Gia đình xã hội
Để những 'vầng trăng khuyết' được tỏa sáng
(Congannghean.vn)-Lẽ ở đời, tất cả chúng ta sinh ra không ai muốn mình bị khiếm khuyết về một phần cơ thể. Thế nhưng, cuộc đời đôi khi đã bắt họ phải chịu số phận kém may mắn so với những người bình thường khác. Bị thiệt thòi về cơ thể, hình dáng, họ trở thành những “vầng trăng khuyết” với bao nỗi đắng cay, buồn tủi...
1. Ở huyện Quỳnh Lưu, nhắc đến vợ chồng anh Trần Văn Tú và chị Nguyễn Thị Thu, ai cũng biết đến câu chuyện tình giữa cô gái thôn quê đem lòng yêu thương, dựng xây hạnh phúc với người chồng bị khiếm thị. Ngày đến với nhau, gia đình chị Thu một mực can ngăn, nhưng bằng lòng yêu thương, họ đã vượt qua tất cả để cùng nắm tay nhau bước tiếp cuộc đời đang đón chờ phía trước. Còn riêng tôi cũng chẳng xa lạ với vợ chồng anh khi là người đồng hương cùng làng, cùng xã Ngọc Sơn.
Trần Văn Tú sinh năm 1981, từng là học sinh được thầy cô đánh giá sáng người, sáng dạ. Thế nhưng, bi kịch đã ập đến với Tú khi ngày tựu trường năm đầu THPT, đôi mắt của anh bỗng dưng đau nhói rồi mờ hẳn cho đến lúc phải nhờ bạn chở về nhà. Sinh ra trong gia đình 6 anh em, là con út, nhà nghèo nên các anh chị phải nhường lại giấc mơ đèn sách cho Tú rồi mưu sinh trong Nam, ngoài Bắc. Bố mẹ dồn hết của nải, vay mượn khắp nơi để đưa Tú ra Hà Nội chữa bệnh gần 1 năm trời vẫn không cứu nổi đôi mắt của con mình. Bất lực đưa con trở về quê, nhìn bạn bè trang lứa ngày ngày cắp sách tới trường, bố mẹ Tú đau xót tột cùng.
Quan tâm, giúp đỡ người khuyết tật giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống (ảnh chụp tại Trung tâm Bảo trợ nhân đạo Hiền Lương, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) |
Thời gian đầu, Tú cũng chán nản, nhiều lần định tìm đến cái chết để không còn phải trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhưng nghĩ đến bố mẹ già, số nợ hàng trăm triệu đồng vay mượn chạy chữa cho mình, Tú không thể buông xuôi. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Người mù huyện, Trần Văn Tú được học nghề tẩm quất ở TP Vinh. Có nghề, Tú ngược xuôi vào Tây Nguyên rồi cơ duyên xui khiến gặp được chị Thu là người khác xã, cùng huyện. Một thời gian sau, họ nên nghĩa vợ chồng. Bây giờ, họ sống hạnh phúc với nhau trong gia đình nhỏ cùng với 2 cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn đã lên 9, lên 10.
2. Còn với em Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1989) hiện là cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An lại có một bi kịch cuộc đời nghiệt ngã khiến ai nghe qua cũng thấy xót thương. Học hết lớp 12 Trường THPT Nam Đàn I, Hằng thi đậu vào Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Lâm nghiệp. Thế nhưng, nếu không có ngày định mệnh ấy thì cuộc đời Hằng sẽ không phải trải qua những ngày tưởng chừng như tuyệt vọng.
Buổi sáng thứ 4 ngày 28/4/2010, khi đang là sinh viên năm thứ 3, trong lúc cùng với các bạn lên phòng thí nghiệm của Trường Đại học Lâm nghiệp thực hành, khoảng 8 giờ sáng, Hằng thấy qua ô cửa kính phòng bên chập điện gây cháy. Không ngần ngại, đắn đo, cô liền xông sang kéo bạn ra rồi cả 2 cùng nhảy từ tầng 2 xuống đất. Khi tỉnh dậy, Hằng thấy toàn thân mình không thể cựa quậy. Gần 1 năm nằm điều trị ở Viện bỏng Quốc gia với độ bỏng trên 80%, bố mẹ Hằng đã phải chấp nhận bán hết gia sản, thậm chí vay mượn khắp nơi để cho con gái mình tai qua nạn khỏi.
Nhà nghèo, bố thường xuyên ốm đau, chỉ mỗi mình mẹ Hằng là người luôn bên cạnh, nhiều lần em định tìm đến cái chết nhưng vẫn không thể buông xuôi được. Phải sống để bù đắp sự hy sinh của bố mẹ. Hàng tháng trời ròng rã, Hằng đã nghĩ đến mẹ, đến bố và tấm lòng của mọi người nên phải sống, phải đứng dậy để tiếp tục học xong chương trình đại học. Sau nhiều năm ra trường với tấm bằng loại giỏi, Hằng vẫn không thể xin được một việc làm ổn định chỉ vì thân hình dị tật của mình. Thế nhưng, số phận đã phần nào bù đắp lại mất mát của mình khi Hằng được ông Lê Trung Thực, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An nhận vào làm việc với mức thu nhập ổn định.
3. Họ là 2 trong số không ít trường hợp chẳng may bị thiệt thòi trong cuộc đời mà chúng tôi đã gặp và lắng nghe câu chuyện vượt lên chính mình. Họ, có thể chính là những “vầng trăng khuyết” đã tự tìm cho mình con đường vượt qua rào cản bản thân để khỏa lấp đi sự thiệt thòi của mình. Nghị lực sống khi được tiếp thêm điểm tựa tinh thần, sự đồng cảm đã giúp những người kém may mắn trong xã hội xóa đi mặc cảm bản thân, trở thành tấm gương sáng “tàn nhưng không phế”, được nhiều người mến phục.
Hiện nay, cùng với các chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước đối với người khuyết tật, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp họ vượt lên chính mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, để những “vầng trăng” không còn hao khuyết thì cần sự quan tâm sâu rộng hơn nữa của cả cộng đồng xã hội. Tiếp nhận, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật cũng là cách để giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Và, quan trọng hơn cả là sự đồng cảm của cả cộng đồng xã hội, tránh kỳ thị, phân biệt cũng là hành động cao đẹp để tiếp thêm niềm động viên, giúp họ khỏa lấp những thiệt thòi không may gặp phải.
Ngọc Thái