Gia đình xã hội

Hỗ trợ về nhà ở cho người có công: Trông chờ nguồn kinh phí

08:45, 23/11/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở có hiệu lực từ tháng 6/2013, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tri ân và ghi nhận những đóng góp của người có công trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, hàng nghìn hộ dân phấn khởi, chờ đợi được sống trong những căn nhà mới, khang trang, vững chãi. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định này đang gặp những vướng mắc nhất định về nguồn vốn, kinh phí, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các mục tiêu về hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh.

Nỗ lực vào cuộc

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 10/10/2013 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 5927/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Theo Đề án được duyệt, tổng số hộ người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh cần được hỗ trợ về nhà ở là 26.846 hộ, trong đó có 13.748 hộ xây dựng mới nhà ở và 13.098 hộ sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí ngân sách gần 816 tỉ đồng. Triển khai thực hiện chính sách trên, năm 2013, tỉnh được cấp kinh phí để hỗ trợ về nhà ở cho 1.018 đối tượng người có công với cách mạng (trong đó có 713 hộ xây dựng mới nhà ở, 305 hộ sửa chữa nhà ở), tổng số tiền sẽ hỗ trợ gần 34 tỉ đồng (trong đó ngân sách Trung ương: 32,889 tỉ đồng; ngân sách tỉnh: 1,9 tỉ đồng).

1912 up.zip
Nhiều gia đình chính sách đang trông chờ tiền hỗ trợ để làm nhà mới

Đến thời điểm hiện tại, ngân sách tỉnh bố trí đạt 100% kế hoạch, trong khi ngân sách Trung ương đã cấp mới chỉ đạt 83,61% kế hoạch. Cả tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 944 hộ (đạt 92,73% kế hoạch), trong đó có 659 hộ xây dựng mới nhà ở, 285 hộ sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí ngân sách đã giải ngân hỗ trợ là 16,4 tỉ đồng.

Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự nỗ lực vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp. Nhờ đó, mọi công việc chuẩn bị cho công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng như: Tuyên truyền, phổ biến chính sách; thành lập ban chỉ đạo các cấp; lập, thẩm tra, phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ; phê duyệt Đề án,... đã cơ bản hoàn thành đúng quy định.

Đến nay, có 13 huyện hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng đã được cấp vốn. Đa số các huyện đã thực hiện phân bổ hết toàn bộ vốn đến các xã và các xã đã giải ngân hết nguồn vốn này tới từng hộ gia đình. Xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm, là chương trình mục tiêu để giải quyết các chính sách xã hội nên ngay từ khi được bố trí vốn đợt đầu (từ cuối tháng 1/2014), Ban chỉ đạo các huyện đã tổ chức họp và triển khai quyết liệt công tác hỗ trợ đối với những trường hợp nhà ở đã xuống cấp trầm trọng.

Còn khó khăn về kinh phí

Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận trong đẩy nhanh tiến độ việc hỗ trợ về nhà ở cho người có công, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc mà quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cần kịp thời tháo gỡ. Thực tế, do địa bàn rộng, dân số đông và là một trong những vùng đất giàu truyền thống cách mạng nên số đối tượng người có công thuộc diện được hỗ trợ của tỉnh là rất lớn.

Điều này là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn tới việc rà soát danh sách đối tượng được hỗ trợ còn chậm, một số đơn vị chưa có số liệu thống kê chính xác, thay đổi nhiều lần. Theo thông lệ, vào trước ngày 20 hàng tháng, các địa phương phải tiến hành báo cáo định kỳ kết quả thực hiện bằng văn bản. Tuy nhiên, chỉ có TP Vinh và TX Hoàng Mai đảm bảo đúng quy định trên. Hầu hết các huyện còn lại báo cáo không đúng định kỳ, không thực hiện chế độ báo cáo trên hoặc chỉ gửi báo cáo nhanh qua hộp thư điện tử cá nhân nếu Sở Xây dựng đôn đốc, nhắc nhở.

Bên cạnh các khó khăn, vướng mắc trên, không thể phủ nhận việc “chưa thể bố trí kinh phí thực hiện theo lộ trình” là rào cản lớn cần kịp thời tháo gỡ. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2013 phải thực hiện cơ bản hoàn thành hỗ trợ 1.018 căn nhà cho người có công với cách mạng. Tuy nhiên, do việc bố trí vốn của Trung ương chậm hơn so với dự kiến (mới chỉ đạt 83,61%), dẫn đến mục tiêu năm 2013 đã không hoàn thành đúng tiến độ theo Đề án được duyệt.

Trên thực tế, do nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp còn thiếu và chậm nên dẫn tới tình trạng chưa giải ngân, chi trả đủ kinh phí theo quy định cho các đối tượng đã hoàn thành xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở của huyện. “Sự cố” này khiến nhiều hộ gia đình có công phải “dở khóc, dở cười”, rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì đã tin tưởng vay nợ để xây, sửa nhà, rồi phải thấp thỏm chờ tiền hỗ trợ.

Trong điều kiện nhiều hộ thuộc diện đối tượng chính sách trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, thì việc hỗ trợ các hộ gia đình chính sách xóa nhà tranh, chống dột, chống sập, ổn định cuộc sống và an sinh xã hội là việc làm cụ thể, thiết thực, thực hiện đúng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, trong thời gian tới rất cần sự phối hợp, quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị để chính sách đầy tính nhân văn này thực sự “vào nhà” người dân, chứ không chỉ dừng lại ở tình trạng “chạm ngõ” như hiện nay.

Hồng Hạnh

Các tin khác