Gia đình xã hội

Báo động tình trạng 'xẻ' đất nông nghiệp làm nhà ở trái phép

08:14, 20/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Nằm trên tuyến Quốc lộ 7A, gần trung tâm huyện xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp rất nhiều, con sông Lam chảy qua xã cung cấp nước cho những thửa đất hoa màu quanh năm xanh tốt. Nhưng hiện nay, người dân lại biến đất xã giao để sản xuất hoa màu sang xây nhà ở trái phép một cách công khai. Có đến hàng chục ngôi nhà được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý. Theo quan sát, 2 ha đất nông nghiệp trồng hoa màu ở khu vực thôn Tiến Thành, xã Chi Khê đang mọc lên hàng chục ngôi nhà kiên cố. Thậm chí, một số hộ dân vẫn đang tiếp tục tiến hành xây dựng nhà ở.
 
Nói về tình hình xây dựng nhà ở trái phép trên địa bàn, cán bộ địa chính xã Chi Khê thừa nhận: Việc xử lý vi phạm ở địa phương hiện đang bị quá tải vì nhà dân cứ “mọc” lên ồ ạt như nấm sau mưa. Nhiều hộ sau khi nhận quyết định xử phạt vẫn tranh thủ xây dựng vào ban đêm, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Theo báo cáo của UBND xã Chi Khê, các trường hợp vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, không phù hợp với quy hoạch, địa phương đều có biên bản xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đa số các trường hợp chỉ nộp phạt chứ chưa khắc phục trả lại hiện trạng đất.
 
Thực trạng đất nông nghiệp “biến” thành nhà ở một phần do nhu cầu về chỗ ở của người dân, nhưng cái chính là mảnh đất hoa màu toàn nằm sát quốc lộ. Có một cơ ngơi ở đó, chỉ mở ki-ốt tạp hoá buôn bán lặt vặt cũng đủ sống. Cái lợi thì ai cũng nhìn thấy, nhưng người dân dù nhận thức hạn chế đến đâu cũng đều biết đất hoa màu không được làm nhà ở. Hơn nữa, khi bỏ ra vài trăm triệu đồng để xây một ngôi nhà, họ cũng phải đắn đo suy nghĩ, nên không thể nhẹ tay bỏ tiền ra xây mà không biết có được ở hay không.
 
Hàng chục ngôi nhà kiên cố vẫn ngang nhiên mọc lên trên đất nông nghiệp mà không bị xử lý
Hàng chục ngôi nhà kiên cố vẫn ngang nhiên mọc lên trên đất nông nghiệp mà không bị xử lý
 
Ông H., một người dân thôn Tiến Thành cho biết: “Người khác xây được thì chúng tôi xây thôi. Nếu có phá dỡ thì phá các nhà khác trước. Mấu chốt của vấn đề là người dân nhìn nhau, hộ này xây được không bị chính quyền tháo dỡ thì mình làm cũng không sao”. Chính vì một vài hộ dân biến đất nông nghiệp thành nhà ở không bị xử lý, nên các hộ khác được đà làm theo, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát như hiện nay. Người dân bất chấp quy định của pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lộc Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Chi khê thừa nhận tình trạng vi phạm quy định về quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại địa phương. Sự việc đã diễn ra từ nhiều năm trước và rộ lên trong mấy năm gần đây. Trước đây, xã có xử lý nhưng người dân vẫn không chấp hành. Trong thời gian tới, xã sẽ ngăn chặn không để phát sinh các vụ vi phạm mới.
 
Khi chúng tôi hỏi: “Vì sao chính quyền xã không kịp thời ngăn chặn việc người dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp ngay khi họ mới khởi công? Để họ xây nhà kiên cố rồi thì phục hồi nguyên trạng bằng cách nào?”. Ông Hợi cho rằng, vì dân thường xây vào ban đêm nên khó phát hiện, ngăn chặn. Lý giải này không thuyết phục, bởi một công trình phải xây dựng hàng tháng mới xong nên không thế nói là xây trộm trong ngày một ngày hai có thể xong. Bằng chứng hiện nay, có một hộ đang xây dựng vào ban ngày cũng không bị ngăn chặn.
 
Những ngôi nhà xây dựng trái phép trên diện tích đất nông nghiệp cách UBND xã Chi Khê không xa, nằm dọc Quốc lộ 7A  thì không thể nói là chính quyền không biết. Chỉ có thể lý giải rằng, vì sự thờ ơ, bỏ mặc, buông lỏng quản lý, thậm chí là “bật đèn xanh” nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn, nhức nhối trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng như hiện nay.
 

Trường Khuyên

Các tin khác