Gia đình xã hội
Chuyện từ lá thư đẫm nước mắt của một nữ cựu tù (Bài 2)
Bài 2: Từ cánh cổng trại giam đến “cô giáo” tiểu học
(Congannghean.vn)-Sau khi thụ án trở về, được sự giúp đỡ, kèm cặp và yêu thương của người cha già, Tăng Thị Lan Phương đã quyết tâm đứng dậy từ nơi vấp ngã, đi theo con đường dạy học của đấng sinh thành. 3 tháng sau ngày rời trại giam, Phương đã đứng lớp, dạy kèm cho con em trên địa bàn.
Đến nay, lớp học của Phương có khoảng 30 học sinh với nhiều độ tuổi khác nhau. Số tiền ít ỏi kiếm được, ngoài nuôi con và lo cho bản thân, Phương trích một phần mua quà gửi vào thăm nuôi các phạm nhân trong trại giam để chia sẻ, động viên hướng thiện.
Vết trượt của bà chủ CLB Thẩm mỹ
Tăng Thị Lan Phương là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Bố là Tăng Ngọc Nuôi, kỹ sư kinh tế công tác tại Sở Thủy sản (cũ). Ông Nuôi là một người cha hiếm gặp, mặc dù công tác trong lĩnh vực không liên quan gì đến giáo dục nhưng ông đã tự mày mò, nghiên cứu các phương pháp sư phạm để dạy con.
Thực tế, 3 người con của ông đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong suốt quá trình học tập, trong đó Phương từng được đi dự thi HSG Quốc gia môn Toán, 2 người em cũng liên tục được vinh danh trong suốt quá trình học tập.
Nhưng rồi bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi tổ ấm ấy phải gánh chịu những mất mát không gì bù đắp nổi. Năm 1993, người vợ vĩnh viễn ra đi ở tuổi 41, ông Nuôi một mình “gà trống nuôi con”. Phương bỏ dở việc học hành để phụ cha nuôi em ăn học. Quả ngọt vừa chín tới khi người em kế Phương hoàn thành chương trình thạc sĩ, được nhận vào giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, đang trong thời kỳ bảo vệ luận án tiến sĩ thì đột ngột ra đi sau tai nạn ở Cửa Lò vào năm 2006.
Tác giả trao đổi với bố con ông Tăng Ngọc Nuôi |
Niềm hy vọng cuối cùng dồn vào người con gái út và chị cũng đã không phụ lòng khi trở thành giảng viên chính của Trường ĐH Y khoa Vinh. Những tưởng, nụ cười đã nở trên gương mặt ông Nuôi sau bao bầm dập của số phận thì những bất hạnh trong đời sống riêng tư của đứa con gái đầu vẫn làm ông thêm bạc tóc thời gian. Hai lần đổ vỡ trong hôn nhân, Phương chấp nhận ôm con về sống với bố trong căn hộ nhỏ tại Khu tập thể B3 Việt Đức.
Người phụ nữ chưa qua tuổi 40 ấy với những khao khát bản năng rất đỗi bình thường đã tìm một nửa đời mình, nhưng lần này chị lạc lối. Người tình của Phương, Lê Thanh Hải (SN 1974) trú tại Hà Nội là “ông trùm” sản xuất ma túy đá nổi tiếng tại thành Vinh.
Nấp dưới vỏ bọc một thương nhân xuất khẩu lao động từ trời Âu về, Hải quen biết Nguyễn Đức Chơn (SN 1962), quê Thái Bình, là người chuyên sản xuất ma túy đá nên đã tìm đến đây để học hỏi cách chế biến và sản xuất thứ “hàng trắng” chết người này. Tháng 6/2011, Hải vào TP Vinh, sử dụng chính căn nhà của bố mẹ đẻ ở phường Quang Trung để làm đại bản doanh. “Hàng” làm ra, Hải tuồn ra Hà Nội bán lại cho Chơn tiêu thụ.
