Gia đình xã hội

Chuyện từ lá thư đẫm nước mắt của một nữ cựu tù (Bài 1)

15:36, 25/09/2014 (GMT+7)
Bài 1: Lá thư đẫm nước mắt viết sau ngày thụ án
 
(Congannghean.vn)-Cuộc đời chị là những chuỗi ngày dài bất hạnh nối tiếp. Dù được sinh ra trong một gia đình gia giáo nhưng hai lần vấp ngã trong hôn nhân khiến chị như con chim sợ cành cong. Song thêm một lần nữa, trái tim đa cảm đã dẫn chị đến lối rẽ định mệnh: Yêu “ông trùm” sản xuất ma túy đá. May mắn, chị có người cha rất mực yêu thương con, tận tâm dẫn lối con trở về sau vấp ngã. Giã từ cánh cửa buồng giam, chị hôm nay đã là “cô giáo” của hàng chục học sinh. Số tiền ít ỏi kiếm được, chị trích lại một phần để thăm nom những người tử tù.
Tăng Thị Lan Phương lúc còn trẻ (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tăng Thị Lan Phương lúc còn trẻ (Ảnh nhân vật cung cấp)
Một ngày đầu tháng 9/2014, Đại úy Nguyễn Công Dung, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an Nghệ An gọi điện cho tôi, kể về trường hợp của nữ cựu tù Tăng Thị Lan Phương (SN 1974) trú tại khối 4, phường Quang Trung, TP Vinh, người từng bị kết án trong vụ án sản xuất ma túy đá nổi tiếng, do “ông trùm” Lê Thanh Hải (SN 1971) trú tại Hà Nội, một kẻ từng đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Séc trở về tổ chức sản xuất và phân phối ngay giữa lòng thành Vinh. Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, Phương và Hải quen biết nhau và trở thành một cặp nhân tình, thuê nhà trọ sống, cũng là nơi để Hải cất giấu ma túy đá. 
 
Quá trình điều tra, Phương chỉ là một nạn nhân song không thể không liên đới trách nhiệm, do vậy thương bị, truy tố trước pháp luật, chịu án 15 tháng tù giam tại Trại tạm giam Công an Nghệ An. 1 năm 3 tháng sống cảnh “cơm tù, áo số”, trong sự yêu thương, bao bọc, giúp đỡ của cán bộ Trại tạm giam và sự thăm nuôi tận tình của bố đẻ - ông Tăng Ngọc Nuôi, Phương đã trả xong án, trở về với xã hội. Đến nay, sau 15 tháng rời khỏi trại giam, đúng bằng thời gian cô thụ án, với nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng, Phương đã trở thành một “cô giáo”.
 
Bằng tất cả tấm lòng biết ơn xuất phát tự đáy lòng mình, Phương đã viết một bức tâm thư kín 4 mặt giấy A4 để bày tỏ nỗi lòng sau những tháng ngày sa ngã. Được sự giới thiệu của Ban Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh và sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin phép được đăng tải nội dung bức thư của “cô giáo” Tăng Thị Lan Phương. Thư viết:
 
Thế là đã hơn một năm kể từ khi tôi bước chân rời khỏi cổng trại tạm giam. Tôi quên sao được khi cánh cửa sắt cổng trại từ từ khép lại,  phía sau như khép lại quá khứ lầm lỗi của mình. Tôi nhìn về phía trước cả một chân trời sáng đầy hứa hẹn. Tôi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày sống trong trại. Mỗi người mang mỗi mức án khác nhau. Chung quy lại, do nôn nóng, không làm chủ được bản thân hoặc khát vọng làm ra đồng tiền phi pháp một cách nhanh chóng.
Bức thư đẫm nước mắt của Tăng Thị Lan Phương
Bức thư đẫm nước mắt của Tăng Thị Lan Phương
Vào trong trại,  mỗi người có hành vi phạm tội khác nhau nhưng đằng sau đó là một cuộc sống thấm đẫm tình người. Với tôi, 15 tháng ở trong trại tôi đã học được rất nhiều. Điều quan trọng nhất đó là cách làm người và nhìn người. Tôi xem nơi đây là một trường đời rèn luyện bản thân mình. Nhất là tôi được sự bày dạy tận tình của quản giáo Nguyễn Thị Liên. Tôi xem như người chị, cô giáo của mình. 
 
