Gia đình xã hội

Giao tiếp 'đi xuống' vì mạng xã hội?

15:10, 16/12/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Tay cầm iPad hoặc điện thoại di động, mắt dán vào màn hình bấm phím lia lịa... mọi người như đắm chìm vào một thế giới riêng. Triệu chứng giao tiếp “câm” này đang di căn với tốc độ chóng mặt tại các thành phố khiến những cuộc trò chuyện thường nhật đang dần chết yểu.
 
Người Sài Gòn rất thích uống cà phê. Đến đây, người ta không chỉ để giải khát mà còn muốn tìm không gian thích hợp hẹn hò, làm việc, đàm phán, hội thảo... Để sinh tồn trong thời đại công nghệ, từ quán cao cấp đến quán bình dân đều có đặc điểm chung là “free wifi” (miễn phí kết nối mạng) để phục vụ nhu cầu lướt web của các “thượng đế”.
Nhiều người thích dán mắt vào màn hình internet thay vì trò chuyện
Nhiều người thích dán mắt vào màn hình internet thay vì trò chuyện
Dạo quanh một vòng, chúng tôi chứng kiến nhan nhản các buổi hẹn hò nhưng thay vì quan tâm, lắng nghe và trao đổi với những người mình gặp gỡ thì họ chủ yếu “dán” mắt vào màn hình smartphone, iPad, tablet, laptop. Dường như người ta có nhu cầu gặp gỡ nhưng lại không có nhu cầu trò chuyện ngoài vài câu xã giao. Ly cà phê nhạt thếch cũng mặc kệ, mọi người lo “sống” với thế giới ảo khiến không gian lặng yên. Thay cho lời nói và tiếng cười là những thanh âm lóc cóc từ bàn phím, ngón tay quẹt liên hồi vào màn hình. Mỗi người đều chú tâm vào thế giới riêng của mình, quên luôn người bên cạnh. Thỉnh thoảng, có giọng cười bí hiểm của ai đó vang lên, nhưng họ vẫn đang chú tâm vào màn hình di động.
 
Không chỉ các quán cà phê, tại các khu vực công cộng, nhà chờ xe buýt, tàu hỏa... người ta cũng đều dí mắt vào màn hình vô tri của thế giới ảo. Thậm chí trên giảng đường, một số sinh viên mải mê lướt mạng suốt tiết học, chẳng hề quan tâm đến bài học. “Thực sự, nhiều khi mình cũng không kiểm soát được hành vi của mình về việc sử dụng smartphone. Đôi khi mình chỉ muốn kiểm tra tin nhắn trong điện thoại, lấy ra rồi mải mê cuốn theo những câu chuyện, bài báo trên mạng một hồi là hết tiết học luôn”, Cẩm Thủy (SN 1995) sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ.
 
Internet giúp phát triển nhiều mặt trong đời sống xã hội nhưng cũng đem lại không ít phiền toái cho người dùng. Năm 1997, internet chính thức du nhập vào Việt Nam. Năm 2000, chỉ có 85.000 người sử dụng. Đến năm 2012, con số này tăng lên 30,8 triệu người dùng, chiếm 34% tỷ lệ dân số. Theo thống kê của Trung tâm số liệu Internet quốc tế, Việt Nam xếp thứ 18 trong tổng số 20 quốc gia có người dùng internet cao nhất thế giới. Theo nghiên cứu, sử dụng internet thường xuyên dễ rơi vào trạng thái nghiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần. Các triệu chứng thường gặp như: tâm lý ảo tưởng, hay quên, bồn chồn, dễ cáu giận. Thậm chí người nghiện nặng có biểu hiện bắt chước hành động của các trò chơi bạo lực, trực tuyến trên internet.
 
Theo khảo sát của Tổ chức World Vision, mỗi ngày học sinh THPT Việt Nam dùng 1 - 7 giờ nghe, gọi điện thoại, 1 - 4 giờ để chơi game và gửi từ 20 - 50 tin nhắn. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động khi giới trẻ bị lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại và internet. “Nghe điện thoại nhiều sẽ làm suy giảm thính lực, ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh. Bức xạ điện thoại di động còn có khả năng gây bệnh ung thư”, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cảnh báo.
 
Dư luận còn chưa quên vụ việc một thanh niên ở Thanh Hà, Hải Dương nghiện game đã ra tay giết cả bốn người trong gia đình gồm: bà nội, bố, mẹ, chị họ. Trước khi ra tay sát hại dã man người thân, thanh niên này đã cố thủ trong tiệm game chơi liên tục hai ngày mà không ăn. Hành động này dẫn đến việc ức chế thần kinh, hoang tưởng ảnh hưởng đến hành vi giết người.
 
Ngày 29-9-2014, em T.Đ. (SN 2002, ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) đang chơi game tại tiệm K-Nét (phường Đông Hưng Thuận, quận 12), bị đối tượng Trâm đánh sưng đầu và mặt. Người dân thấy vậy trình báo cơ quan chức năng thì phát hiện thêm nhiều việc động trời. Biết T.Đ. mê game, Trâm hào phóng trả tiền chơi để rủ em về khách sạn quan hệ tình dục. Thời gian sau, Trâm bắt T.Đ. phục vụ cả bạn của mình. Chưa dừng ở đó, nhiều lần T.Đ. còn bị Trâm cưỡng ép đi bán dâm để hắn lấy tiền tiêu xài.
 
Hiện tượng trẻ vị thành niên nghiện internet, game bị lợi dụng không còn quá xa lạ với nhiều bậc phụ huynh. Thế nhưng, viện lý do bận kiếm tiền nên nhiều người vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến trẻ nhỏ. Khi sự việc đáng tiếc xảy ra thì hối hận đã quá muộn màng. Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh, chính quyền đoàn thể cần có sự quan tâm hơn nữa để kịp thời giáo dục các em đi đúng hướng.

Nguồn: Báo CA TPHCM

Các tin khác