Gia đình xã hội
Cứu giúp người cựu chiến binh bị căn bệnh ngớ ngẩn trong căn nhà tồi tàn
07:57, 29/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-“Xung phong… Phằng phằng… Phằng… Đến giờ rồi, lên lớp thôi…”, đó là những câu luôn thường nhật trên miệng ông Trần Văn Cung (SN 1956) trú tại xóm 3, xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), người đã đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ Ngụy. Giờ đây sống ở thời bình, ông trở thành một người ngớ ngẩn, sống đơn côi trong căn nhà cũ kỹ, tồi tàn, không hề được hưởng bất cứ một chế độ nào…
Năm 1974, giặc Mỹ lập ra rất nhiều kế hoạch nhằm củng cố và vớt vát chính quyền Sài Gòn đang bên bờ vực thẳm. Trong bối cảnh đó, Đảng ta chủ trương tận dụng mọi thời cơ, huy động sức người, sức của, lực lượng toàn dân đánh nhanh, thắng nhanh nhằm đỡ thiệt hại về người và của, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 24/4/1974, người thanh niên 18 tuổi Trần Văn Cung lên đường nhập ngũ trực thuộc đơn vị C25, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 22, huấn luyện tại Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Sau thời gian huấn luyện miệt mài, ngày 5/8/1974, ông được lệnh lên đường chiến đấu, lúc này ông trực thuộc Đại đội 25, Tiểu đoàn 7, Bộ Tư lệnh 73, Quân khu 5 trên các mặt trận: Gia Lai - Kon Tum, từ Tân Cảnh Võ Định đến Playku. Những ngày tháng chiến đấu ác liệt, trong một trận đánh, ông Cung bị sức ép của bom dẫn đến chấn thương sọ não, được chuyển về Quân y viện 15 thuộc Quân khu 5 điều trị. Sau khi sức khỏe dần bình phục, ông tiếp tục cùng đồng đội trở lại chiến đấu.
Năm 1976, sau khi giải phóng hoàn toàn đất nước, ông được chuyển về Đại đội 1, Trung đoàn 734, Bộ Tư lệnh 73, Quân khu 5 chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên.
Bạn bè, đồng đội đang tìm mọi cách để giúp đỡ cho ông Cung bớt khó khăn |
Với những thành tích đạt được trong chiến đấu cùng trình độ văn hóa 10/10, tháng 2/1977, ông được ưu tiên ôn thi và đậu vào Trường Đại học sư phạm Vinh, lúc này ông mới tính chuyện trăm năm với chị Nguyễn Thị Thương (SN 1956), người cùng xã.
Sau khi ra trường, ông dạy học tại Trường THPT Bình Định. Khoảng 1 năm sau, mọi người thấy ông có những biểu hiện bất thường, nhiều lần đứng trên bục giảng, ông làm cho học sinh hốt hoảng khi đang cầm phấn viết, giảng bài bỗng ngã vật ra đất, bò kiểu bộ đội rồi bật dậy hô: “Xung phong…” hoặc hô: “Tất cả nằm xuống…”. Chính vì thế, ông được Hiệu trưởng cho nghỉ việc và chuyển về quê sinh sống với vợ con. Trong một lần lên cơn khác, thấy chị Thương đang ngồi thái chuối cho lợn, ông chạy đến giật dao chém vào đầu, chị đưa 2 bàn tay lên đỡ thì bị chặt đứt lìa… Từ đó, chị trở thành người tàn phế, phải về sống với bố mẹ đẻ, con cái của ông tha phương cầu thực, mỗi đứa một nơi. Tất cả đồ đạc trong nhà, ông châm lửa đốt sạch, trong đó có cả các giấy tờ liên quan đến những ngày tháng chiến đấu hào hùng của ông…
Giờ đây, ông Cung đang sống một mình trong căn nhà tồi tàn cùng căn bệnh ngớ ngẩn mà mỗi khi lên cơn, ông lại đập phá đồ đạc, xách ba lô chạy, nắng không biết che, mưa không biết tránh. Ngày ba bữa, ông được chị gái Trần Thị Tuân (SN 1953) đưa cơm nước đến tận nơi cho ăn…
Thương hoàn cảnh của ông, nhớ một thời vì đất nước mà xả thân, cùng đồng đội vào sinh ra tử, những đồng đội cùng đơn vị với ông gồm: Hồ Đình Triều (SN 1953); Nguyễn Xuân Hùng (SN 1955), hiện là bệnh binh 2/3 đều trú tại xóm 1, xã Quỳnh Diễn; Lê Văn Thành (SN 1955) trú tại xóm 6, xã Quỳnh Diễn và Chu Văn Qụy (SN 1954), người nhập ngũ cùng ngày với ông Cung trú tại xóm 4, xã Quỳnh Diễn thuộc đơn vị C50D5F305 Bộ Tư lệnh đặc công, hiện là thương binh 4/4, bao lần đi xuống xã, lên huyện đòi chế độ cho ông nhưng vô ích, vì tất cả các loại giấy tờ chứng minh ông đã từng có thời gian chiến đấu và tại ngũ đều bị ông đốt sạch do chính cơn bệnh đang mang.
Hiện nay, các đồng đội cũ của ông đang ra sức tìm những giấy tờ liên quan với mong muốn lấy lại thân phận cho ông Cung và thay nhau trông nom, chăm sóc ông.
Kim Cương