Gia đình xã hội
Để ngư dân hiểu sâu sắc pháp luật về biển đảo
08:33, 21/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Được thiên nhiên ưu đãi với vùng biển giàu tiềm năng, Nghệ An có thế mạnh về khai thác hải sản. Với những đặc thù của nghề biển, đặc biệt là trong tình hình biển Đông đang "nóng” lên, ngư dân cần được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản về biển đảo. Qua đó giúp ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, làm chủ lãnh hải trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khai thác hải sản được xem là một trong những thế mạnh kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.200 tàu, thuyền đánh cá, trong đó, tàu công suất hơn 90 CV trở lên là 1.150 chiếc, chuyên đánh bắt ngoài khơi xa. Các địa phương có số lượng phương tiện đánh lớn như: Huyện Quỳnh Lưu với 1.123 tàu, thuyền, trong đó 786 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất từ 20 CV trở lên; huyện Diễn Châu có đội tàu, thuyền trên 1.400 chiếc với hơn 100 chiếc có công suất từ 90 CV - 600 CV, tập trung tại 2 xã Diễn Ngọc và Diễn Bích; TX Cửa Lò có trên 300 phương tiện đánh bắt trên biển, trong lộng và ngoài khơi.
Có thể thấy, tại Nghệ An, nghề đi biển mang bản sắc truyền thống như một nghề cha truyền con nối của ngư dân từ bao đời nay. Khai thác, đánh bắt hải sản đã từng bước đem lại thu nhập kinh tế ổn định và bền vững cho bà con ngư dân vùng biển, giải quyết việc làm trực tiếp cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/tháng, giúp ngư dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu.
Mặc dù số lượng lớn người và phương tiện thường xuyên hoạt động đánh bắt trên các vùng biển xa nhưng có một thực trạng tồn tại là lâu nay, bà con ngư dân chưa chú trọng trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Luật Biển. Với họ, hành trang mang theo mỗi chuyến vươn khơi chỉ có lưới phục vụ công việc đánh bắt, dụng cụ ướp lạnh để bảo quản hải sản, một số lương thực cần thiết và thuốc chữa bệnh thông thường.
Tăng cường phổ biến pháp luật về biển đảo để ngư dân yên tâm khi hoạt động trên biển, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc |
Ông Nguyễn Văn Hùng, một ngư dân có thâm niên đi biển tại TX Cửa Lò cho biết: “Tôi có thể biết vùng biển nào có loại cá gì, đánh bắt vào thời gian nào sẽ cho thu hoạch tốt nhất, nhưng việc xác định các vùng biển theo quy định của Luật Biển thì chưa hiểu biết nhiều lắm. Và thực tế, bà con ngư dân chúng tôi thường chỉ quan tâm làm thế nào để nâng cao sản lượng đánh bắt, thu về được nhiều cá, tôm, mực sau mỗi chuyến ra khơi”. Khi được hỏi về các văn bản pháp luật về biển đảo như: Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia, Luật Thủy sản..., rất nhiều ngư dân tỏ vẻ ngơ ngác như lần đầu tiên được nghe.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao ngư dân thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật về biển đảo thì được biết, bà con quanh năm lăn lộn với sóng gió và những chuyến ra khơi vào lộng, ít có thời gian để đọc sách báo, cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển đảo. Chính hạn chế này đã dẫn đến tình trạng ngư dân tỏ ra hời hợt với các vấn đề liên quan đến pháp luật về biển đảo. Hiện nay, trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, hơn bao giờ hết, mỗi ngư dân cần phải nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật để đấu tranh với các thế lực tranh chấp chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù các ngành chức năng đã tích cực quan tâm hoạt động tuyên truyền pháp luật, đồng thời cấp phát một số tài liệu cần thiết về Luật Biển để ngư dân nghiên cứu, tìm hiểu nhưng họ vẫn không mấy mặn mà.
Từ thực trạng trên, để công tác tuyên truyền pháp luật về biển đảo có hiệu quả, các ngành chức năng cần phối hợp với địa phương tăng cường tổ chức các khoá tập huấn liên quan đến tình hình biển đảo cho ngư dân trong thời gian tới. Đặc biệt, hình thức tuyên truyền phải được thay đổi linh hoạt, kịp thời và phù hợp từng giai đoạn, thời điểm. Cùng với việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngư dân cũng cần được trang bị các kiến thức về nguyên tắc phát triển kinh tế biển; khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển.
Theo phân tích của các luật gia: Khi mọi ngư dân đều nắm vững hệ thống pháp luật về biển đảo, bà con sẽ có cơ sở pháp lý để đấu tranh chống lại những âm mưu lấn chiếm, các luận điệu xuyên tạc về biển đảo của kẻ thù. Điều quan trọng nữa là khi xảy ra sự cố, tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm trên biển cần sự cứu giúp thì ngư dân biết cách xử lý như việc phát tín hiệu cấp cứu và liên hệ kịp thời với các đội cứu hộ quốc tế, nhà chức trách của quốc gia có biển gần nhất, thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam và các cơ quan chức năng để được giúp đỡ kịp thời.
Như vậy, chỉ khi được trang bị kiến thức về biển đảo, bà con ngư dân mới có ý thức tự giác bảo vệ môi trường sinh thái biển, không vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, không sử dụng các loại chất nổ, chất độc hại, xung điện để đánh bắt trên biển. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đưa nghề đánh bắt trên biển phát triển theo hướng bền vững, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
L.H