Gia đình xã hội
Nhập nhèm chất lượng, tem hợp quy mũ bảo hiểm
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa tiếp tục giao Bộ KH-CN phối hợp với các Bộ, ngành liên quan siết chặt việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) nhằm phát hiện hàng giả, không đạt chất lượng trên thị trường. Đáng nói, kết quả kiểm tra từ Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho thấy, không ít mẫu MBH dù có gắn Tem hợp quy nhưng chất lượng không đạt.
Kiểm tra, thu giữ mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng |
Mũ gắn tem vẫn không đạt chuẩn
Cuối tháng 7 vừa qua, CATP Hà Nội đã thu giữ gần 5.000 MBH không đạt chuẩn. Những doanh nghiệp có lô hàng không đạt chuẩn này đã lợi dụng việc cơ quan chức năng chỉ kiểm định chất lượng lô đầu tiên của sản phẩm, nên chỉ làm theo tiêu chuẩn lô đầu tiên, các lô tiếp theo thì ăn bớt công đoạn hoặc nguyên liệu để hạ giá thành. Mặc dù không đủ tiêu chuẩn chất lượng, nhưng chúng vẫn được dán Tem hợp quy (CR). Trong khi đó, kết quả kiểm tra của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho thấy, rất nhiều mẫu MBH bán trên thị trường không đạt chuẩn.
Tổng cục Tiêu chuẩn cho biết, cả nước hiện có trên 70 cơ sở sản xuất MBH đã thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy (Hà Nội có 18 cơ sở sản xuất; TP. HCM 40 cơ sở…). MBH lưu thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố phần lớn là hàng sản xuất trong nước, chỉ có một số ít sản phẩm MBH nhập khẩu. Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh giá, tình hình sản xuất MBH từ đầu năm 2014 tới nay gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ sản phẩm chậm, nhiều cơ sở đã ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng.
Một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là người tiêu dùng mua và sử dụng các loại mũ không phải là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy. Thêm vào đó, tình hình sản xuất, bán MBH giả, mũ giống MBH, MBH thời trang vẫn còn tồn tại. Các cơ sở này có đăng ký doanh nghiệp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như địa điểm kinh doanh cố định, hoặc giấu địa chỉ, gây khó khăn cho đoàn kiểm tra.
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã kiểm tra 77 cơ sở sản xuất kinh doanh tại 12 tỉnh, thành với số mẫu được kiểm tra là 317 mẫu. Về nhãn hàng hóa là phù hợp, có tem CR, song kiểm tra chất lượng 19 mẫu thì chỉ có 9 mẫu đạt chuẩn chất lượng.
Còn theo kết quả kiểm tra của 5 Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng địa phương (Thanh Hóa, Vĩnh Long, An Giang, Ninh Thuận và Tây Ninh), kiểm tra 67 cơ sở, lấy 19 mẫu thử nghiệm thì có tới 11 mẫu chất lượng không phù hợp. Tại Tây Ninh, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh này kiểm tra 46 lô MBH thì có 20/46 lô không có hồ sơ chất lượng. Còn Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng An Giang kiểm tra 9 cơ sở, lấy 8 mẫu thì 100% không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc vẫn bày bán công khai trên đường |
Phải xử lý nghiêm
Phó Tổng cục trưởng Tổng cụ Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Trần Văn Vinh nhận định, qua kiểm tra phát hiện, một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay vẫn tồn lại loại mũ không phải MBH, mũ có kiểu dáng tương tự gây nhầm lẫn. Hơn nữa, giá thành của các loại mũ này thường rẻ nên vẫn có nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Để siết chặt tình trạng sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chuẩn, ông Trần Văn Vinh kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về chất lượng MBH và thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH. “Cần kiểm tra và xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh (kể cả bày bán ở vỉa hè, lòng đường) MBH giả, kém chất lượng, nhập lậu”, ông Trần Văn Vinh đề nghị.
Có thể thấy, ngoài một lượng lớn MBH thời trang, không đạt chuẩn đang được bày bán trên vỉa hè, bán rong hiện nay thì còn có không ít MBH dù được dán tem CR nhưng lại không đạt chất lượng. Người tiêu dùng không thể phân biệt được thật- giả, dù bỏ tiền ra mua MBH hợp quy nhưng vẫn không bảo đảm an toàn.
Nguồn: anninhthudo.vn