Những ngày đầu tiên vào trại tôi không thiết sống nữa, bi quan tột độ vì sự dại dột của mình mà ảnh hưởng đến người cha già, vợ mất sớm một mình ông “gà trống nuôi con” ăn học thành người. Đứa con trai duy nhất qua đời khi sự nghiệp còn dang dở, còn gì đau đớn hơn đứa con gái đầu lòng ông hết mực yêu thương chỉ vì dại khờ mà lạc lối. Ở nhà ông vừa lo cho tôi trong tù, nuôi con của tôi thay tôi, khác nào: “Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Đây không phải là mẹ đi lấy chồng mà mẹ đi tù, con ở với ông. Tôi đấu tranh tư tưởng, nhiều khi rất tiêu cực, không muốn ăn uống gì hết, tôi thấy mình có lỗi nhiều quá, tôi đã đạp đổ tất cả những gì mà ông đã xây dựng nên. 
 
Tôi được gặp cán bộ điều tra Võ Hải Đăng của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh Nghệ An. Thời gian đầu ông chưa hiểu về tôi, ông rất nghiêm khắc, qua nhiều lần hỏi cung, ông thấu hiểu tôi chỉ là một nạn nhân trong vụ án. Ông thông cảm, thương hoàn cảnh gia đình và bản thân một người con gái như tôi. Nhưng pháp luật không thể nào bênh vực được hành vi phạm tội của tôi. Tám tháng trời trong sự lo âu, khắc khoải, tôi chỉ biết khóc và khóc thôi, tôi thấy thời gian trôi đi sao mà nặng nề vậy, có lúc tôi cảm nhận như thời gian dừng lại.
 
Nhìn ánh điện le lói xuyên qua cửa sổ, tôi ngồi thu mình lại trong sự cô đơn, lạnh lẽo. Tôi nghĩ đến cuộc đời mình, đến những người thân yêu của mình, nghĩ đến những việc làm sai trái mà bản thân tôi phải gánh chịu, hai hàng nước mắt tuôn trào, tôi cảm nhận được vị chát mặn của nó. Những ngày còn lại, tôi tiếp tục cải tạo trong Trại tạm giam Nghi Kim. Đích thân Giám thị Trại tạm giam Trần Thăng Long vào gặp gỡ, động viên tôi cố gắng cải tạo tốt, sau này ra nhớ đi theo con đường truyền thống nhà giáo của gia đình, “chứ ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần”. Lời nói của ông khi nào cũng văng vẳng bên tai, như là kim chỉ nam thôi thúc tôi vững vàng đi trên con đường mới.
 
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi đã về với cuộc sống đời thường hơn một năm trời. Thời gian đầu thật không dễ dàng để thích hợp với cuộc sống mới, mặc cảm, tự ti, rồi cái nhìn không mấy thiện cảm của một số người. Tôi phải đấu tranh vượt qua chính mình, vượt qua rào cản cộng với sự quan tâm, giúp đỡ của Công an phường Quang Trung nơi tôi thường trú, từng bước tinh thần tôi vững vàng hơn. Tôi chăm lo cho bố, cho con, cho tôi và để khỏi phụ lòng những người quan tâm, giúp đỡ tôi. Giờ đây tôi thực sự là một cô giáo dạy Toán cho các em tiểu học vì ngày xưa tôi từng đi thi học sinh giỏi toàn quốc về bộ môn này.
 
Tiếng trẻ thơ râm ran gọi cô và những điểm 9, điểm 10 là niềm vui bất tận cho bố con tôi. Qua lời tâm sự từ tận đáy lòng, tôi muốn nhắn gửi lại những ai đã một lần lầm lỗi, lúc đó khác nào chúng ta đang ở khúc quanh của con đường nhiều bóng tối. Chúng ta nên nhìn lại để bước tiếp trên con đường có ánh mặt trời. Phía cuối con đường là ngôi nhà, là tổ ấm, là những người thân thương đang chờ đợi, đừng quá tự ti, mặc cảm với những lỗi lầm của mình, mình phải sống với hiện tại và tương lai”.
 
Bài 2: Từ cánh cổng nhà giam đến “cô giáo” tiểu học

Thiên Thảo

Các tin khác