Gia đình xã hội
Đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí và xâm hại tín ngưỡng lành mạnh
(Congannghean.vn)-Tự do tín ngưỡng không phải là một loại hình tôn giáo, vì ai cũng biết việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người có công là nét đẹp văn hóa tâm linh mang đậm chất nhân văn không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia phương Đông trên thế giới đều có phong tục đẹp bắt nguồn từ hiếu thảo. Nước ta do ảnh hưởng và mang màu sắc văn hóa phương Đông, nhất là nền văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản có ảnh hưởng sâu sắc đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Hiện nay, hoạt động thờ cúng tổ tiên của người Kinh (chiếm đa số người Việt) chủ yếu theo sách “Thọ Mai Gia Lễ” do tiến sĩ Hồ Sĩ Dương, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu soạn vào thế kỷ 17, nhưng đã có cải biên giảm nhẹ việc tế lễ. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đã du nhập Nho giáo do Khổng Tử sáng lập vào nước ta. Trước công nguyên, cùng với Nho giáo thì Lão giáo, Phật giáo cũng du nhập vào nước ta. Tư tưởng của Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử…có ảnh hưởng sâu đậm đến không gian, thời gian và tín ngưỡng của nhân dân ta.
Từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 1980, việc thờ cúng tổ tiên cơ bản vẫn giữ được cốt cách bản địa cùng sự ảnh hưởng giao thoa của văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Cam-pu-chia, Mi-an-ma…Hiện nay, việc thờ cúng tuy không biến đổi về căn bản song trong xu thế hội nhập, các lễ hội và hoạt động tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhìn chung đang bị biến dạng, thiếu lành mạnh trong phân mã, hóa vàng mã.
Nhà linh bằng đồ mã trị giá 2 triệu đồng bị ngọn lửa thiêu cháy |
Mỗi năm, lễ hội thường được tổ chức nhiều nhất vào mùa xuân, nhất là từ đầu năm cho đến tháng 3 âm lịch. Đến tháng 7, tại nhiều địa phương thông qua múa hát sắc bùa, chầu văn biến tướng lại rộ lên “phong trào” cầu cúng, đốt vàng mã, ngồi hầu “đồng”, gọi hồn “người âm”. Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, ai cũng hiểu là tết Trung nguyên mà người xưa cho là lễ Vu lan báo hiếu (ngày Tết báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên).
Lễ Vu lan báo hiếu là một nét đẹp văn hóa cổ truyền đậm đà chất nhân văn, có tính chất giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động thờ cúng những người đã khuất. Tuy nhiên, nhiều người trăn trở trước hiện tượng những năm trở lại đây, nhiều địa phương ở nước ta có hiện tượng đốt vàng mã tràn lan vô tội vạ, làm phong tục đẹp, có ý nghĩa giáo dục tốt, hiếu nghĩa bị biến dạng thái quá.
Theo Tạp chí Văn hóa số 5/2011 liệt kê số liệu mỗi năm cả nước đốt, hóa 375 tấn vàng mã thông qua lễ tết Vu lan trước, trong và sau dịp rằm tháng 7. Đó là chưa kể số vàng mã dùng trong giỗ Tết, hội lễ mùa xuân. Theo thống kê gần đây của ngành an ninh, từ việc hóa vàng mã đã gây ra khoảng 100 vụ cháy lớn, nhỏ làm thiệt hại hàng trăm tỉ đồng có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội.
Điều lưu ý và đáng phân tâm là thông qua việc chuẩn bị vàng mã, tiền giấy âm phủ…thì chuyện tiết kiệm đã không còn, thay vào đó là sự phung phí, lãng phí tiền của “thân chủ”. Thông qua các tờ “ra lễ” của thầy cúng phán bừa theo hình thức nhìn gia cảnh giàu, nghèo mà ra lễ cúng tế. Để làm “người âm” vui lòng và đổi đời, nhiều gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” đặt làm nhà mã 5 - 7 tầng bằng giấy, có người đặt nhà linh theo kiểu 8 mái uốn cong có trị giá 2 triệu đồng, rồi ôtô 2.5, 2.7, xe honda, tivi, tủ lạnh cỡ bự, máy điều hòa nhiệt độ… cùng nhiều trang thiết bị, tiện nghi theo quan niệm dân gian “dương sao âm vậy”.
Bằng “phong trào” đốt vàng mã vào dịp rằm tháng 7 hàng năm, những người “mê tín” đã đốt cháy, tiêu pha lãng phí không biết bao nhiêu tiền của một cách xa xỉ. Những hộ nghèo, cận nghèo vẫn phải lao đao chạy theo “làng xóm” kiểu “gà tức nhau tiếng gáy”. Không theo thì ngại bà con chê cười. Ở thành phố, việc hóa vàng mã phức tạp hơn nông thôn.
Thành phố đất chật người đông, nhà cao tầng, nhà ống, ngõ hẹp, không có vị trí để hóa vàng mã nên đành phải “nhắm mắt làm liều” đốt đại, dễ gây ra hỏa hoạn, cháy nổ, chập điện, khói bụi làm ảnh hưởng cộng đồng và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ngành chủ quản lại không có thiết chế gì để hạn chế hiện tượng đốt vàng mã tràn lan rất lãng phí như hiện nay.
Ngoài việc gây lãng phí trong đốt vàng mã tràn lan, nhiều dòng họ còn huy động tiềm lực con cháu đóng góp tiền tỉ để xây nhà thờ nhị tòa, tam tòa không phép tắc rất xa xỉ, đồ cúng lễ, mâm cỗ ăn mặn, cúng chay, hoa quả tốn kém, phiền toái rất lãng phí. Những tiệc tùng tế tổ, giỗ họ trong dịp rằm tháng 7 quay lại nặng nề, nhiều dòng họ bày biện “sơn hào hải vị”, chè chén say sưa nhiều ngày.
Đáng kể hơn là thông qua hoạt động mê tín ngồi đồng, gọi hồn, chúc thực, chúc rượu, tuần rượu đã làm nhiều gia chủ phát bệnh vì quá u mê, quá tin lời thầy bói, xin xăm, xin quẻ. Lời phán áp đặt của thầy bói toán, xăm quẻ đã làm đảo lộn cuộc sống, đạo đức bị băng hoại, gia đình rạn nứt vì nhẹ dạ cả tin vào “cô phán”, “thầy” mách bảo.
Người viết bài này thiết nghĩ, các cơ quan chức năng ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có quy chế và biện pháp mạnh tay hơn để lập lại kỷ cương, thông qua các thiết chế văn hóa nhằm mục tiêu vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát huy được tín ngưỡng lành mạnh theo tinh thần Chỉ thị 27 Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang và lễ hội đã đề ra.
Thy Ngọc