Gia đình xã hội
Tháng hàng động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014
'Gieo' yêu thương xóa mặc cảm
08:03, 01/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Họ, những số phận con người chẳng may bị dính vào căn bệnh thế kỷ: HIV/AIDS. Để rồi, khi nhìn lại cuộc đời, đã không ít trường hợp buông xuôi tất cả. Nhưng, cũng có không ít phận đời đã tự mình vượt lên số phận để “gieo mầm” yêu thương, đồng cảm với người cùng cảnh nhằm góp phần giúp họ xóa tan mặc cảm, sống có ích hơn cho xã hội.
Qua trò chuyện với ông Luyện Văn Trịnh, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tôi được biết tới nhiều điển hình về “vượt lên số phận” ở những người có “H”. Và, người nghe cũng phần nào hiểu hơn về những mặc cảm số phận chẳng may bị dính vào căn bệnh thế kỷ này. Hầu hết, nếu làm một cuộc khảo sát nhỏ sẽ dễ dàng nhận thấy, trong 10 người khi biết tin mình dương tính với HIV thì có tới 9 người suy sụp nặng về tinh thần, giai đoạn đầu rơi vào vòng luẩn quẩn bởi sự dằn vặt lương tâm: Giá như, nếu mà… không từng sống bê tha, sa đọa vào tệ nạn xã hội. Nhưng dù có dằn vặt thì họ cũng không bao giờ có thể quay ngược thời gian để làm lại được nữa. Tuy nhiên, để không mắc thêm lầm lỡ, nhiều người đã tự mình đứng lên trong cuộc sống, viết tiếp cuộc đời còn lại bằng những nẻo về tươi sáng hơn.
Xã hội cần chung tay xóa bỏ sự kỳ thị, xa lánh để người nhiễm HIV/AIDS vươn lên, sống có ích - Tranh minh họa |
Trong gần 5 năm trở lại đây, khi nhắc tới HTX dịch vụ Sông Lam xanh, ai cũng biết Chủ nhiệm Phan Văn Kiên, một người mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng nhờ ý chí, nghị lực đã làm được nhiều việc có ích cho xã hội. Từ một người từng có “thâm niên” nghiện chích ma túy, đến khi phát hiện mình dương tính với HIV, Kiên mới thực sự bừng tỉnh về chuỗi ngày dài sa đà vào thứ thuốc quyến rũ chết người ấy. Chán nản, thất vọng về bản thân, lại bị mọi người xa lánh, đã có lúc Kiên nghĩ đến cái chết.
Tuy nhiên, nhớ đến gia đình, nghĩ về những gì mình đã “chôn vùi” tuổi xuân, Kiên đã gắng gượng vươn lên để sống tốt phần đời còn lại. Tháng 10/2008, Kiên thành lập, ra mắt nhóm “Tự lực Sông Lam xanh” gồm 30 thành viên, với mục đích giúp nhau trong cuộc sống, gây dựng kinh tế cho những người cùng cảnh ngộ. Khi biết tin mô hình HTX kinh doanh dịch vụ của những người có “H” hoạt động rất hiệu quả nên nhiều tổ chức xã hội quan tâm, ủng hộ. Đến nay, mô hình do anh Kiên quản lý đã thu hút được nhiều người cùng cảnh ngộ tìm đến.
Nhóm “Tự lực Sông Lam xanh” năm nào nay đã nâng tầm lên mô hình HTX Sông Lam xanh. Không chỉ dừng lại ở việc giúp người cùng cảnh ngộ có điều kiện vượt lên số phận, HTX Sông Lam xanh còn nhận chăm sóc, giúp đỡ nhiều trẻ em chẳng may bị nhiễm HIV do cha mẹ lây truyền có việc làm, sống có ích cho xã hội.
Hay như vợ chồng anh Ng. và chị L. mang trong mình căn bệnh thế kỷ ở xã Hưng Phú (Hưng Nguyên) cũng là câu chuyện khiến nhiều người cảm động. Người chồng đã từng lầm lỡ khi dính vào ma túy rồi bị nhiễm HIV, còn người vợ bị nhiễm “H” từ người chồng trước. Tình cờ, trong cuộc giao lưu, gặp nhau ở nhóm “Bạn giúp bạn”, họ đã đồng cảm với nhau để cùng về sống chung một gia đình. Họ đã biết vượt qua mặc cảm, vươn lên phát triển kinh tế. được nhiều người nể trọng. Bằng chút năng khiếu âm nhạc và sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, anh Ng.
học thêm lớp nhạc cụ. Khi có nghề “dắt lưng”, anh quyết định vay mượn từ người thân để đầu tư mua sắm thiết bị loa đài phục vụ đám cưới. Ban đầu, ai cũng ái ngại khi thuê mướn một người như Ng. tổ chức ngày vui cho con cái họ, nhưng dần dần, họ hiểu hơn về hoàn cảnh của một người có “H” nên rào cản ấy đã bị xóa bỏ. Vì vậy, nhiều đám cưới trong làng, xã, người dân đã thuê loa đài, phông màn, bàn ghế của Ng. để tổ chức, tạo thêm thu nhập cho vợ chồng anh.
Đó mới chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi được nghe kể về họ. Với những người có “H”, hơn bao giờ hết, mặc cảm, tự ti, sống biệt lập với xã hội bên ngoài cần sớm được xóa bỏ. Chính điều này đã dẫn đến những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ điều trị “H” một cách hạn chế và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng xã hội. Vì vậy, cộng đồng xã hội hãy xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm “H”. Và, quan trọng hơn, cả xã hội cần chung tay giúp đỡ, tạo điều kiện để họ vươn lên sống có ích đối với xã hội, để phần đời còn lại được thêm màu xanh của sự sống.
Ngọc Thái