Gia đình xã hội
Chuyện Người y tá lấy thân mình làm giá súng bắn rơi máy bay Mỹ ở đảo Mắt anh hùng
Oai hùng thời chiến, nhọc nhằn đời thường
14:35, 27/08/2014 (GMT+7)
Kỳ I: Trận đánh bất tử ở Đảo Mắt anh hùng
(Congannghean.vn)-Tại Đảo Mắt anh hùng vẫn còn một tấm bia được dựng lên từ năm 1969 ghi danh hai khẩu đội pháo anh hùng, một mặt lưu danh khẩu đội pháo Đinh Bá Thông với liệt sỹ Hồ Kim Giao đã hi sinh trong tư thế chiến đấu sau khi bắn rơi chiếc F105 trong trận đánh đầu tiên vào ngày 31/3/1965, một mặt ghi danh y tá Hồ Sỹ Châu lấy thân mình làm giá súng cùng đồng đội bắn rơi chiếc AD6 của địch vào ngày 17/8/1968. Những anh hùng và hành động dũng cảm quên mình của họ tưởng như chỉ còn lưu danh nhưng không ai ngờ, y tá Châu ngày ấy vẫn còn sống. Và thật đau đớn thay, ông đang sống trong bệnh tật, nghèo khó và thiệt thòi.
Kỳ II: Đừng lãng quên một người lính anh hùng
Trở về với thương tật đầy mình nhưng ông Hồ Sỹ Châu không làm chế độ thương binh, ông cũng không nhắc lại quá khứ, bởi với ông, được sống trở về là quá đủ. Hiện nay, ông Châu đang đối mặt với bệnh tắc nghẽn mạch máu, không thể tự đi lại, gia cảnh cũng hết sức bần hàn. Đã đến lúc chúng ta cần tri ân người anh hùng đã bị lãng quên 50 năm nay.
Chúng tôi tìm về xóm Đồng Nại, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vào một chiều mưa giông nặng hạt, ngôi nhà nhỏ bé của gia đình ông nằm ven đường, chỉ cách thị trấn Quỳ Hợp chưa đến 2 km. Lẫn trong tiếng mưa và cả tiếng lòng, ông kể cho chúng tôi nghe về quá khứ.
Là y tá, nhiệm vụ tại chiến trường của ông là chăm sóc thương binh. Những trạm cứu thương di động, thiếu thốn về thuốc men và phương tiện, những bệnh nhân đổ về sau các trận đánh… luôn là nỗi ám ảnh. Quá khứ với ông là những bệnh binh xin được chết để bớt đau đớn, là những chiến sĩ hi sinh mà đôi mắt cứ đau đáu hướng về quê hương. Bàn tay ông đã vuốt hàng trăm đôi mắt khi họ tắt thở, những khuôn mặt non tơ đã chết mà như đi vào giấc ngủ, những chiến sĩ thậm chí ông không hề biết tên, những nấm mồ vô danh chôn vội bên đường hành quân. Quá khứ với ông là sự ám ảnh, nỗi đau. Đôi khi, ông tự trách mình là vì sao lại may mắn hơn họ, được sống và trở về. Chính vì thế, ông không muốn nhắc lại quá khứ, Huân, Huy chương, Bằng khen…, ông cất kín trong tủ. Nhưng khi nghe được hành động dũng cảm của mình là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo, ông thấy bản thân cần phải có trách nhiệm đối mặt với quá khứ, kể cho con cháu nghe thế hệ cha ông đã chiến đấu, hi sinh, mất mát như thế nào để có được ngày hôm nay. Từ quá khứ bi hùng đó, con cháu sẽ nhận thức được sự quý giá không thể đánh đổi là tự do, chủ quyền, là tự tôn dân tộc. Chính vì thế, ông đã đối mặt với quá khứ để trở lại.
