(Congannghean.vn)-Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhi bị dị ứng thuốc dạng hiếm gặp từ trước đến nay. Bệnh nhân là cháu Nguyễn Thị K.T. (SN 2002) trú tại huyện Quỳ Hợp, được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện ngày 30/8 trong tình trạng nguy kịch, toàn thân nổi bọng nước, cơ thể phồng rộp, sốt cao li bì, tinh thần bị hoảng loạn.
Theo người nhà của bệnh nhân, trưa 27/8, cháu K.T. có biểu hiện đau mắt, chảy nhiều nước mắt. Gia đình đã đưa cháu đến Trạm Y tế xã khám và được chẩn đoán bị sốt phát ban. Sau khi uống thuốc hạ sốt, tình trạng của cháu K.T. không thuyên giảm, xung quanh miệng nổi nhiều nốt mẩn đỏ. Các vết này nhanh chóng lan rộng ra cả vùng mặt, bụng, ngực, cổ và tay nên gia đình chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Hợp để điều trị.
Tại đây, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị bệnh thủy đậu. Lúc này, các vết phồng rộp đã lan nhanh toàn bộ cơ thể khiến bệnh nhân đau rát, khó chịu. Tình trạng của cháu K.T. có nhiều chuyển biến xấu hơn nên gia đình đã chuyển cháu lên Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ngày 30/8, Khoa Lây - Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, các vết bọng nước phồng rộp xuất hiện dày đặc, nhất là ở quanh miệng khiến miệng chảy mủ, mắt không mở được. Mặt của bệnh nhân gần như bị biến dạng khiến cháu bé và gia đình hết sức hoảng loạn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây - Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Sau khi khám bệnh và căn cứ các biểu hiện của bệnh nhân, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng Liell do dị ứng thuốc. Hội chứng Liell là bệnh ly thượng bì hoại tử. Bệnh này thường xuất hiện trước tiên ở niêm mạc, nhất là niêm mạc mắt, mũi, miệng, gây tổn thương da khiến cơ thể người bệnh xuất hiện những ban đỏ, bọng nước như bị bỏng.
Bệnh nhân K.T. đã qua cơn nguy kịch và đang dần hồi phục |
Khả năng bệnh nhân bị mắc bệnh do dị ứng thuốc nên chúng tôi đã chỉ định chuyển cháu lên tuyến trên. Tuy nhiên, diện tích các vết bỏng rất lớn, phồng rộp dày đặc nên nếu di chuyển đường xa sẽ ảnh hưởng xấu đến tính mạng bởi đây là một trường hợp dị ứng thuốc hiếm gặp, nguy cơ tử vong rất cao. Nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây tổn thương tim, thận, việc điều trị rất khó khăn và ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ”.
Nhận định bệnh nhân sẽ có những chuyển biến xấu, các bác sĩ Khoa Lây - Truyền nhiễm quyết định để bệnh nhân ở lại, tập trung cứu chữa, hồi sức tích cực, cho truyền dịch, kháng sinh chống dị ứng và phối hợp với Khoa Bỏng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân. Sau 10 ngày chữa trị tích cực, đến nay, các vết bỏng trên người bệnh nhân đã xẹp bớt, các vết thương bị vỡ bắt đầu se lại, tâm lý bệnh nhân dần ổn định và tỉnh táo khi tiếp xúc với mọi người. Hiện nay, cháu K.T. đã bắt đầu ăn được cháo.
Sáng 10/9, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Lây - Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân K.T. đã qua cơn nguy kịch và đang hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa xác định được bệnh nhân bị dị ứng thuốc gì. Qua trường hợp này, bác sĩ Sơn cũng khuyến cáo mọi người không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Các trường hợp dùng thuốc có các biểu hiện ngứa, nổi ban hay những biểu hiện bất thường khác cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời, nhất là đối với trẻ em và những người có tiền sử dị ứng.
.