, cán bộ chính sách; Hồ Văn Diện, cán bộ thủy lợi; Hồ Văn Ngợi, Chủ tịch MTTQ xã lại được nhận hàng trăm triệu đồng tiền đền bù mặt nước ao hồ bị thu hồi. Điều này lại dấy lên mối nghi ngờ về tính minh bạch trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tuyến đường D4 đi qua địa phương này.
Hiện nay, các hộ dân không được nhận tiền đền bù diện tích ao hồ bị thu hồi triển khai dự án đường D4 đang rất bức xúc về cách làm ăn hết sức mập mờ của UBND xã Nghi Tiến. Nhiều người cho rằng, UBND xã Nghi Tiến đã cho người dân thầu khoán, chưa hết hạn nhưng khi biết dự án đường D4 đi qua thì lập tức lừa dân thanh lý hợp đồng. Đương nhiên, khi ấy, đất thuộc quản lý của UBND xã Nghi Tiến, số tiền đền bù này được sử dụng như thế nào chỉ những người trong cuộc mới biết.
(Còn nữa)