Gia đình xã hội
Kể chuyện tử tù (kỳ cuối)
Lương tâm quản giáo thức tỉnh một tử tù 'chán sống'
08:12, 13/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vẫn biết khi bị khép vào tội chết, nằm xiềng chốn biệt giam thì tâm lý của tử tội sẽ có những diễn biến khôn lường, song manh động đến mức dùng cả vũ lực để chống lại quản giáo, viết đơn xin được thi hành án sớm để gây áp lực thì có lẽ chỉ có trường hợp duy nhất từ trước đến nay, ấy là tử tù Nguyễn Văn Thành, kẻ phạm các tội giết người, hiếp dâm và cướp tài sản rúng động dư luận năm 2012 tại huyện Diễn Châu. Dẫu vậy, bằng cái tâm và tình người, cán bộ quản giáo đã thức tỉnh được lương tâm của tử tội “chán sống” này.
Một tử tù chống đối
Thượng úy Đậu Vĩnh Thành, cán bộ quản giáo trông coi tử tù tại nhà giam B2 ở Trại Tạm giam Công an tỉnh kể rằng, trong số 5 tử tội mà anh đang đảm trách nhiệm vụ canh giữ hiện nay, ngoài tử tội Vũ Đình Tương đã được đưa đi thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc vào tháng 3/2014, có một tử tù cũng khiến bản thân anh phải trăn trở và đáng nhớ nhất, ấy là Nguyễn Văn Thành (SN 1989) trú tại xóm 9 Nam Lâm, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu. Là kẻ đang thụ án treo 15 tháng về hành vi cướp tài sản, Thành không những không biết ăn năn hối cải mà tiếp tục phạm tội với hành động mất nhân tính. Năm 2012, Thành gây ra vụ án mạng rúng động dư luận tại quê nhà.
Tử tù Nguyễn Văn Thành |
Lợi dụng cậu mình đi làm ăn xa bên Lào, Thành đã mượn cớ vay tiền, mò đến nhà mợ dâu là Phạm Thị H. (SN 1982) trú cùng xã, lúc này đang mang thai để giờ trò đồi bại. Khi bị khước từ, Thành đã thực hiện hành vi giết người, sau đó giở trò thú tính và trước khi biến mất khỏi hiện trường, y còn kịp giật đôi bông tai bằng vàng của nạn nhân. Với hành vi này, Nguyễn Văn Thành bị tòa tuyên án tử hình ở cả hai cấp xét xử, dù lá thư xin được ân xá đã gửi đến Chủ tịch nước, song hy vọng rất mong manh.
Thượng úy Đậu Vĩnh Thành kể, sau khi biết mình khó có con đường sống, dù đó chỉ là ánh sáng lọt qua khe cửa hẹp, khi bị giam giữ tại nhà biệt giam, Nguyễn Văn Thành đã có thời gian dài chống đối quyết liệt, bất hợp tác với cán bộ quản giáo. Thậm chí, tử tội này còn có hành vi dùng vũ lực để uy hiếp cán bộ quản giáo. Sau khi thuyết phục, phân tích không thành, cán bộ buộc phải áp dụng quy chế của trại tạm giam để xử lý nhưng tên này vẫn rất ngoan cố, tỏ thái độ bất cần đời.
Dẫu biết rằng bị khép vào tội chết, tâm lý của tử tội thường diễn biến khó lường, phức tạp và manh động, song kháng cự đến độ quyết liệt như Nguyễn Văn Thành thì gần như đây là trường hợp cá biệt đầu tiên xảy ra tại nhà tạm giữ dành cho người có án tử hình ở Trại Tạm giam Công an tỉnh. Thậm chí, vào ngày 31/7/2012, Thành còn gây áp lực bằng cách viết thư gửi Chủ tịch nước để xin được thi hành án sớm.
Lương tâm quản giáo thức tỉnh tử tù
Để giúp tử tội này lấy lại tâm lý cân bằng trong cuộc sống, trong suốt thời gian dài, Thượng úy Thành đã trực tiếp gặp gỡ, động viên tinh thần. Trong các cuộc tiếp xúc hàng ngày, đặc biệt là khoảng thời gian 15 phút mở xiềng để làm vệ sinh cá nhân và tập thể dục, cán bộ quản giáo luôn cố gắng thu hẹp khoảng cách, không để tử tù suy nghĩ có sự xa lánh, kỳ thị mà luôn gần gũi nên đã sớm giúp tử tội Nguyễn Văn Thành dần lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống, dù đó là cuộc sống chốn lao tù và sự sống chỉ tính bằng ngày, bằng tháng.
Qua những lần trò chuyện, nắm bắt diễn biến tâm lý để phân tích, tác động, cái tâm của người cán bộ quản giáo như Thượng úy Đậu Vĩnh Thành đã được đền đáp khi Nguyễn Văn Thành đã có biến chuyển trong tư tưởng, không còn chống đối nữa mà đã chấp hành trở lại.
Đến ngày 31/7/2014, sau những ngày nằm xiềng trong chốn biệt giam, được thức tỉnh lương tri, Thành đã rất hối lỗi nên viết lá thư gửi cho bố mẹ của nạn nhân để nói lời xin lỗi từ tâm. Với tựa đề “Những lời xin lỗi muộn màng của một người tử tù”, bức thư của Nguyễn Văn Thành có đoạn: “Thưa bác Minh cùng đại gia đình bác. Hôm nay cháu muốn viết mấy dòng chữ nói lên lời xin lỗi chân thành từ trong thâm tâm của cháu, gửi đến gia đình bác những lời xin lỗi muộn màng.
Từ khi sự việc xảy ra đến nay, trong thâm tâm cháu luôn thấy hối hận, day dứt, bị ám ảnh về những việc mình đã làm. Và cháu cũng đã nhận ra việc mình gây ra là sai, trái với pháp luật, trái đạo đức luân thường, lương tâm làm người, làm mất hết nhân tính của một con người. Giờ cháu nhận ra điều đó thì đã quá muộn, một khi thời gian đã không thể quay trở lại”. Từ nhiều tháng trở lại đây, tử tù Nguyễn Văn Thành đã ngoan ngoãn chấp hành tốt nội quy tại nơi giam giữ, không còn thái độ bất mãn, chống đối như những ngày đầu.
Tử tù, dù là phạm phải bất cứ tội lỗi gì thì họ cũng là một con người với những góc khuất số phận khác nhau. Phía sau những bản án tử của những con người đang đếm ngược thời gian chờ đợi chuyến đò về với cõi âm ấy còn có gia đình, người thân và ở một khía cạnh nào đấy của phận người, họ cũng có những khoảnh khắc tình người trỗi dậy. Do vậy, ở bất cứ cương vị nào, người cán bộ quản giáo luôn lấy cái tâm ra để thu phục, gây dựng được tình cảm gần gũi, thân thiết, đối xử bằng tình thương nên dù sự sống chỉ được tính bằng ngày, bằng tháng trong ngục tối, tử tù vẫn thấy cuộc sống thấm dẫm tình người và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Thiên Thảo