Kể từ cuối năm 2013 đến nay, thay cho các loại quảng cáo khoan cắt bê tông, thông bồn cầu bể phốt, các gốc cây, bờ tường chi chít các loại quảng cáo cho vay không thế chấp, vay tín chấp, thủ tục nhanh gọn trong 24 giờ, giấy tờ thủ tục chỉ cần pho to...
Lạ một điều, các loại quảng cáo này tôi thấy có mặt khắp nơi, không chỉ thành phố mà ngay các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng có. Vừa rồi theo chân một đoàn dự án của một tổ chức NGO của Đan Mạch sang một cù lao giữa sông Tiền, ông chuyên gia dự án thấy một tờ quảng cáo cho vay tín chấp dán gốc cây dừa mà ông tròn mắt ngạc nhiên: Tại sao ngân hàng Việt Nam làm ăn tốt quá thế này mà dân vẫn nghèo? Tôi cũng lắc đầu, không biết nói thế nào. Không lẽ lại nói với ông, chính những hoạt động cho vay tín chấp này đang làm nghèo nông dân…
Đúng là như vậy, những tờ quảng cáo cho vay tín chấp với những điều kiện không thể dễ dàng hơn. Cho vay tới 300 triệu đồng, dài hạn tới 36-48 tháng, lãi suất cố định 1,5 %, thủ tục nhanh gọn, nhận tiền sau 24 giờ... không chỉ được dán khắp nơi, mà những người đi rải tờ rơi còn dúi vào tay mỗi người ở tất cả những ngã tư có đèn đỏ, nhét vào khe cửa, ném vào cổng...Chị Nguyễn Thị Bích, nhân viên một công ty may ở quận Bình Tân, có con nhỏ ốm. Cho con đi bệnh viện, tiền lương chưa đến kỳ, thấy cái quảng cao dúi vào tay ở ngã tư chị tìm đến cái chị xưng là chuyên viên tín dụng vay 12 triệu đồng, hẹn 6 tháng trả hết.
Ảnh minh họa |
Cần tiền gấp, chị cũng không xem kỹ hợp đồng. Sau khi biết nhà trọ, biết công ty chị làm, đúng là chỉ sau 1 ngày, có người đưa vào tận bệnh viện cho chị 9,620 triệu đồng. Đó là số tiền đã trừ lãi và gốc tháng đầu. Từ lúc đó, chị phải trả mỗi tháng 2,18 triệu đồng đến hết 6 tháng. Sau khi con khỏi ốm rồi, nghĩ đến số tiền phải trả, chị mới giật mình. Trả góp với lãi cố định 1,5% cho tất cả số tiền vay, thì lãi suất thật lên tới 6% tháng, và như vậy là 72%/năm. Khủng khiếp. Nhưng khủng khiếp hơn là đầu mỗi tháng, nhân viên thu nợ có mặt tại nhà và chị không thể khất nợ dẫu chỉ một ngày. Bởi không phải chỉ có các công ty tài chính mới cho vay tín chấp. Dưới áp lực kinh doanh tiền, có ba địa chỉ cho vay tín chấp hiện nay: ngoài các công ty tài chính còn có các tiệm cầm đồ và tín dụng đen.
Vay tín chấp của tín dụng đen
Mặc dù trong giấy quảng cáo ghi rõ gặp anh A, anh B gì đó là chuyên viên tín dụng, nhưng khi gọi điện thoại, vị chuyên viên đến nhà gặp người có nhu cầu vay lại là một thanh niên xăm trổ đầy người. Anh ta chỉ nhìn quanh nhà trọ, xem giấy tờ, xem thẻ ra vào công ty là có thể đưa ngay ra số tiền có thể cho vay. Thủ tục giản đơn, ký vào giấy vay cho mục đích kinh doanh, cam kết trả đúng hạn. Vậy là đủ. Lãi suất vay 3% tháng, trả góp tiền lãi cũng chỉ phải trả 3% cho dư nợ. Rất đơn giản, quá đơn giản. Lãi suất 3% tháng, thành ra 36%/năm. Kinh khủng, nhưng không kinh khủng bằng lúc người vay không trả đúng hẹn.
Với đồng lương mỗi tháng vài triệu, còn phải nuôi cả gia đình với nhiều bất trắc, không trả kịp cũng là bình thường. Khởi đầu là phương tiện đi làm bị thu với giá thanh lý rẻ mạt, và sau đó nữa là nắm đấm là dao và mã tấu. Nhiều công nhân ở các nhà máy xí nghiệp đổ máu chỉ vì vài triệu tiền nợ. Khổ là trong giấy vay, anh ghi là vay cho mục đích kinh doanh mà có kinh doanh gì đâu. Vậy là lừa đảo. Lại còn quá hạn, anh đã ghi rõ nếu không trả đúng hạn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thôi một sự nhịn, chín sự lành, nhiều công nhân ăn đòn vẫn cố vay mượn để trả cho đúng đủ.
