Gia đình xã hội
Bạo hành trẻ em trong gia đình
Cha mẹ nên dạy con trẻ như thế nào?
09:05, 24/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vừa qua, dư luận trong nước vô cùng phẫn nộ trước vụ việc một bé gái 4 tuổi ở tỉnh Bình Dương bị mẹ ruột và cha dượng đánh đập dã man, gây cho bé nhiều vết thương khắp cơ thể, tính mạng bị đe doạ nghiêm trọng. Qua việc dùng đòn roi của cặp vợ chồng này đã đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về cách dạy con trẻ của các bậc cha mẹ hiện nay.
Câu chuyện về bé gái Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) bị cha dượng là Đỗ Trọng Minh và mẹ đẻ là Nguyễn Thị Thuỳ Trang đánh đập dã man gây thương tích nghiêm trọng khiến dư luận cả nước và cộng đồng quốc tế hết sức bất bình. Với quyền làm bố mẹ, Trang và Minh cho rằng, vì con ngang ngược nên dùng đòn roi để dạy dỗ. Việc dạy dỗ bằng những trận đòn thừa sống, thiếu chết đã khiến bé Ngân rơi vào trạng thái nguy hiểm cả về thể xác lẫn tinh thần. Hành động mất nhân tính, đáng lên án của Trang và Minh buộc các cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp trừng trị nghiêm khắc.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ cho rằng, việc đánh con là một hình thức giáo dục của gia đình nên họ tự cho mình cái quyền đó. Chính nhận thức hạn chế này đã dẫn đến nhiều trường hợp cha mẹ gây thương tích nặng cho con cái và bị truy tố trước pháp luật. Nhưng điều đáng quan tâm là chỉ khi những vụ việc bạo hành trẻ em bị người dân phát hiện, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng mới bị phơi bày và xử lý.
Qua vụ việc cháu Ngân mới 4 tuổi bị đánh đập dã man, các bậc cha mẹ cần suy ngẫm lại cách dạy dỗ con cái Ảnh: Internet |
Do đó, trên khắp mọi miền đất nước vẫn còn rất nhiều trẻ em bất hạnh trở thành nạn nhân của những trận đòn roi dã man do người lớn gây ra. Mới đây, cháu Nguyễn Văn Tú (14 tuổi) trú tại xóm 17, xã Nghi Phú, TP Vinh bị một người đàn ông đánh đến mức phải nhập viện với nhiều vết thương trên người như loét hậu môn, hoảng loạn, tụ máu ở dương vật, bầm dập toàn thân, chân tay tím tái, mặt mày chi chít vết cào cấu, trầy xước. Vụ việc xảy ra một lần nữa cho thấy, nạn bạo hành trẻ em đang ở mức báo động.
Có thể khẳng định rằng, không đứa trẻ nào khi sinh ra đã hư hỏng mà tất cả đều do sự quản lý, giáo dục của gia đình. Ngay từ lúc còn bé, trẻ em đã được hình thành nhân cách và ảnh hưởng nhân cách từ những người làm cha, làm mẹ, tiếp theo là môi trường xã hội. Ngày trước, cha ông thường dạy con cháu theo lối giáo dục phong kiến, khi con cháu sai trái hoặc có biểu hiện hư hỏng là dùng roi để đánh như một hình thức kỷ luật. Hiện nay, các bậc cha mẹ có nhiều hình thức giáo dục để giúp con hiểu biết đâu đúng, sai để sửa chữa.
Dạy con không nhất thiết phải dùng roi mà cần tạo cho con nếp sống lành mạnh, tính tự giác với đức tính thiện tâm, biết chia sẻ vui buồn với người khác. Nếu dùng đòn roi để đánh con cái là vi phạm pháp luật, vi phạm Công ước Quốc tế, là xâm phạm thân thể trẻ, để lại vết thương cả về thể xác lẫn tâm hồn của trẻ thơ. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, đánh con để giáo dục, nhưng thực chất là đang thể hiện cơn giận dữ thú tính, độc đoán của mình.
Và sau khi phải trải qua những trận bạo hành khủng khiếp, thường để lại hậu quả là đứa trẻ đó bị rối loạn tâm thần và nhiều hệ lụy cho chính bản thân và xã hội. Hầu hết các em bị bạo hành kiểu nhục hình đánh đập và chửi bới, thường sau đó trẻ mắc phải bệnh trầm cảm, có em lớn lên phát triển tâm lý không bình thường. Có bậc cha mẹ khi nhìn ra kiểu giáo dục bằng đòn roi với con là sai trái thì đã quá muộn.
Trong thực tế hiện nay, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn yếu kém, nhiều bậc cha mẹ không hiểu biết về quyền của trẻ em được pháp luật quy định. Từ đó đã có những hành vi trái pháp luật, đánh đập, bạo hành con trẻ dã man. Cấp uỷ Đảng và chính quyền các địa phương cần sớm vào cuộc để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc đối với người vi phạm. Các địa phương cần tăng cường vai trò của các cơ quan Nhà nước chuyên trách trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống bạo hành trẻ em đến từng gia đình, nhà trường, thôn xóm và khu dân cư.
Bên cạnh đó, đoàn thể và chính quyền các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hôn nhân gia đình rộng rãi đến mọi người dân.
Qua các vụ bạo hành trẻ em xảy ra thời gian qua khiến người dân và dư luận xã hội phẫn nộ, lên án.
Thiết nghĩ, người lớn, đặc biệt là các bậc cha mẹ cần phải thay đổi quan điểm, nhận thức trong việc giáo dục con cái. Hãy là người thấu hiểu, là “người bạn” để chia sẻ, động viên, giáo dục con trẻ hướng thiện, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Chính việc yêu thương, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên là cơ sở vững chắc để tạo nên gia đình có nề nếp, tri thức. Mỗi gia đình hãy là một tổ ấm vui vẻ và hạnh phúc trong cộng đồng người Việt.
Hoa Lê