Gia đình xã hội

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam

Chuyện về người anh hùng có biệt danh 'Nàng dâu trăm họ'

15:19, 25/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Thời bình xây dựng quê hương, người bộ đội Cụ Hồ ấy lại hết lòng tận tụy vì việc công, sống nghĩa tình với quê hương, làng xóm. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Mão (xóm 5, Xuân Hòa, Nam Đàn) - chiến sĩ pháo cao xạ Quân khu 4, nuôi quân đoàn Sông Gianh.
 
Xứng danh anh hùng
 
Ngày 19/2/1965, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Mão xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thuộc Trung đoàn 214. Thời gian đầu chiến đấu ở đèo Ngang, sau đó vào sông Gianh (Quảng Bình) và chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Trị. 
 
Khi được hỏi trận chiến nào làm ông nhớ nhất, ông Mão hồi tưởng lại quãng thời gian chiến đấu ác liệt với ánh mắt xa xăm. Trong trận chiến ngày 24/4/1968, một quả bom nổ gần hầm pháo, ông và các pháo thủ bị đất vùi kín. Đồng đội chưa kịp đến cứu thì ông đã tự đội đất ngoi lên. Không chút chậm trễ, ông liên tục dùng tay trần bới đất để cứu đồng đội, đưa họ về nơi trú ẩn an toàn. Khi trở lại vị trí chiến đấu, sức ép của bom đạn khiến tai trái của ông bị điếc từ đó.
  “Nàng dâu  trăm họ” Nguyễn Văn Mão giỏi việc nước, đảm việc nhà cả trong thời chiến lẫn thời bình
“Nàng dâu trăm họ” Nguyễn Văn Mão giỏi việc nước, đảm việc nhà cả trong thời chiến lẫn thời bình
 
Trận đánh đầu tháng 4/1968, ông được cử làm khẩu đội trưởng. Đúng lúc những đường đạn của khẩu đội ta phối hợp với lưới lửa toàn quân quật ngã “thần sấm” Hoa Kỳ thì ông bị sức ép của bom hất văng ra xa, một chân bị kẹp cứng giữa hòm đạn và càng pháo. Chiếc chân bị tụ máu tê cứng không cử động được nhưng ông nhất quyết không chịu dùng đến cáng mà nằng nặc đòi tự mình bò ra khu vực tập kết của thương binh, vì theo ông “còn có nhiều anh em cần dùng cáng hơn mình”. Tinh thần hy sinh vì đồng đội tỏa sáng ngay trong thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến. Nghĩa cử cao đẹp ấy khiến những cơn đau thể xác cũng phải “cúi đầu”. “Chỉ khi được y tá cho uống sữa, tôi mới biết mấy cái răng cửa đã bị mảnh đạn tiện gọn lúc nào không hay”, ông Mão kể lại. 
 
“Nàng dâu trăm họ” đảm đang
 
Ông chia sẻ với tôi rằng: Cái duyên gắn với danh “Nàng dâu trăm họ” đến với ông hoàn toàn ngẫu nhiên. Thời gian đó, Đại đội nhận loại pháo mới và được điều lên bố trí ở đỉnh đèo V nên mức ăn của mọi người kém hẳn. Sức khỏe của các pháo thủ giảm sút trông thấy. “Nhận thấy tôi có đủ sức khỏe để hàng ngày đưa cơm lên trận địa ở đỉnh đồi cao nên đơn vị phân công về bộ phận anh nuôi để tăng cường lãnh đạo công tác nuôi quân”, ông cho biết.
 
Dọc đường lên trận địa dốc dựng đứng, lượn vòng theo hình trôn ốc và lỗ chỗ những vết đạn, hố bom nhưng ngày ngày người chiến sĩ với vóc dáng nhỏ bé vẫn đều đặn quảy gánh cơm nặng trĩu tiếp tế cho đồng đội không quản nắng mưa, lửa đạn. Ông Mão tâm sự: “Mỗi khi thấy pháo ta gầm, tôi thấy sức khỏe của mình như được tăng lên gấp bội, giục giã bước chân tiến về phía trước”. Thương anh em chiến đấu vất vả, ông luôn tìm cách cải thiện bữa ăn cho đơn vị.  
 
Không chỉ lặn lội trong rừng sâu tìm rau củ tươi, ông còn tự mình dòng dây kéo thuyền, lội xuống nước đẩy thuyền dọc theo bờ sông để tìm ốc, cá… Mỗi ngày đi tiếp phẩm, ông đều cố học cách nấu món ăn địa phương. Thấy bếp của đơn vị bạn nuôi được lợn, được sự chấp thuận của thủ trưởng, anh nuôi Mão một tay đảm nhiệm việc chăn nuôi 7 con lợn, 3 con bò già, 7 chú bê con.
 
Khi phần việc của anh nuôi đã xong, không kịp nghỉ ngơi, ông lại tham gia vác đạn cho khẩu đội 5, khi lao đạn gấp cho khẩu đội 6, lúc lại làm thay nhiệm vụ giúp các pháo thủ bị thương. Người chiến sĩ kiêm anh nuôi trong 4 năm liên tiếp từ khi nhập ngũ đều được đơn vị bầu là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng. 10 Bằng khen, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Giấy khen là những minh chứng sinh động nhất cho sự hy sinh và cống hiến thầm lặng đó. Ngày 25/8/1970, Thiếu tá Nguyễn Văn Mão vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 
 
Chiến tranh đi qua, thời bình, dù mang trên mình nhiều vết tích, tàn dư của cuộc chiến nhưng anh nuôi Nguyễn Văn Mão không đòi hỏi gì cho riêng mình. Vợ ông chia sẻ rằng: Đến nay, các giấy tờ khám sức khỏe trên chiến trường vẫn còn nguyên vẹn nhưng ông chưa bao giờ có ý định làm thủ tục để hưởng chế độ thương binh. Bởi theo ông, “được sống qua cái thời ác liệt đó là điều may mắn và hạnh phúc nhất rồi”. Giờ đây, dù đã ở tuổi 76 nhưng hàng ngày, ông vẫn tự tay trồng và chăm sóc mảnh vườn, nuôi gà lợn, tham gia sản xuất cùng con cháu.
 
Có người nói, nghề nấu ăn như “làm dâu trăm họ”, nhưng suốt những năm tháng ở chiến trường, “nàng dâu” Nguyễn Văn Mão không chỉ phục vụ, làm vừa lòng “trăm họ”, đảm việc nhà mà còn rất giỏi việc nước: Vừa tham gia chiến đấu, vừa góp sức nuôi quân. Chiến công của những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như ông Nguyễn Văn Mão đã góp phần làm dày thêm trang sử yêu nước hào hùng, rạng danh mảnh đất xứ Nghệ giàu truyền thống cách mạng.

Hồng Hạnh

Các tin khác