Gia đình xã hội

Khi 'quan xóm' lộng hành

14:30, 03/12/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Bão lũ, thiên tai, mất mùa… là những tai họa mà người nông dân “một nắng hai sương” thường phải gánh chịu. Để giảm bớt những tổn thất, mất mát đó, Nhà nước ta có nhiều chính sách hỗ trợ giúp dân vượt qua cơn bĩ cực. Nhưng rất tiếc khi về đến cơ sở, nguồn hỗ trợ nhân đạo lại bị bớt xén, chiếm đoạt một cách trắng trợn.

Từ ăn chặn tiền hỗ trợ bão lũ

Ngày 21/11/2014, khi nghe tin chúng tôi về, hàng chục hộ dân xóm 7, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) vô cùng bức xúc, trình bày: Cơn bão số 10 tháng 9/2013 càn quét hết nhà cửa, gia súc, gia cầm và số lượng lớn diện tích lúa màu của người dân nơi đây. Ngày 12/10/2014, bà con vui sướng khi được mời lên nhà văn hóa xóm nhận tiền hỗ trợ. Tại đây, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó ban kinh tế UBND xã Quỳnh Tân gọi tên từng người để bà Lê Thị Hạnh, thủ quỹ phát tiền.

Tuy nhiên, lạ lùng thay, sau khi công dân ký tên nhận tiền xong thì lập tức bị ông Nguyễn Thái Lan, Xóm trưởng xóm 7 chặn lại, trắng trợn lấy đi một số tiền theo kiểu vô thưởng vô phạt. Người được hỗ trợ 100.000 đồng trở xuống, ông thu 10.000 đồng; 200.000 đồng, ông thu 20.000 đồng hoặc 30.000 đồng. Thậm chí, như chị Hồ Thị Phương được hỗ trợ 520.000 đồng (cả lợn, gà và hoa màu) nhưng bị ông Lan thu mất 220.000 đồng. Cứ vậy, 181 hộ dân xóm 7 được Nhà nước hỗ trợ đều phải nộp tiền cho ông Lan mà không biết vì sao mình bị thu.

1917 up.zip
Cán bộ xóm 7 cho rằng: “Tổng số tiền hỗ trợ do xã quản lý, xóm không biết?”

Đây không phải là lần đầu vị “quan xóm” vi phạm quy chế dân chủ. Đợt lúa giống BC15 bị mất mùa được hỗ trợ, ông Lan cũng đã làm nhiều việc khuất tất. Có trường hợp như anh Nguyễn Đình Luận được bồi thường 800.000 đồng, ông Lan giả mạo chữ ký anh Luận nhận mất. Khi bị vợ anh Luận phát hiện, đòi nhiều lần ông Lan mới chịu trả. Còn anh Hồ Bá Tùng bức xúc: “Khi giải tỏa đường giao thông nông thôn, tôi đã hiến đất, chỉ được đền bù tiền các công trình trên đất là 7.976.000 đồng, nhưng ông Lan chỉ trả 3.500.000 đồng.

Trong cuộc họp xóm chiều 10/11/2014, khi tôi yêu cầu giải thích, ông Lan quăng sổ, lao xuống nắm cổ áo tôi kéo tuột ra sân, định đánh trước mặt toàn dân xóm 7. Được mọi người can ngăn, ông Lan bỏ vị trí chủ tọa, buộc anh Mạo (xóm phó) phải duy trì cuộc họp”. Tháng 8/2014, thực hiện chương trình tiêm phòng dịch gia súc, gia cầm, các ông Lê Cường, Lê Kính, Hồ Xuân được điều về tiêm ở xóm 7 và được cấp 400.000 đồng tiền ăn nhưng ông Lan ăn chặn mất 200.000 đồng. Nhà nước cấp gạo cứu trợ cho dân nhưng các gia đình như bà Thảo, anh Hải… đều bị ông Lan bớt xén.

Đến khai khống, ăn chặn tiền thóc giống

Vụ tháng 5/2013, xã Quỳnh Thạch nói riêng, huyện Quỳnh Lưu nói chung đều cơ cấu một số lượng lớn giống lúa BC15. Do giống không đạt chỉ tiêu, dẫn đến mất mùa. Để giảm thiểu sự mất mát của nhân dân, đơn vị chủ quản đề nghị các xóm thống kê diện tích bị mất mùa để đền bù. Ông Nguyễn Trọng Thành, Phó bí thư Chi bộ, Xóm trưởng xóm 6 đã nghĩ ra một “tuyệt chiêu”, đó là: Người mất 1 sào, ông kê lên 2 sào; người mất 2, ông khai 4. Thậm chí, có đến 9 hộ không trồng lúa BC15 vẫn được ông kê khống. Toàn bộ số tiền trên ông ôm trọn với “quyết tâm” mua một cái máy xay xát.

1917 up.zip
Quyết định kỷ luật ông Thành

Trong hỗ trợ thiệt hại bão lũ, vị Xóm trưởng này cũng có nhiều việc làm khuất tất, thiếu dân chủ, mất công bằng. Bà Hồ Thị Dục ấm ức: “Ruộng nhà tôi bị lũ mất trắng nhưng không được ông Thành kê khai, trong lúc ruộng người khác cùng chung thửa với nhà tôi lại được đền bù”. Ông Nguyễn Xuân Trí, Bí thư Chi bộ xóm 6 cho biết: “Nhà tôi có 400 con vịt, 100 con gà và một diện tích lớn ao cá bị mất nhưng không nhận được đồng đền bù nào, đến như tôi mà cũng bị ông Thành ăn chặn”.

Không thể để trở thành tiền lệ

Còn nhớ tháng 6/2011, xã Quỳnh Tân được hỗ trợ bão số 8 năm 2010 là 479.750.000 đồng. Một số “quan xã” đã cùng nhau biển thủ 62.000.000 đồng. Khi phân về đến xóm, 4 vị xóm trưởng lại đua nhau “xẻo”, nâng tổng số tiền ăn chặn của dân lên đến 90.790.000 đồng. Vậy nhưng, các “vị quan” này chỉ bị hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến khiển trách, với bài ca muôn thủa: “Khắc phục hậu quả rồi là được”, “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”.

Cũng là vi phạm chính sách, nhưng khi vụ việc vỡ lở, ông Thành đã thành khẩn nhận toàn bộ khuyết điểm và viết đơn xin từ chức, trả lại tiền. Đảng bộ xã Quỳnh Thạch lập tức cách chức Phó Bí thư Chi bộ, UBND xã ra quyết định cách chức xóm trưởng. Trong lúc đó, ở xã Quỳnh Tân thì lại coi như một việc bình thường. Thậm chí, cán bộ xã còn thiếu hợp tác khi chúng tôi đến sao chụp hồ sơ. Tổng số tiền toàn xã Quỳnh Tân được hỗ trợ bão lũ và kinh phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa là 770.811.000 đồng, nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Lan, ông Hậu đều khẳng định: “Tổng số bao nhiêu tiền, bao nhiêu hộ dân xóm 7 được hỗ trợ, xã quản lý chứ xóm không được biết”.

Vì sao các nguồn hỗ trợ (nói chung) cho từng xóm và cả xã lại không bao giờ được niêm yết công khai cho người dân biết? Số tiền, gạo đó nhân dân thực nhận được bao nhiêu, ai kiểm tra? Hình thức kỷ luật đối với những vị cán bộ ăn chặn trắng trợn, bòn rút của công như vậy đã thích đáng? Chúng tôi đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu nhanh chóng có câu trả lời, giải tỏa nỗi bức xúc, lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Nguyễn - Trưng

Các tin khác