Gia đình xã hội
Trẻ bị bạo hành: Cảnh báo sự xuống cấp đạo đức xã hội
08:20, 22/09/2014 (GMT+7)
Dư luận xã hội đang rất bức xúc với vụ việc bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) ở Bình Dương bị cha dượng và mẹ hành hạ, đánh đập dã man. Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ bị chính người thân trong gia đình bạo hành.
Trao đổi với Trang tin điện tử Tiếng Chuông về vấn đề này, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (VAPCR) cho rằng, đây là một thực trạng đáng báo động về đạo đức xã hội xuống cấp.
Bà Ninh Thị Hồng. Ảnh Nhật Thy |
Báo động sự xuống cấp đạo đức xã hội
Theo bà Ninh Thị Hồng, từ xưa tới nay trẻ em luôn là đối tượng được người thân trong gia đình yêu thương chăm sóc nhất, nếu có bị xâm hại thì cũng do người ngoài chứ không phải là những người thân thích. Việc gần đây có nhiều trẻ bị người thân trong gia đình bạo hành cảnh báo thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp. Những áp lực xã hội như không hoàn thành công việc, nợ nần khiến một số ông bố, bà mẹ dồn những bực tức vào đứa trẻ. Trẻ em trở thành nạn nhân của người lớn, thậm chí là của chính người thân trong gia đình mình.
“Một bộ phận các gia đình còn trẻ, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận hoà, khi có vấn đề nảy sinh thì họ rất tiêu cực trong xử lý, nhìn nhận đứa trẻ như nguyên dân dẫn đến đổ vỡ để rồi làm những việc không hay với trẻ, chứ họ không nghĩ rằng đứa trẻ là tình yêu thương của hai người đúc kết lại, cần phải chăm sóc nuôi dưỡng”, bà Ninh Thị Hồng nói.
Trước việc bé Đỗ Thị Kim Ngân bị mẹ và cha dượng bạo hành, bà Ninh Thị Hồng cho hay, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có công văn gửi công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bày tỏ quan điểm phản đối hành vi xâm hại nghiêm trọng quyền trẻ em xảy ra tại địa phương này, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cần vào cuộc để làm rõ vụ việc.
Bé Ngân đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Bình Dương |
Bên cạnh việc đề nghị xử lý cha mẹ cháu bé về mặt hình sự, Hội cũng kiến nghị xử lý nghiêm về mặt dân sự theo Luật Hôn nhân gia đình. Hội đề nghị cơ quan chức năng về bảo vệ trẻ em ở địa phương thậm chí phải đưa ra tòa để hạn chế quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của đôi vợ chồng hờ này, không thể tiếp tục giao cháu bé cho họ chăm sóc để bảo vệ tính mạng của cháu bé. Có thể giao cháu cho những người thân khác đủ đạo đức, như bố đẻ của cháu chăm sóc.
“Với một cháu bé 4 tuổi đang ngỡ ngàng với cuộc sống mà lại bị bạo hành thì tâm sinh lý của cháu sẽ phát triển không bình thường. Về tâm lý, cháu lúc nào cũng nơm nớp nghĩ tới cảnh mình bị hành hạ mà không rõ nguyên nhân tại đâu, mình làm gì sai mà bị đối xử như vậy. Trẻ em là đối tượng đang lớn, đang phát triển mà bị hành hạ thì sẽ phát triển không được trọn vẹn như những đứa trẻ sống trong tình yêu thương của gia đình. Để giúp cháu ổn định tâm lý, rất cần sự yêu thương, chở che của những người thân và xã hội”, bà Ninh Thị Hồng chia sẻ.
Bảo vệ trẻ khỏi các hình thức bạo hành
Một trong những nguyên nhân khiến xảy ra nhiều việc trẻ bị bạo hành, theo bà Ninh Thị Hồng, đó là việc số cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn còn đang thiếu và yếu nên nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành chưa được phát hiện kịp thời.
Để bảo vệ trẻ khỏi các hình thức bạo hành, theo bà Ninh Thị Hồng, trước hết cần phải có những biện pháp tầm vĩ mô. Chính phủ phải quan tâm hơn nữa đến công tác này, phải xây dựng được một bộ máy quản lý nhà nước đủ mạnh, đội ngũ công chức nhiệt huyết và có trách nhiệm để nắm được thông tin. Chính phủ cũng phải có chính sách để các tổ chức xã hội tham gia và có cơ chế cho các tổ chức này hoạt động, có đội ngũ hội viên từ cộng đồng, giám sát cùng nhà nước bảo vệ trẻ em.
Cơ quan truyền thông đại chúng cũng phải dành thời lượng nhất định truyền thông về công tác bảo vệ trẻ em. Truyền thông những gương người tốt, lên án mạnh mẽ, ngăn ngừa chứ không phải xảy ra rồi mới giải quyết.
Bên cạnh đó, những khu di dân tự do nhiều ở TPHCM, Bình Dương, chính quyền sở tại, công an xã phường phải nắm được và giám sát số công dân di cư để phát hiện các vụ việc nhanh chóng, kịp thời.
Quan trọng nhất, theo bà Ninh Thị Hồng cần phải giáo dục một bộ phận gia đình trẻ về đạo đức xã hội, về trách nhiệm và tình yêu thương trong gia đình. Có như vậy, trẻ mới không bị bạo hành trong chính gia đình mình.
Nguồn: Chinhphu.vn/tiengchuong.vn