Gia đình xã hội

Những nữ chiến sĩ Công an trên mặt trận văn hoá, nghệ thuật

16:32, 07/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Không phải là một cuộc thi, thế nhưng ai nấy đều hăm hở, sáng tạo hết mình để mang lại cho đồng đội những âm hưởng ngọt ngào của cuộc sống từ những điệu múa, tiếng hát. Sự trải nghiệm thú vị đó được những nữ cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh thể hiện tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” do Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức.
 
Nhiều người thường nghĩ, đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang, nữ cán bộ, chiến sĩ sẽ “khô”, “cứng” khi đảm nhận nghề thực thi pháp luật. Thế nhưng phải thật sự gần gũi, sống với đời sống của những nữ cán bộ, chiến sĩ Công an thì mới thật sự thấy họ là những cô gái vừa giỏi chuyên môn, vừa đảm đang việc nhà, đồng thời là những người có năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật.
 
Mặc dù không phải là “diễn viễn cứng” trong đội Nghệ thuật quần chúng của Công an tỉnh nhưng Hồng Loan, cán bộ Văn phòng Tổng hợp đã mang đến một giọng hát cao, ấm và khá chuyên nghiệp trong ca khúc “Lời ru cho con” của nhạc sĩ Xuân Phương. Có lẽ, không riêng gì Hồng Loan mà tất cả những cán bộ, chiến sĩ đều cảm nhận tình cảm thiết tha của tác giả khi đặt bút viết về ca khúc với những từ “yên lòng khi thấy con vui”… Chính từ tình cảm chân thật đó, cùng với sự trải nghiệm trong cuộc đời làm mẹ, Hồng Loan đã mang đến cho đồng đội mình một ca khúc sâu lắng, nhiều xúc cảm.
 
Nữ chiến sĩ Công an tập luyện chuẩn bị biểu diễn
Nữ chiến sĩ Công an tập luyện chuẩn bị biểu diễn
 
Hà Tĩnh cùng với Nghệ An được mệnh danh là cái nôi của câu hò, điệu ví, giặm dân ca Nghệ Tĩnh. Điệu ví, giặm đã trở thành di sản văn hóa, cần được kế tục và phát huy. Là những thế hệ được nuôi dưỡng tâm hồn từ câu hò, điệu ví, những nữ chiến sĩ Công an Hà Tĩnh đã thấm nhuần giá trị nhân văn cao cả của di sản văn hóa tinh thần đó, nên khi cất lời ca hát về quê hương mình, một lần nữa họ đã thổi hồn để ca khúc thêm sinh động và đi vào lòng người. Như các ca khúc: “Giận mà thương”, “Cảm xúc từ câu hò điệu ví”, “Người con gái sông La” do chị Mai Thị Nguyệt (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh), Thu Hà (Phòng An ninh chính trị nội bộ), Lệ Thu (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội), Minh Thường (Phòng Hậu cần - Kỹ thuật)…thêm một lần nữa khẳng định năng khiếu của những nữ cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh.
 
Khi chứng kiến chị Lan Hương (Phòng Cảnh sát  Quản lý hành chính về TTXH) múa bài “Khúc hát hoa sen”, mọi người tưởng mình đang thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của một diễn viên múa thực thụ. Từ ánh mắt, biểu cảm đến cử chỉ, Lan Hương đã hóa thân trong bông hoa sen trên nền nhạc của ví giặm Nghệ Tĩnh. Ngoài năng khiếu, không thể phủ nhận sự đam mê và khổ luyện của chị. Chắc chắn, nếu không có sự khổ luyện thì chị khó có thể để lại dấu ấn đậm nét đến vậy. Ngoài ra, với điệu múa dân tộc Thái của những cán bộ, hội viên Hội phụ nữ trực thuộc đã cho thấy các chị không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tâm huyết với công tác hội; sự đoàn kết, gắn bó của tình đồng chí, đồng đội ở bất kỳ trận tuyến nào dù là đấu tranh phòng chống tội phạm hay trên sân khấu.
 
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi trên sân khấu dẫu đã mang đến cho khán giả những cảm nhận mới lạ, nhưng chưa thể phản ánh hết những tiềm năng nghệ thuật của những nữ cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh. Kết thúc bài viết này, chúng tôi trích giới thiệu tác phẩm “Mùa lau” của Võ Thị Ánh Hồng (Phòng Công tác chính trị) như chính tặng những bông hoa tươi thắm về đồng đội nữ. Họ không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà mà còn có tâm hồn về nghệ thuật. Chính điều đó đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng dân…
 
Mùa lau
 
Em chải tóc suốt mùa lau trắng
tay sương bấm đốt
đếm ngày con còng nước nghén thai.
 
Tung một bông lau lên trời
thành mây nhuộm màu ngũ sắc
quên mình từng là lau.
 
Đặt bàn chân lên đồi
mùa cỏ nhạt
nghe loài măn mắt kể về gã cao bồi hứng chí
quất lên lưng ngựa hoang vết vện vằn truyền kiếp
Em chào đời sau một tiếng hí vang.
 
Mẹ cấm em lên đồi
Lách qua mùa lau
em chạy về phía tiếng đàn môi
Gió nắm tay em xòa tung tóc rối.
Dâng màu lau lên trời
Em về đồi tắm gội ánh trăng.
 
Mẹ đánh em bên bờ lau trắng
Bật tung dải thắm
Hiện hình những vết lằn roi của loài ngựa
không yên cương
không đai
không đóng móng
Con còng nước cười khan.
 
Mẹ tung bông lau lên trời
Thành mây ngũ sắc
Bay tìm nơi đâu giấc mơ 
không bao giờ bị đánh thức?
Gió quyện em về đồi
Đồi sương cỏ ướt một mùa vu quy…
 
Võ Thị Ánh Hồng

 

Xuân Lý - Văn Hùng

Các tin khác