Ông Châu (ngoài cùng bên phải) vui mừng bên những đồng đội cũ |
Ông Hồ Sỹ Châu năm nay đã 70 tuổi, sức đã cùng, lực đã kiệt. Do di chứng của những vết thương thời chiến và bị nhiễm chất độc da cam, ông bị bệnh tắc nghẽn mạch máu nên nằm một chỗ, phải có người chăm sóc. Ông còn mắc bệnh khó thở, trong nhà, máy thở ôxy luôn túc trực. Mỗi khi trái gió trở trời là toàn thân ông đau nhức, phải dùng đến máy thở. Mỗi tháng, ông phải dùng hơn 2 triệu đồng tiền thuốc nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Ông tâm sự: “Đời bác xem như đã xong rồi, bác chỉ lo cho bốn đứa con chưa thật sự ổn định, cháu còn nheo nhóc. Bác không đòi hỏi chế độ, vì với bác được sống là tốt rồi, giàu sang không quan trọng, nhưng bây giờ nghĩ mới thấy thương con còn quá vất vả bởi mình đang là gánh nặng”.
Vợ chồng ông Châu có bốn người con, người con cả nghi bị nhiễm chất động da cam, cơ thể mọc đầy vẩy nến, tóc rụng hết nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống. Người con gái thứ hai tốt nghiệp Trường ĐH Vinh chuyên ngành sư phạm, nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm, đang ở nhà chạy ngược, chạy xuôi làm đủ thứ việc để hỗ trợ gia đình. Cô con gái út Hồ Thị Mai đang học năm thứ 3 Trường ĐH Kinh tế quốc dân, do gia đình chỉ có thể chu cấp một phần nên em vừa học, vừa làm thêm để trang trải cuộc sống. Gánh nặng gia đình đè lên vai người con thứ ba Hồ Sỹ Đào và vợ anh. Hai vợ chồng ngày đêm lăn lộn kiếm tiền nuôi bố mẹ, hai em và con nhỏ. Chị chạy chợ buôn bán lặt vặt trong xóm, anh sửa xe máy nên thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Mới đây, vợ ông Châu cũng nhập viện vì suy thận nên gia cảnh càng thêm cùng cực. Nói đến việc học của con, ông Châu ứa nước mắt: “Bốn đứa, đứa nào cũng học giỏi, nhưng nhà nghèo nên chỉ có hai đứa được học lên đại học. Chị cả thì nhường cho em gái thứ hai, anh thì nhường cho em gái út, bác cảm thấy thật sự có lỗi với con vì không đủ sức để lo cho con ăn học trọn vẹn”.
Ông Châu đang đối mặt với bệnh tật |
Khi được hỏi về chế độ thương binh, ông Châu cho biết: “Vì không muốn gợi lại quá khứ nên bác không làm chế độ, giấy tờ cũng mất hết nên có làm chắc cũng không được”. Ông nhớ khi bị thương ở Đảo Mắt, kết thúc điều trị ở Tiểu đoàn quân y, họ cấp cho ông một tờ giấy ra viện có ghi rõ tình trạng vết thương. Nhưng do lăn lộn qua nhiều chiến trường, tờ giấy đã thất lạc đâu mất. Ông cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc đi giám định thương tật để làm chế độ thương binh, bởi ông vốn dĩ không thích đòi hỏi quyền lợi. Ông thích nhất câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Được biết, trước đây ông Châu là Bí thư Chi bộ xóm Đồng Nại, là cựu chiến binh hết sức mẫu mực. Tuy nghỉ hưu nhưng hễ ai ốm đau ông đều đến thăm khám miễn phí, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Đêm hôm có người gọi là ông không quản ngại đến ngay, người dân xóm Đồng Nại trìu mến gọi ông là “y tá xóm”. Mặc dù bây giờ ông đã yếu, nằm một chỗ nhưng vẫn không ít người đến hỏi ông về triệu chứng bệnh tật. Những lúc như thế, ông lại gọi con đến cho máy thở ôxy vào để lấy sức rồi tư vấn cho người bệnh.
Ông Hồ Sỹ Châu đã ẩn mình 50 năm, hành động dũng cảm quên mình của ông vẫn được lưu danh nhưng ít người biết đến. Chúng ta đã lãng quên người anh hùng Đảo Mắt để ông và gia đình sống cuộc sống thiếu thốn, chịu nhiều thiệt thòi. Đã đến lúc cần những tấm lòng, những hành động thiết thực bù đắp để ông không còn cảm thấy có lỗi với gia đình và có thể an lòng sống nốt những ngày còn lại.
Ngọc Hùng