Hầu hết những người làm tín dụng đen đều là người có tài sản, họ thế chấp vay ngân hàng với lãi suất 12-14% về cho vay lại với lãi suất 36%. Không nghề nào có thu nhập cao bằng nghề này. Tuy nhiên, với nghề này cần phải có năng lực, năng lực đòi nợ. Mỗi người làm tín dụng đen phải nuôi một số côn đồ máu lạnh, bất cận nhân tình, sẵn sàng đòi nợ bằng mọi cách, kể cả xiết nợ bằng tài sản, đánh đập hành hạ con nợ. Qua nhiều vụ án hình sự xảy ra quanh các dịch vụ tín dụng đen. Đã có nhiều án mạng, có vụ án mạng chỉ do vài trăm ngàn đồng tiền nợ.
Chính vì vậy, lời khuyên của chúng tôi với những người có nhu cầu vay tiền là cần tránh xa những dịch vụ tín dụng đen này. Dấu hiệu của dịch vụ tín dụng đen là hợp đồng vay tiền là các nhân ký với cá nhân, không có tên công ty tài chính, ngân hàng. Mục đích vay không ghi rõ ràng và quan trọng nhất là các dịch vụ này thường được ký ở nhà riêng. Khi thu nợ, những người thu nợ không phát hành hóa đơn.
Vay tín chấp tại các tiệm cầm đồ
Khi nhu cầu vay xã hội giảm xuống, các tiệm cầm đồ cũng tham gia cho vay tín chấp. Không cần tài sản, chỉ cần có chứng minh thư, giấy chủ quyền xe, hoặc bất kỳ một giấy chứng minh quyền sở hữu nào bạn cũng có thể vay tín chấp tại các tiệm cầm đồ có mở dịch vụ cho vay tín chấp. Anh Nguyễn Văn Bắc nhà ở đường Hoàng Sa ( Q.3, TP Hồ Chí Minh)muốn mời bạn gái đi chơi Mũi Né cuối tuần. Sát đến ngày đi vẫn chưa kiếm được tiền. Xem quảng cáo gốc cây, anh gọi điện xin gặp chuyên viên tín dụng. Một cô gái với giọng ngọt ngào gặp anh trên điện thoại.
Cô ta mời anh đến cơ sở. Thật là bất ngờ, cơ sở cho vay tín chấp là một tiệm cầm đồ, nằm trên đường 3-2, gần nhà anh. Ngạc nhiên, anh gọi điện lại, cô gái động viên, đúng là cho vay tín chấp. Vào gặp cô gái, anh thú thật, cần vay tiền mà không muốn cho gia đình biết. Cô gái đồng ý ngay. Cô ngắm chiếc xe máy của anh, hỏi giấy tờ xe, chứng minh thư. Sau đó cô ra điều kiện: Không cần cầm cố gì cả, cô sẵn sàng cho anh vay 15 triệu, lãi suất 3%/ tháng, trả một lần vào cuối tháng, chỉ cần anh viết cái giấy bán xe cho người nhà cô ta, trong giấy bán xe ghi rõ, có quyền chuộc lại sau 30 ngày. Giấy xe, chứng minh thư cô chỉ giữ bản pho to.
Dễ dàng quá, ngon lành quá. Anh cũng đồng ý luôn. Và sau một chuyến đưa người nhà anh về thăm nhà, anh quay lại cửa hàng nhận 15 triệu. Không phải cầm cố gì. Không may cho anh, sau 30 ngày, anh chưa thu xếp được tiền trả. Cô gái gọi điện mời anh đến. Anh xin khất, cô gái đồng ý cho anh khất thêm 10 ngày nữa. 10 ngày sau, khi anh chưa kịp đến khất nợ, hai thanh niên đã đứng đợi anh trước của nhà. Họ mời anh đi uống nước, và cũng rất lễ phép mượn anh giấy xe để đối chiếu số xe. Cầm giấy xe, họ lạnh lùng chìa giấy bán xe và đề nghị anh đi xe ôm về nhà. Chiếc xe mua gần 30 triệu mất trắng.