Đầu tháng 1/2012, Hải quen Phương, lúc này đang là bà chủ trung tâm khiêu vũ ở số 2, Lê Hồng Phong (TP Vinh). Cả hai nhanh chóng thành một đôi, thuê nhà trọ ở phường Hưng Bình sinh sống. 2 tháng sau, Hải bị bắt. Khám xét nơi ở của Hải, phòng trọ của Phương và nhà của em gái Hải, lực lượng Công an thu giữ 1.300 gam tinh thể màu trắng chứa 464,1 gam methamphetamine, 15 can dung dịch không màu chứa 131 gam tiền chất pseudoephedrine, một số can, lọ đựng tiền chất, hóa chất và các dụng cụ để sản xuất ma túy.
Phiên tòa sau đó tuyên phạt Lê Thanh Hải 18 năm tù giam và Tăng Thị Lan Phương 15 tháng tù, thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Sau thời gian chấp hành án phạt tù, Phương trở về nhà trong vòng tay chào đón của người cha già và đứa con thơ, bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời.
Lớp học của Phương
Người đàn bà này chia sẻ, ngày mới trở về, bản thân suy sụp tinh thần, mất phương hướng. Đã vậy, không ít ánh mắt kỳ thị, nhiều kẻ xấu tìm đến lôi kéo, dụ dỗ chị quay lại con đường bất chính. Để vượt qua chính mình, ban ngày Phương đi làm. Chị làm bất cứ việc gì miễn là không để thời gian chết, từ nấu ăn, cấp dưỡng đến phụ công tại cơ sở làm xúc xích, còn thu nhập không phải là vấn đề chính với bản thân chị lúc này.
Tăng Thị Lan Phương với công việc dạy học của mình |
Sau khoảng 3 tháng, ông Nuôi hướng cho con gái đi theo nghề dạy của mình. Bản thân ông là kỹ sư thủy sản, nhưng suốt mấy chục năm qua đã trở thành thầy giáo thực sự, dạy kèm cho hàng trăm thế hệ học trò. Thời gian đầu, ông Nuôi trả lương cho con gái để dạy học trò của mình.
Sau khi được học trò tin yêu thì thu nhập tính theo sản phẩm, bố con dạy cùng một nhà nhưng rất sòng phẳng. Chia sẻ với tôi, ông Nuôi cho biết, trước khi quyết định để Phương đứng lớp, ông đã nói rất rõ quan điểm cho phụ huynh học sinh biết về chuyện của Phương, nhưng không có ai phản đối.
Tùy theo nhu cầu của học sinh, em nào muốn Phương dạy đều được quyền lựa chọn. Đến nay, lớp học của Phương được mở ngay trong căn hộ tập thể của 2 cha con, với khoảng 30 học sinh, nhiều em trong số đó là con em cán bộ công chức trên địa bàn. Mỗi ngày Phương dạy 3 ca, chủ yếu phụ đạo môn Toán cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5.
Phương chia sẻ: “Hàng tháng, được nhận đồng lương thấm đẫm mồ hôi từ bố, một phần tôi trích lại để báo hiếu, một phần nuôi con, một phần lo cho bản thân, bớt một ít gửi quà cho những anh chị em đang chịu án phạt của pháp luật mà đã từng gắn bó với tôi trong thời gian ở trại. Mỗi lần gửi quà, tôi lại cầu mong mọi người cải tạo tốt và nhanh được trở về đoàn tụ cùng gia đình”.
“Nếu đời người là một con đường thì ắt hẳn đó là con đường nhiều sỏi đá. Tôi từng mơ mộng về những bước chân trên hoa hồng, nhẹ nhàng, êm dịu. Chỉ đến khi vấp ngã, tôi gượng đứng dậy mới hiểu được chân lý cuộc đời” (Tăng Thị Lan Phương).
Thiên Thảo