Gia đình xã hội
'Cột mốc sống' trên biển
08:02, 24/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Không chỉ là những ngư dân tích cực bám biển, giữ vững nghề truyền thống cha ông mà thời gian qua, lực lượng Dân quân biển ở huyện Quỳnh Lưu còn luôn sẵn sàng vượt qua sóng to, gió lớn thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Chính họ đang đóng vai trò là những “cột mốc sống” trên vùng biển thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Là thành viên của Trung đội Dân quân biển xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, biên chế trên tàu NA-95614, với anh Đồng Văn Huyền đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự đối với dân, với Đảng. Trải qua 36 năm gắn bó với biển, hơn ai hết anh Huyền thấu hiểu những vất vả, rủi ro mà những người con của biển phải đối mặt mỗi ngày. Đó là điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bão to, giông lớn, là những va chạm do tàu nước ngoài cố tình tạo ra...
Sau khi trở thành người lính của Trung đội Dân quân biển xã Sơn Hải, mỗi chuyến ra khơi, ngoài việc sản xuất, phát triển kinh tế, anh Huyền còn có nhiệm vụ liên kết với các tàu cá, thường xuyên nắm bắt tình hình anh em để kịp thời hỗ trợ cho nhau khi cần. Anh kể, năm 2008, trong một trận bão lớn, khi đang quay về bờ tránh trú thì được tin tàu của anh Nguyễn Văn Toàn bị gãy chân vịt, gặp gió to không chạy được. Ngay lập tức, anh và các thành viên trên tàu đã quay trở lại để kéo tàu bị nạn vào bờ. Cuối cùng, gần 20 ngư dân đã được cứu và đưa vào bờ an toàn.
Không chỉ anh Nguyễn Văn Toàn mà sự có mặt kịp thời của lực lượng Dân quân biển trong những lúc tàu, thuyền gặp sự cố cũng đã khiến cho hàng trăm ngư dân trên biển cảm thấy yên tâm và ấm áp hơn. Đặc biệt, Trung đội đã luôn kịp thời thông tin về đất liền mỗi khi phát hiện tàu cá lạ có dấu hiệu bất thường trên vùng lãnh hải của nước ta. Anh Huyền chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất vinh dự, tự hào vì Đảng, chính phủ và địa phương giao phó một trách nhiệm cho Dân quân biển. Vừa tham gia vào việc đánh bắt, vừa tham gia giữ gìn biển đảo ngày càng lớn mạnh và bảo vệ cho nhân dân.”
Từ bao đời nay, người dân xã Sơn Hải vốn gắn liền với nghề khai thác hải sản. Để vươn khơi dài ngày và chống lại tàu nước ngoài gây chiến cũng như hỗ trợ nhau trong sản xuất, các tổ, đội tàu của xã đã hoạt động theo mô hình tổ, đội đoàn kết, cùng nhau đánh bắt và ứng cứu khi gặp khó khăn. Chính trong hoàn cảnh thực tế đó, lực lượng Dân quân biển đã được hình thành. Ngư dân Trần Văn Dũng trú tại xóm 9, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu vui mừng nói:“Từ khi thành lập Trung đội Dân quân biển, chúng tôi cảm thấy tự tin. Bản thân tôi ra biển khai thác có những vấn đề gì liên quan đều thông tin cho nhau. Có đội ngũ Dân quân biển bảo vệ thì chúng tôi yên tâm khai thác, đánh bắt trên biển”.
Năm 2014, xã Sơn Hải vinh dự được chọn là điểm xây dựng lực lượng Dân quân biển của tỉnh Nghệ An và là một trong 7 Trung đội Dân quân biển của cả nước được trang bị đầy đủ các thiết bị theo quy định. Đặc biệt, từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng biển nước ta, lực lượng này càng thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Trung đội có 28 đồng chí, được biên chế thành 3 tiểu đội trên 3 tàu có công suất lớn từ 350 CV trở lên.
Ngoài việc được giáo dục chính trị tư tưởng, những kiến thức cơ bản về Luật biển, Hiệp định về phân định trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực thì hàng năm, vào mùa huấn luyện, anh em lại tạm gác tay chèo, tay lưới, đến thao trường tập luyện theo sự hướng dẫn của Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Những kiến thức, phương án, tình huống cụ thể được học tập từ các khóa huấn luyện, các chiến sĩ Dân quân biển đã vận dụng vào thực tiễn công việc hàng ngày một cách có hiệu quả.
Từ việc tham gia cứu hộ, cứu nạn, đến xua đuổi tàu lạ xâm nhập lãnh hải, xâm nhập ngư trường, chống khai thác hủy diệt…, các chiến sĩ Dân quân biển đều có mặt ở mọi lúc, mọi nơi. Ông Trần Văn Trung, Xã đội trưởng xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trọng trách của Trung đội Dân quân biển có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa đánh bắt hải sản trên biển, vừa hỗ trợ một số tàu bị tai nạn như phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn hoặc tàu Trung Quốc có xâm chiếm biển Việt Nam thì nắm các tin tức báo với Công an tỉnh hoặc Bộ Chỉ huy để có hướng xử lý”.
Với hơn 1.000 tàu, thuyền, hiện nay, huyện Quỳnh Lưu đã có tới 100 phương tiện đánh bắt ở vùng đánh bắt chung. Xác định khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương là hai nhiệm vụ không thể tách rời. Nhiều năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND, cấp ủy, chính quyền các xã ven biển tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân biển. Hiện nay, lực lượng này ở Quỳnh Lưu có trên 110 người, được biên chế thành 4 trung đội tại các xã vùng biển gồm: Sơn Hải, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa và Quỳnh Long.
Trên tàu được trang bị các công cụ hỗ trợ như: Ống nhòm, phao cứu sinh, máy bộ đàm, loa tay... Những năm qua, lực lượng Dân quân biển đã phối hợp có hiệu quả với các lực lượng Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển triển khai nhiều phương án bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển. Lực lượng Dân quân biển đã phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn, bắt giữ hàng trăm lượt phương tiện tàu, thuyền có biểu hiện buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép thuốc nổ để khai thác thủy sản; phối hợp với các đơn vị bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra trên biển, tham gia cứu hộ, cứu nạn 48 vụ. “Trong tháng 6 và tháng 7/2014, có một số tàu cá của nước ngoài vi phạm vào vùng biển của tỉnh Nghệ An.
Lực lượng Dân quân biển xã Sơn Hải đã chủ động cùng với các lực lượng khác trên biển đẩy đuổi được 2 tàu cá vi phạm vùng biển của Việt Nam. Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng Dân quân biển đã thông báo kịp thời về Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Bên cạnh việc chú trọng công tác huấn luyện, chúng tôi đã tham mưu chính quyền làm tốt công tác đảm bảo cho lực lượng Dân quân biển để anh em yên tâm công tác huấn luyện.” - Trung tá Hồ Thanh Hải, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Thường xuyên bám biển mưu sinh là công việc hàng ngày của hàng nghìn người con biển Quỳnh Lưu. Nhưng với lực lượng Dân quân biển, họ còn mang thêm trọng trách của người lính biển, đó là gìn giữ và bảo vệ vùng biển quê hương. Dẫu phía trước còn nhiều gian nan, vất vả, đối mặt với không ít hiểm nguy, nhưng với ý chí kiên cường và tình yêu biển đảo, những dân quân biển Quỳnh Lưu sẵn sàng vượt sóng gió, vươn khơi nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam, trở thành nhịp cầu nối thông tin giữa biển với đất liền và là “cột mốc sống” trên biển, góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Bích Thuận