Gia đình xã hội

Năm 2014, 2015 sẽ không tăng lương!

08:53, 11/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Dù có nhiều tín hiệu lạc quan ở tương lai, nhưng trong ngắn hạn nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước thách thức lớn do nợ công tăng, thu - chi ngân sách tiếp tục mất cân đối. Năm 2014 và 2015 sẽ không tăng lương!
 
Dù biết khó khăn của nền kinh tế đã và đang tác động vào từng người dân, từng gia đình, nhưng nếu biết được con số thật về túi tiền quốc gia đã và đang được thu - chi thế nào hẳn nhiều người còn giật mình hơn. Và chỉ số nợ công, mất cân đối thu - chi ngân sách đã làm “nóng” phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/10.
 
72% ngân sách Nhà nước dành cho chi thường xuyên, còn lại chưa đến 30% phải vừa dành đầu tư phát triển, vừa trả nợ, vừa làm những việc khác. Ba năm liên tiếp không những bội chi ở mức cao mà chúng ta phải đi vay để đảo nợ. Dự tính năm 2015 nợ công của Việt Nam sẽ tiệm cận con số 64%.
 
Nợ công “phi mã”, còn cơ cấu ngân sách lại thực hiện “bài toán” chi thường xuyên gấp nhiều lần chi cho đầu tư phát triển, dẫn đến không kích thích được sản xuất, không tạo ra những chỉ số tăng trưởng ấn tượng và bền vững. Điều này giống như trong một gia đình, không có tài sản dự trữ, không có thu nhập ổn định, mọi sinh hoạt hàng ngày hoàn toàn phụ thuộc vào những khoản vay nợ thì không bao giờ khấm khá, không bao giờ “bằng chị, bằng em”...
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Đi vay đã khó, việc trả nợ càng khó hơn, đặc biệt là những khoản nợ ngắn hạn ví như “vay nóng”. Sốt ruột với việc vay nợ và trả nợ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phân tích: “Trước đây chúng ta vay dài hạn 10, 15, 20 năm, bây giờ phát hành trái phiếu chỉ có hai, ba năm và thậm chí chỉ một năm, vậy cái việc trả nợ nó đè lên đầu lên cổ làm sao mà sống được”.
 
Muốn cân đối được thu - chi ngân sách Nhà nước, phải tinh gọn bộ máy Nhà nước, cắt giảm ngay những khoản chi không thực sự cần thiết, chống bao cấp tràn lan; kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, lãng phí, tham nhũng; giảm bớt các doanh nghiệp Nhà nước, không gánh nợ thay cho những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả; v.v...
 
Để giảm nợ công, cần nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là phải khắc phục ngay “bệnh” xin - cho dự án, đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm, trọng điểm và xã hội hóa những dự án đầu tư công không thuộc diện bắt buộc Nhà nước phải đầu tư, bảo lãnh đi vay.
 
Đầu tư dàn trải, căn “bệnh” được nói nhiều, nhưng chưa thuyên giảm được bao nhiêu. Ngày 15/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792 nhằm siết chặt quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng mới đây Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố những con số khiến dư luận lại “giật mình”: Số dự án đầu tư công theo báo cáo của các tỉnh hiện nay dao động trong khoảng từ 34.000 đến 38.000 dự án, trong đó chỉ có khoảng 24.000 - 26.000 dự án có báo cáo giám sát thực hiện, chiếm khoảng trên dưới 60%.
 
40% dự án đầu tư công chưa được giám sát, điều đó cho thấy ngân sách Nhà nước, là tiền của nhân dân đang được sử dụng thiếu hiệu quả, không công khai, minh bạch... Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây còn cho biết, có không ít Bộ, ngành và địa phương vẫn mặc nhiên chi cho đầu tư phát triển một cách “hồn nhiên” chưa thực hiện Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ, bố trí vốn cho các dự án khởi công mới không phải là công trình cấp bách vẫn rất phổ biến, tỉnh Quảng Bình có 19 dự án; Phú Thọ 13 dự án; Sơn La 6 dự án.
 
Nợ công, mất cân đối thu - chi ngân sách không còn là chuyện người bảo an toàn, người bảo không, sự thật vừa được công bố. Do đó, năm 2014, năm 2015 sẽ không tăng lương. Đây là lo lắng của hàng triệu người...
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác