Gia đình xã hội

Cảnh báo những tai nạn chết người do khí độc

15:37, 13/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường tiếp nhận điều trị các ca ngộ độc khí từ việc sưởi ấm bằng bếp than tổ ong trong phòng kín. Mặc dù đã có nhiều cái chết thương tâm từ việc sưởi ấm bằng bếp than tổ ong, nhưng nhiều người vẫn chưa cảnh tỉnh, khi phát hiện được thì đã tử vong. Hay những người thợ đào giếng vì thiếu kỹ năng nên khi vừa xuống giếng đã bị tử vong do ngạt khí C02…
 
Sưởi ấm bằng bếp than tổ ong để trong phòng đóng kín cửa khiến 3 người trong gia đình tử vong; những cái chết trong chớp mắt của những người thợ đào giếng; tử vong trong ôtô đóng kín cửa khi xe đang nổ máy và mới đây nhất là vụ ngạt khí do chạy máy phát điện trong phòng karaoke đóng kín cửa tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến nay đã có 8 người tử vong, 4 người đang được cấp cứu là những cái chết thương tâm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua do ngạt khí. Thiếu kỹ năng sống và kỹ năng sinh tồn là nguyên nhân hàng đầu gây nên các vụ tai nạn chết người như trên.
 
Thời gian qua đã có rất nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến ngạt khí trong phòng kín do máy phát điện. Tại tỉnh Quảng Ninh, vụ ngạt khí do chạy máy phát điện vừa xảy ra ở quán karaoke Queen Club thuộc thôn 7, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà khiến 8 người chết, 4 người đang cấp cứu là vụ thứ hai. Trước đó, vào năm 2005, tại TP Cẩm Phả của tỉnh này cũng đã xảy ra vụ tai nạn khiến 1 người chết, 1 người bị thương do ngạt khí của máy phát điện chạy trong nhà đóng kín cửa. Năm 2011, 4 người trong một gia đình ở xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cũng bị ngạt khí thải từ máy phát điện khiến 1 người tử vong, 3 người bị thương. Gần đây, vụ 3 người khách chết trong tư thế lõa thể ở nhà nghỉ bỏ hoang tại Chí Linh, Hải Dương cũng do hít phải khí độc thải ra từ chiếc xe máy nổ máy trong phòng đóng kín.
 
Cấp cứu bệnh nhân bị ngạt khí máy phát điện ở Quảng Ninh
Cấp cứu bệnh nhân bị ngạt khí máy phát điện ở Quảng Ninh
 
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường tiếp nhận điều trị các ca ngộ độc khí từ việc sưởi ấm bằng bếp than tổ ong trong phòng kín. Mặc dù đã có nhiều cái chết thương tâm từ việc sưởi ấm bằng bếp than tổ ong, nhưng nhiều người vẫn chưa cảnh tỉnh, khi phát hiện được thì đã tử vong. Hay những người thợ đào giếng vì thiếu kỹ năng nên khi vừa xuống giếng đã bị tử vong do ngạt khí C02…
 
PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, chết do ngạt khí CO2 là cái chết không báo trước, rất nguy hiểm, nạn nhân không thể phản kháng. Theo ông Côn thì thủ phạm chính của các vụ ngạt khí dẫn đến chết người vừa qua là thiếu hụt oxi, nồng độ khí cacbonic tăng nhanh và khí cacbon monoxit (CO) cùng các khí độc khác. Trong những trường hợp này, thiếu oxi và nồng độ cacbonic tăng cao là thủ phạm nguy hiểm đầu tiên đưa người ta vào trạng thái hôn mê không được báo trước (có nghĩa là từ trạng thái có cảm giác mệt mỏi đến đi vào hôn mê xảy ra rất nhanh, khiến nạn nhân không kịp nhận biết để thoát nạn). Sau đó các khí độc khác là các tác nhân tiếp tay để dẫn đến cái chết một cách hoàn hảo.
 
Đã có nhiều trường hợp thợ đào giếng bị ngạt khí dẫn tới tử vong từng gặp như: người thợ đào giếng xuống đến một độ sâu nào đó, lượng khí CO2 thoát ra khiến họ nhanh chóng bị hôn mê. Một số người ở trên mặt đất thấy vậy dòng dây xuống cứu nhưng cũng bị bất tỉnh và dẫn tới tử vong. Do vậy, theo cảnh báo của PGS.TS Trần Hồng Côn, thì điều đầu tiên chúng ta cần phải biết là từng ngày từng giờ con người cũng như mọi sinh vật sống hài hòa trong tự nhiên. Do đó, tuyệt đối tránh việc sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi hay giữ mình hoặc người khác trong không gian kín. Vì ở đó dù không có các thiết bị lấy đi dưỡng khí và thải ra các chất độc hại thì riêng bản thân con người cũng đã làm điều đó và dẫn đến rủi ro, thậm chí cả cái chết.
 
CO2 là khí không mùi, không vị, không gây đau đớn và nhanh chóng gây ngạt. Người bị ngạt khí dễ bị sốc vì thiếu ôxy và thường không có cơ hội hay khả năng nhận biết mình đang bị ngạt khí. Thậm chí, từ các vụ việc liên tiếp xảy ra, người dân tỏ ra lo ngại khi phải thắp hương trong nhà hoặc bật nhiều đèn điện có thể gây ngạt khí? Vậy cơ quan chức năng cần phải có hướng dẫn như thế nào để người dân phòng tránh những cái chết thương tâm nêu trên?
 
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn thì một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những cái chết ngạt khí là do người bị nạn thiếu kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. "Đây thuộc về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Theo tôi, nên đưa các kỹ năng này vào ngay từ cấp 1 (cấp phổ thông cơ sở) và trong các sinh hoạt cộng đồng, các cơ quan truyền thông cũng là một giải pháp cần thiết trước mắt"- ông Côn nhấn mạnh. Cũng theo ông Côn thì người dân có thể yên tâm vì thắp đèn điện không gây ngạt; thắp hương và thắp đèn dầu ít có khả năng gây ngạt.
 
Theo khuyến cáo của ông Côn thì khi phát hiện có trường hợp bị ngạt khí như dưới đáy giếng, trong phòng kín có quá trình đốt cháy nhiên liệu, điều đầu tiên cần làm là tạo ngay điều kiện thoáng khí rồi mới tiếp tục có các hành động tiếp cận và cứu người. Nếu không có thể nguy hiểm ngay đối với người cứu nạn. Để phòng tránh, tốt nhất là tuyệt đối không tạo ra không gian kín khí cho bản thân và người khác, đặc biệt lại kèm theo bất kỳ quá trình đốt nhiên liệu nào.
 
Những cái chết do ngạt khí vừa qua xảy ra trong cộng đồng ở các nhóm dân cư có trình độ dân trí khác nhau và ở nhiều bối cảnh khác nhau, thiết nghĩ việc tuyên truyền và giáo dục sẽ đóng vai trò quan trọng nhất để phòng ngừa các tai nạn thương tâm.
 
Sử dụng máy phát điện nếu là gia đình tốt nhất nên đặt ở sau hoặc trước nhà, nơi thông thoáng với bên ngoài và cách biệt với không gian trong nhà. Nếu máy công nghiệp dùng cho công trình, khách sạn, nhà hàng thì phải có ống xả khói nối dài đưa lên cao và được bọc bảo ôn cách nhiệt, có hộc gain để thoát khí nóng tản ra từ động cơ và két nước tản nhiệt. Nhà sản xuất nên có thiết bị phát hiện và cảnh báo nồng độ CO, CO2 tăng cao để phòng tránh tai nạn.

 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác