Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201409/cu-nhan-lam-giau-tu-ga-va-bo-cau-531303/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201409/cu-nhan-lam-giau-tu-ga-va-bo-cau-531303/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cử nhân làm giàu từ gà và bồ câu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 11/09/2014, 09:38 [GMT+7]

Cử nhân làm giàu từ gà và bồ câu

(Congannghean.vn)-Sinh năm 1989 nhưng Trần Thanh Sơn trú tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, hiện là chủ của ba trang trại nuôi gà và bồ câu với thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tốt nghiệp ngành Quản lý nhân sự, ĐH Khoa học Thái Nguyên nhưng Sơn từ bỏ công việc tốt tại một công ty nước ngoài để về quê tìm kiếm cơ hội làm giàu. Không ai nghĩ rằng, tại một vùng quê nghèo như Bài Sơn lại có mô hình trang trại lớn như vậy, trong khi chủ nhân của nó là chàng thanh niên mới 26 tuổi. Tấm gương vươn lên làm giàu cùng mô hình trang trại nuôi gà, bồ câu của anh trở thành một điển hình cho nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận học tập.

Sơn cho biết, cơ duyên đưa anh đến với ý định nuôi bồ câu và gà đồi là khi đang còn sinh viên. Trong những lần đi thực tế tại các trang trại ở Bắc Ninh, Bắc Giang, thấy mô hình nuôi chim bồ câu đạt giá trị kinh tế cao, lại không cần nhiều vốn. Hơn nữa, ở quê có nhiều diện tích để mở trang trại nên Sơn bắt đầu tìm hiểu mô hình này và ấp ủ dự định sau khi tốt nghiệp sẽ mở một trang trại nuôi bồ tại chính quê mình.

234
Anh Trần Thanh Sơn bên đàn gà giống của mình

Ra trường, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi bồ câu cũng như những điều kiện địa hình để mở trang trại. Nghĩ là làm, năm 2011, Sơn lặn lội ra các thị trường ở Bắc Ninh, Hà Giang chọn mua 300 cặp bồ câu giống Hà Lan về mở trang trại nuôi “thử” với số vốn ban đầu chỉ 40 triệu đồng.

Sau gần ba tháng  nuôi  thử nghiệm, bồ câu của anh “phất” lên trông thấy. Anh bắt đầu công việc tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, đó là các trường học, nhà hàng, khách sạn. Ban đầu khách hàng còn lạ lẫm với giống bồ câu mới này, nhưng sau đó ngày càng có nhiều hiệu ứng tốt. Đơn đặt hàng từ nhỏ đến lớn vùn vụt tăng, thu nhập hàng tháng của anh cũng được nâng lên từ đó.

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi bồ câu, Sơn mạnh dạn mở rộng nuôi thử nghiệm giống gà đồi và gà cỏ Nghệ An, gà mía Bắc Giang, đều cho hiệu ứng tốt. Vì vậy, anh nhân số lượng con giống lên bằng việc cho ấp trứng và mua thêm con giống. Thị trường tiêu thụ sản phẩm gà và bồ câu của anh ngày càng được mở rộng ra các huyện và nhiều vùng lân cận. Để tăng hiệu quả kinh tế, anh tiếp tục kế hoạch mở rộng quy mô trang trại của mình.

Hiện tại, anh là chủ nhân của ba trang trại nuôi bồ câu và gà đồi, gà cỏ đóng trên địa bàn huyện Đô Lương. Các trang trại của anh không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm cho khách hàng mà còn là nơi cung cấp giống bồ câu, gà và hướng nghiệp kỹ thuật nuôi giống, bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở chăn nuôi trong vùng. “Tất cả quá trình chăm sóc, giống, thức ăn, nước uống, thuốc ngừa dịch bệnh đều được đảm bảo nghiêm ngặt. Các sản phẩm xuất ra phải tạo được niềm tin cho khách hàng thì họ mới tìm đến mình” - Sơn chia sẻ.

Tính đến thời điểm này, Sơn đang sở hữu hơn 8.000 con gà thịt và hơn 2.000 cặp bồ câu giống. Bồ câu với giá 250.000 - 280.000 đồng/cặp, gà cỏ 110.000 - 120.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi tháng anh thu khoảng 30 triệu đồng.

Để có được thành quả như hiện tại, Sơn đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, nhất là thời điểm nói với bố mẹ ý định mở trang trại của mình. Anh tâm sự: “Khi đề xuất ý định này với bố mẹ, ai cũng nhất quyết phản đối vì cho rằng đó là một ý định mạo hiểm trước nay chưa từng ai làm ở địa phương. Nhưng với sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết của mình, cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý”.

Thành công là thế, nhưng để đàn gà và bồ câu luôn được đảm bảo, đặc biệt là những lúc địa phương có dịch bệnh, anh phải túc trực 24/24 giờ bên trang trại của mình. “Những khi trong vùng có dịch bệnh, mình phải trực ngày đêm bên đàn gà và bồ câu. Giờ giấc, tình trạng của chúng mình phải nắm rành rành. Đây không chỉ là công việc mà hơn nữa, đó là một thú vui đã ngấm sâu vào máu thịt mình” - Sơn cho biết.

Hiện tại, các trang trại của anh là nguồn cung ứng giống và thực phẩm cho nhiều đơn vị đóng trên địa bàn, đồng thời là nơi hướng nghiệp cho hàng chục hộ dân trong huyện và các vùng lân cận.

.

Phan Phan

.