Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201410/pha-chui-gay-chet-nguoi-van-ngang-nhien-hoat-dong-546968/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201410/pha-chui-gay-chet-nguoi-van-ngang-nhien-hoat-dong-546968/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phà 'chui' gây chết người vẫn ngang nhiên hoạt động - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 18/10/2014, 15:44 [GMT+7]

Phà 'chui' gây chết người vẫn ngang nhiên hoạt động

Không có hợp đồng thuê bến bãi, không phát hành vé theo quy định, cũng chẳng có bất cứ trang thiết bị an toàn nào, nhưng từ nhiều năm nay bến đò Vân Nam (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn ngang nhiên tồn tại. Điều đáng ngạc nhiên là, dù bến đò này hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ vẫn làm ngơ.

34
Bất chấp các quy định về ATGT đường thủy, bến đò chui xã Vân Nam, Phúc Thọ vẫn ngang nhiên tồn tại

Đình chỉ 5 năm vẫn chạy bình thường

Tuy gọi là bến đò, nhưng thực chất phương tiện vận chuyển phục vụ hành khách qua lại tại khu vực ven sông Hồng thuộc xã Vân Nam là một chiếc phà lai dắt cũ nát. Người dân trong xã cho biết, bến đò này đã hoạt động từ rất lâu, hàng ngày chuyên chở hàng chục chuyến bao gồm cả người và ô tô qua lại giữa 2 xã Vân Nam của huyện Phúc Thọ và Hồng Châu của huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Cũng chính tại bến đò này, ngày 8-10-2012 một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra làm một xe ô tô tải rơi xuống nước khiến lái xe Phan Văn Đắc (xã Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng của thành phố tiến hành kiểm tra thì mới phát hiện ra rằng đây là bến đò chui và đã bị Sở GTVT Hà Nội đình chỉ hoạt động từ năm 2009.

Ngày 14-10, phóng viên An ninh Thủ đô đã có mặt tại bến đò Vân Nam và nhận thấy mọi hoạt động của bến đò này vẫn diễn ra bình thường. Điều đáng nói là cơ sở vật chất của bến đò không hề đảm bảo, toàn bộ đường dẫn xuống bến vẫn là đường đất, độ dốc khá lớn và đầy ổ gà bụi mù mịt. Không có nhà điều hành, không có nhà chờ khách, cũng chẳng hề phát hành vé, mọi hoạt động thu phí qua sông đều do một người đàn ông bán hàng nước trong chiếc lán tạm bợ đảm nhiệm. Giá thu trung bình là 10.000-20.000 đồng/người và 60.000-80.000 đồng /xe ô tô. Khi được hỏi về chủ quản lý phương tiện và xin cuống vé để về thanh toán, người thu tiền phí đò này nói thẳng: “Tôi không biết chủ đò là ai, người ta thuê tôi đứng ra thu tiền thì tôi chỉ biết thu tiền. Ai muốn qua sông thì phải nộp phí, ở đây không đào đâu ra vé mà bán”.

Khi xuống đến chiếc phà được lai dắt bởi một chiếc tàu cũ nát và dù đã cố ý quan sát khắp mọi ngóc ngách, nhưng tìm đỏ mắt chúng tôi cũng không thể thấy bất kỳ một chiếc áo phao nào. Như vậy cũng có nghĩa là, nếu chẳng may sự cố xảy ra thì hành khách trên chiếc phà này chỉ còn biết phó mặc cho số phận. Theo quy định, những chiếc phà như thế này nếu được cấp phép thì cũng không được chở xe ô tô. Tuy nhiên, trên chuyến phà của chúng tôi có tới 2 xe tải chở gạch loại 1,25 tấn và 1 xe tải loại 500kg cùng hàng chục hành khách đi xe máy. Lái tàu còn thản nhiên cho biết, khi đông khách, chiếc phà của anh ta còn có thể xếp tới 6 xe ô tô tải các loại.

123
Biển chỉ dẫn ra bến đò cách UBND xã không xa

Xã không dẹp nổi!

Để tìm hiểu thêm về hoạt động của bến đò chui này, phóng viên An ninh Thủ đô đã tìm gặp ông Đặng Duy Sen - Chủ tịch xã Hồng Châu (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), ông Sen cho biết: “Tuy gọi là bến đò Vân Nam - Hồng Châu nhưng thực chất phần bờ mà chiếc đò đi sang lại nằm ngoài khu vực bãi nổi sông Hồng. Oái oăm ở chỗ, về mặt quản lý địa giới hành chính thì một nửa bãi nổi lại thuộc địa phận quản lý của xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Do đó, xã chúng tôi không có thẩm quyền để kiểm tra hoạt động của bến đò này dù UBND xã chỉ cách bến của họ chưa đầy 500m”. Ông Sen cũng than phiền: “Theo quy định những bến đò ngang dạng này kể cả có phép đi chăng nữa cũng không được chở ô tô. Thế nhưng họ vẫn ngang nhiên chở và xe tải hàng ngày vẫn cứ chạy qua trước mặt trụ sở UBND xã băm nát con đường liên xã của chúng tôi”.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Long - Phó Chủ tịch xã Vân Nam cho hay: “Bến đò này hoạt động không phép từ năm 2000 khiến địa phương chúng tôi hết sức đau đầu. Do công tác quản lý của xã còn nhiều hạn chế nên chưa thể xử lý được. Cứ mỗi lần cán bộ chúng tôi ra kiểm tra thì họ lại lái đò chạy ra giữa sông, trong khi đó Ủy ban xã lại không có phương tiện để truy đuổi. Chúng tôi cũng đã báo cáo huyện nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa dẹp được”.

Cũng theo ông Long thì sau một thời gian rất dài hoạt động không phép, mới đây chủ đò là Công ty CPTM Vân Phúc có gửi ra xã một bản photo Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông” do Sở GTVT Hà Nội cấp có thời hạn từ  23-9 đến 31-12-2014. Trong giấy phép cũng ghi rõ là chỉ được phép chở không quá 35 hành khách và 10 tấn hàng, loại phương tiện đường bộ lớn nhất được chở là xe mô tô. Thế nhưng thực chất bến đò này vẫn chở ô tô như bình thường. “Kể cả khi có giấy phép thì sau đó, chủ đò phải thực hiện các thủ tục xin thuê đất để làm nhà điều hành, nhà chờ khách, bến bãi và đường dẫn bê tông lên xuống. Nhưng đến nay họ vẫn chưa làm các thủ tục này, do đó việc tiến hành chuyên chở như hiện nay là chuyên chở chui và trái quy định. Hiện xã đang kiến nghị lên huyện để có phương án xử lý triệt để nhằm đảm bảo ATGT đường thủy” – ông Long cho biết.

.

Nguồn: anninhthudo.vn