Lời khuyên của chúng tôi là không nên vay thế chấp bằng giấy bán không tài sản. Đó là những chiếc bẫy để lấy không tài sản của người vay tiền. Xin lưu ý, vay tiền viets giấy vay tiền, bán tài sản viết giấy bán tài sản, không lẫn lộn mục đích.
Vay tín chấp tại các công ty tài chính
Hiện nay, chủ yếu trên thị trường là vay tín chấp tại các công ty tài chính. Việc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng không thế chấp là hoạt động cho vay hợp pháp. Người vay tiền cũng như cho vay tiền được pháp luật bảo vệ. hợp đồng vay tiền được lập theo mẫu của Ngân hàng Nhà nước quy định. Điểm chung của vay tín chấp là người vay đáp ứng được các yếu tố: Có chứng minh thư nhân dân; chứng minh thu nhập có xác nhận của ngân hàng hoặc đơn vị trả lương; Hóa đơn tiền điện, nước; Bản ký kết vay với công ty tài chính về mức lãi suất cũng như các điều khoản khác là có thể nhận được tiền trong vòng 24h.
Tuy nhiên vay tín chấp tại các công ty tài chính, quan trọng nhất là vấn đề lãi suất. Trước đây có quy định không được cho vay quá 150% lãi suất trần của ngân hàng, tuy nhiên hiện nay do áp dụng các điều khoản của Luật các Tổ chức tín dụng, lãi suất được thả nổi, tùy điều kiện đảm bảo. Chính vì vậy, lãi suất cho vay tín chấp hiện nay thường từ 30% tới 70%/năm. Vì vậy, người đi vay tín chấp cần suy xét kỹ trước khi ký hợp đồng.
Thông thường, lãi suất cho vay tín chấp sẽ cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay có tài sản thế chấp, bởi rủi ro từ vay tín chấp cao hơn vay thế chấp. Có 2 cách tính lãi suất vay tín chấp và tùy theo mỗi công ty tài chính sẽ đưa ra cách tính như thế nào. Đó là lãi suất cố định ban đầu tính trên tổng số dư nợ gốc ban đầu khách hàng vay và tính cố định hàng tháng đến khi hết hợp đồng. Ví dụ, bạn vay 200 triệu đồng với lãi suất cố định là 24%/năm thì tiền lãi phải trả cho công ty tài chính cố định là 4 triệu đồng/tháng. Nếu thời gian vay là 24 tháng thì số tiền gốc phải trả cho công ty tài chính là 8,33 triệu đồng/tháng cộng thêm lãi suất 4 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng số tiền người vay phải trả sau 2 năm vay là 200 triệu đồng (tiền vay gốc) + 96 triệu đồng (lãi vay) = 296 triệu đồng.
Nếu công ty tài chính tính lãi suất theo dư nợ giảm dần thì lãi suất phải trả sẽ giảm tương ứng với số tiền gốc còn nợ. Trên thực tế, dù chọn cách nào thì công ty tài chính cũng sẽ tính 2 mức lãi suất này tương đương với nhau, nên tổng số tiền người vay phải trả cũng tương đương nhau. Tuy nhiên, nắm rõ và lựa chọn cách tính giúp người vay chủ động hơn trong việc trả nợ phù hợp với thu nhập hàng tháng của mình.
Tuy nhiên, ngoài việc tìm hiểu kỹ về lãi suất và cách tính cho vay tín chấp của các công ty tài chính, người vay cũng nên đọc kỹ hợp đồng với những điều khoản chi tiết khác như mức phạt trả nợ trễ hạn, phí thanh toán trước hạn hay điều kiện làm mới hợp đồng… Thời gian cho vay tín chấp thông thường từ 12 – 60 tháng, tùy theo người vay và khoản vay. Theo quy định chung, mức phí trả nợ trễ hạn của các công ty tài chính đều tính bằng 150% lãi suất vay vốn với khoản tiền trả chậm. Riêng mức phí trả trước hạn thông thường từ 2 – 5%/số tiền nợ gốc còn lại.
Một chuyên gia tài chính khuyến cáo nếu quá ham hố những điều kiện vay vốn dễ dãi này, nhiều người dân có thể rơi vào “bẫy tài chính” với mức lãi suất quá cao bởi nghĩ rằng kiểu vay này “chẳng mất gì”. Vị chuyên gia này phân tích: “Bình thường có thể cũng không quá cần vay tiền nhưng khi được mời mọc, họ lại nảy sinh những nhu cầu mới. Nhiều người đã vỡ nợ hoặc mất hết lương hàng tháng chỉ để trả lãi và gốc mà không còn tiền sinh hoạt”.
.