Gia đình xã hội

Người dân cần tỉnh táo kẻo 'tiền mất, tật mang'

07:36, 10/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Đã có những cái chết tức tưởi của người dân chỉ vì nghe theo lời khuyên hoặc để thầy thuốc hoạt động “chui” điều trị. Cũng có những “lang băm vườn” vì chủ đích trục lợi mà khám, chữa, bán thuốc cho người bệnh một cách vô tội vạ. Đến lúc người bệnh gánh lấy hậu quả chết người, người sống mới nhận ra sự mông muội thì đã quá muộn. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân khi bị bệnh (ở mức độ ban đầu được xem là nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng) thường có tâm lý e ngại đến các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ chuyên nghiệp để điều trị. Vì thế, họ thường đến những “thầy thuốc vườn” gần nơi mình sinh sống để kê đơn, cắt thuốc điều trị. Có những người theo đuổi “thầy thuốc vườn” hàng tháng trời để lấy hàng chục liều thuốc cảm cúm mà vẫn không hề thuyên giảm.
 
Đối với các căn bệnh thường gặp khi chuyển mùa như cảm cúm, sốt nhẹ, người dân có thói quen đến lấy thuốc ở những cá nhân có biết chút ít kiến thức về y học, mở quầy thuốc “chui” rồi buôn bán. Tuy nhiên, khi biến chứng do thuốc xảy ra, những “lang băm vườn” này lại không hề có kiến thức y học để xử lý tình huống. Nhiều người chỉ vì tin vào lời “thầy thuốc vườn” đã phải nhận những hệ lụy khôn lường do lạm dụng thuốc, uống sai thuốc điều trị bệnh của mình.
 
Không thể phủ nhận được một số thầy thuốc có chuyên môn giỏi, bằng bài thuốc gia truyền, họ đã cứu sống nhiều người thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Tuy nhiên, cũng có những người mượn danh thầy thuốc để trục lợi rồi rao giảng cách chữa bệnh thành công cho bệnh nhân. Thậm chí, có những người dù đã được trang bị kiến thức sơ đẳng về y tế để sơ, cấp cứu ban đầu nhưng cũng “làm liều” điều trị cho người bệnh một cách quá đà, dẫn đến hậu quả chết người.
 
Ông Hồ Văn Trường bị tử vong sau khi được một dược sĩ ở Quỳnh Lưu tiêm thuốc
Ông Hồ Văn Trường bị tử vong sau khi được một dược sĩ ở Quỳnh Lưu tiêm thuốc
 
Điển hình như vụ dược sĩ trung học Nguyễn Đình Vinh trú tại xóm 6, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu), chỉ được Sở Y tế cấp phép hành nghề bán thuốc tây nhưng vị này lại tự tiêm thuốc cho bệnh nhân. Cụ thể, vào ngày 3/4/2014, ông Hồ Văn Trường (SN 1966) bị bệnh hen suyễn, ho và tức ngực nên đến nhờ ông Vinh tiêm thuốc. Sau khi được ông Vinh tiêm thuốc vào người, khoảng 1 tiếng sau thì ông Trường có biểu hiện co giật, mặt mày tím tái rồi tử vong. Nguyên nhân cái chết được cho là ông Vinh không có chứng chỉ hành nghề tiêm thuốc cho người bệnh nên không có kiến thức trong việc xử lý tình huống sốc thuốc, phản ứng phụ do thuốc gây ra.
 
Hay như trường hợp thiếu nữ Nguyễn Thị Hồng Ngọc ở khối Yên Giang, phường Vinh Tân (TP Vinh) tử vong vào ngày 8/9/2014 vừa qua cũng là nạn nhân của “lang băm vườn” gây ra mà Báo Công an Nghệ An đã phản ánh. Chỉ vì tin tưởng vào lời vị “lang băm” này, khi có triệu chứng cảm cúm, sốt, gia đình đã đưa Ngọc vào nhà bà Trần Thị Tâm ở cùng khối để truyền dịch trong 9 ngày liền, dẫn đến biến chứng. Khi “lang băm vườn” buông xuôi, gia đình đưa Ngọc đến bệnh viện cấp cứu thì nội tạng đã bị hoại tử, gây tử vong ngay sau đó.
 
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp người dân bị tử vong do tin tưởng vào “lang băm vườn” trong thời gian qua. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, người dân ít được tuyên truyền về cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mình, khi có bệnh chỉ biết phó mặc cho “lang băm vườn” nơi mình sinh sống. Khi các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, kiểm tra thì những vị thầy thuốc này hành nghề không giấy phép, trái với chuyên môn nghề nghiệp.
 
Y sĩ Hồ Văn Tuyển, Trưởng trạm Y tế xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) trao đổi: “Hiện nay, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, điều trị ban đầu đã được Nhà nước đầu tư theo tiêu chuẩn nhất định. Hầu hết các địa phương đều có trạm y tế cấp xã để khám, chữa bệnh cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do tâm lý ngại đi xa, quen với việc lấy thuốc điều trị tại các cơ sở “chui” nên hậu quả không thể lường trước được. Khi người dân đến cấp cứu tại trạm y tế xã, chúng tôi rất khó để xác định họ đã được “lang băm” điều trị bằng phác đồ như thế nào mà chẩn đoán. Thực tế, có những trường hợp họ được “thầy thuốc chui” điều trị gây ra biến chứng nặng rồi mới đến cơ sở y tế để cấp cứu. Những trường hợp này rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời”.
 
Cũng theo y sĩ Tuyển, công tác tuyên truyền cho người dân hướng đến những cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, đầy đủ máy móc, chuyên môn như hiện nay là rất cần thiết. Hơn bao giờ hết, người dân cần được “khơi thông” sự mông muội của mình khi đặt số mệnh con người vào những cơ sở khám chữa bệnh không hợp pháp.
 
 
Thiết nghĩ, với sự “nở rộ” các cơ sở khám chữa bệnh “chui”, không có giấy phép hành nghề như hiện nay, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thì công tác thanh, kiểm tra, xử lý cần thường xuyên hơn nữa. Ngoài ra, công tác nâng cao trách nhiệm quản lý, phát hiện, ngăn cấm của các cấp có thẩm quyền đối với cơ sở khám chữa bệnh trái phép, “lang băm vườn” cần triệt để, có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
 

Ngọc Thái

Các tin khác