Gia đình xã hội

Khiếu nại hơn 5 năm: Sớm giải quyết dứt điểm

08:54, 17/12/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Mới đây, Tòa soạn Báo Công an Nghệ An nhận được đơn của các ông Lê Tiến Tý, Lê Tiến Thiêm và Nguyễn Ngọc Nguyên, cùng trú tại xóm 7, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, phản ánh việc UBND xã Nam Sơn giải phóng hành lang an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 7, đoạn đi qua trước nhà các hộ dân này trái với quy định của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình họ.
 
Qua tìm hiểu sự việc được biết, ngày 27/12/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1856/QĐ-TTg “Phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt”. Mục đích của chiến dịch này nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; đồng thời lập lại trật tự, kỷ cương trong việc giữ gìn hành làng an toàn đường bộ, đường sắt.
Người dân bất bình vì cơ quan chức năng xác định “tim đường” 7 cũ nằm ở mép cống thoát nước có từ thời Pháp thuộc
Người dân bất bình vì cơ quan chức năng xác định “tim đường” 7 cũ nằm ở mép cống thoát nước có từ thời Pháp thuộc
 
Để thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An và các ban, ngành chức năng đã có các kế hoạch cụ thể, hướng dẫn việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Tại Kế hoạch số 94/KH/UBND ngày 17/3/2008 của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: “Thực hiện giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi từ 5 - 7m đã được đền bù xử lý trên tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…”. Tiếp đó, Kế hoạch số 43/BCĐGTHLATGT ngày 10/1/2009 của Ban chỉ đạo giải tỏa hành lang an toàn giao thông và Quyết định số 4885/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu phạm vi giải tỏa hành lang an toàn giao thông chỉ từ 5 - 7 m.
 
Tuy nhiên, theo phản ánh của các công dân trên thì vào tháng 11/2009, UBND xã Nam Sơn đã thực hiện thu hồi, giải phóng hành lang an toàn giao thông theo hai phạm vi khác nhau. Cụ thể, đất của các hộ gia đình hình thành trước năm 1980, UBND xã thực hiện giải phóng hành lang với phạm vi là 7,15 m; đất của các hộ gia đình hình thành sau năm 1980, phạm vi giải phóng là 10,15 m. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân có các công trình bị giải tỏa bất bình và không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương.
 
Cũng theo phản ánh của các hộ dân này, để lý giải cho việc có hai mức giải tỏa hành lang khác nhau như trên, UBND xã Nam Sơn đã đưa ra lý do xác định vị trí “tim đường” 7 cũ để làm căn cứ. Thế nhưng, việc xác định “tim đường” của UBND xã Nam Sơn lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các hộ dân. Người dân cho rằng, chính quyền địa phương xác định vị trí “tim đường” 7 cũ như vậy là sai vị trí so với thực tế. Theo đó, các hộ dân này lấy cống thoát nước của đường 7 cũ (cống này có từ thời Pháp thuộc) làm điểm xác định vị trí, do vậy, “tim đường” 7 cũ sẽ nằm giữa cống chứ không thể nằm sát mép cống thoát nước như UBND xã Nam Sơn xác định. 
 
Về phía chính quyền địa phương, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết: Chúng tôi đã mời các hộ gia đình lên xã giải quyết nhưng họ vẫn chưa đồng ý và họ cũng đã gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Đô Lương. Tuy nhiên, nhiều đoàn công tác của các cơ quan chức năng liên quan về đây làm việc đều khẳng định xã đã làm đúng chủ trương.
 
Thế nhưng, khi chúng tôi tiếp cận báo cáo quá trình triển khai thực hiện nội dung khiếu nại của công dân xã Nam Sơn, do Đoàn Thanh tra huyện Đô Lương xác minh vào ngày 29/8/2012. Văn bản này có đoạn: Ban quản lý dự án 4 đã bàn giao cho Đoàn Thanh tra, đơn vị tư vấn 2 mốc tọa độ GPS 12 và H4 tại biên bản làm việc ngày 25/7/2012, để làm cơ sở xác minh thông số liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của công dân.
 
Đơn vị tư vấn căn cứ vào 2 mốc tọa độ GPS 12, H4 và hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án nâng cấp Quốc lộ 7, đoạn lý trình Km37+100 - Km38+900 để xác minh, đo đạc hiện trường. Kết quả xác minh: “Đo đạc tại hiện trường cho thấy, “tim đường” tuyến có sai lệch lớn so với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công lưu tại Đoàn Thanh tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Ngoài ra, trong báo cáo này cũng nêu lên những khó khăn, bất cập trong công tác thanh tra, khiến việc khiếu nại của công dân kéo dài.
 
Cho đến nay, việc khiếu kiện trên của các hộ dân đã kéo dài hơn 5 năm nhưng các cấp, ngành ở huyện Đô Lương cũng như các đơn vị có liên quan vẫn chưa đưa ra được những lý do thấu tình đạt lý để các hộ dân đồng tình, chấp thuận. Mong rằng thời gian tới, UBND huyện Đô Lương sẽ kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc, làm rõ vấn đề, giải quyết dứt điểm sự việc, tránh tình trạng đơn thư kéo dài.

Đức Thắng

Các tin khác