Gia đình xã hội

Về Trại 6 nghe 'tiếng hát tình đời'

11:06, 13/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Khi họ bước lên sân khấu và cất cao tiếng hát, không ai còn nhận ra đó là những con người từng lầm đường, lạc lối. Tiếng ca có sức lay động lòng người, đưa con người vào thế giới những điều tốt đẹp và tâm hồn hướng thiện. Đã nhiều lần được nghe họ say sưa ca hát nhưng đến nay, tôi mới có dịp viết về những con người này.
 
Tiếng hát tình đời
 
Đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời” thuộc quản lý của Trại giam số 6, Bộ Công an ra đời từ những ngày đầu thành lập trại. Đội thường xuyên duy trì số lượng từ 12 - 15 thành viên, quy tụ nhiều giọng ca hay được tuyển chọn trong các phạm nhân đến nhập trại. Đến nay, đội đã có nhạc cụ, hệ thống âm thanh đủ để phục vụ nhiều chương trình âm nhạc trong các ngày lễ lớn do trại tổ chức. 
 
Một ngày đầu năm 2014, tôi được nghe họ hát trên sân khấu hội trường phân trại 3 tại hội nghị gặp mặt gia đình phạm nhân. Họ mặc đồ diễn viên bước ra sân khấu, không e dè, ngại ngùng giới thiệu chương trình văn nghệ chào mừng. Trên khuôn mặt của các ca sĩ không chuyên này nở nụ cười tươi mới. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ họ là những ca sĩ đang diễn trên sân khấu.
Một tiết mục văn nghệ của đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời”
Một tiết mục văn nghệ của đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời”
Khi những thanh âm trong trẻo vút lên, tình đời, tình người chứa chan trong từng câu ca, tiếng hát. Họ hát say sưa, ca ngợi Đảng, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và gửi vào đó nỗi niềm sâu kín. Bất chợt, tôi bắt gặp những cái nhìn đăm chiêu, suy tư dưới khóe mắt của nhiều phạm nhân. Có lẽ, câu ca tiếng hát gợi lên nhiều hơn trong tâm tưởng họ nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân và khát khao hoàn lương đến cháy bỏng. Trên sân khấu là những ánh nhìn đầy trìu mến của các diễn viên dành cho nhau, họ cùng nhau xóa bỏ mặc cảm, tự ti, xóa bỏ khoảng cách để chia sẻ và mong sự cảm thông của người đời. Cái họ nhận được từ khán giả là những tràng pháo tay không ngớt, những lời tán thưởng của CBCS Công an trại giam và các đại biểu về tham dự.
 
Trong nhiều chương trình hội nghị, các ngày lễ lớn, đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời” đã đem đến cho khán giả nhiều nhạc phẩm cuốn hút lòng người. Họ đã khiến nhiều người phải thán phục không chỉ bởi tài năng mà còn là tinh thần lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.
 
Trong môi trường giáo dục, cải tạo, với phạm nhân nam, đây có lẽ là khoảng thời gian ngắn ngủi họ được khoác trên mình chiếc áo diễn viên. Sân khấu cũng là nơi các phạm nhân nữ thể hiện được nhiều nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Những chàng trai, cô gái hôm nay còn thực hiện công việc thường nhật của một phạm nhân thì ngày mai sẽ bước lên sân khấu và từ sân khấu trở về đời thường với biết bao trăn trở của cuộc sống. 
 
Đam mê làm nên sức cuốn hút
 
Chúng tôi được cán bộ Trại giam số 6 dẫn đi gặp 3 thành viên tiêu biểu của đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời”. Trùng lặp ngẫu nhiên là ngoài đam mê nghệ thuật, luôn cháy hết mình trên sân khấu, họ đều là người Bắc và vào trại thụ án vì dính đến ma túy. 
 
Phạm nhân Phạm Thị Ngoan (SN 1983) quê ở Hải Dương xuất thân là chủ một shop quần áo ăn nên làm ra tại xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Con đường đến với âm nhạc của cô gái trẻ cũng thật tình cờ. Trong một lần hát đám cưới, không ít người đã nhận ra năng khiếu của Ngoan. Cô bắt đầu tập tành đi theo sở thích, đam mê ca hát tại các phòng trà, hội nghị. Cô hát được khá nhiều thể loại, từ nhạc trẻ, nhạc vàng, nhạc đỏ đến dân ca.
 
Ngoài ra, Ngoan còn thường xuyên đảm nhận vai trò MC tại một số chương trình do địa phương tổ chức. Nhưng rồi vì ma túy, vì vòng xoáy của đồng tiền, cô gái trẻ đã lầm đường lạc lối. Cái giá phải trả cho sự nông nổi là những tháng ngày tìm lại chính mình trong trại giam. Vào thụ án, nhờ năng khiếu, Ngoan được thử giọng và trở thành giọng hát chủ lực trong đội văn nghệ.
 
Ngoan bảo, có năng khiếu nhưng khi vào trại giam, một “đồng nghiệp” đã dẫn dắt, tiếp thêm “lửa nghề” cho cô. Anh là Đào Mai Tuấn (SN 1977) quê ở Hà Nội, nguyên là diễn viên Nhà hát tuổi trẻ và Đoàn ca múa nhạc Thăng Long. Tuấn được đào tạo từ tấm bé, năng khiếu đa dạng, ngoài khả năng ca hát còn đạo diễn hầu hết các chương trình của đội. Một tài năng trẻ, có tố chất nghệ sĩ nhưng Tuấn lại sa vào ma túy.
 
Ước mơ bước tiếp trên con đường nghệ thuật với Tuấn tưởng chừng đã tắt thì anh nhận được sự quan tâm của giám thị Trại giam số 6 và trở thành trụ cột của đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời”. Anh được sống cùng nghệ thuật và vẫn nuôi ước ao một ngày không xa sẽ được bước lên sân khấu chính thống của nghệ thuật Việt Nam, tiếp bước con đường còn dang dở.
 
Chúng tôi muốn kết thúc bài viết bằng việc nói về nhân vật thứ 3 trong đội, đó là Lê Minh Quang (SN 1974) đến từ Hà Nội. Anh là nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu thành đạt tại đất Hà thành. Anh từng tham gia nhiều chương trình, phong trào văn nghệ tại địa phương nên có chút ít kinh nghiệm trong việc tổ chức, lưu diễn. Nhưng cũng như Ngoan và Tuấn, Quang sớm sa chân vào con đường mua bán trái phép chất ma túy. Kết cục tất yếu đối với anh là phải vào thụ án tại Trại giam số 6. Tôi đã từng nhiều lần nghe Quang hát, tiếng hát trầm ấm của anh khiến bao tâm hồn xao động và chạm đến trái tim của hàng nghìn phạm nhân. Trên sân khấu Quang cũng điềm đạm như đời thường, Anh tiếp cận sân khấu theo cách của riêng mình, không ồn ào náo nhiệt nhưng luôn để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
 
Những con người ấy, họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng có chung niềm đam mê ca hát và cháy hết mình trên sân khấu. Họ cùng nhau thực hiện thành công nhiều chương trình văn nghệ tại các ngày lễ lớn do Trại tổ chức, đem đến nguồn động viên an ủi lớn đối với các phạm nhân đang thụ án tại đây.
 
Nhiều lần đến Trại giam số 6 rồi chia tay, ấn tượng về các thành viên trong đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời” luôn khiến tôi thổn thức và mong muốn được quay lại. Viết về đội văn nghệ cũng chính là cách để tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng và khát vọng của những con người này…

Văn Dũng

Các tin khác