Gia đình xã hội

Người có công với cách mạng 'bỗng dưng' bị cắt đất hương hỏa

08:21, 28/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Mặc dù đã được địa phương công nhận mảnh đất là đất hương hỏa của gia đình, thế nhưng sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ trở về, ông lại phải sống trong cảnh “không mảnh đất cắm dùi”. Ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), việc người có công với cách mạng “bỗng dưng” bị chính quyền thu hồi đất hương hỏa đang gây bức xúc kéo dài trong dư luận.
 
Gia cảnh khốn khó của một CCB
 
Trong đơn gửi Báo Công an Nghệ An, ông Hoàng Xuân Đông (SN 1939) trú tại xóm 15 - Phong Yên, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An trình bày: Năm 1962, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào đơn vị D227 - Bộ Tư lệnh 559. Từng là người lính tham gia khắp các chiến trường cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh biền biệt, bản thân ông Hoàng Xuân Đông trong quá trình tham gia kháng chiến vẫn không hay biết rằng, ở quê nhà, vợ bị bom Mỹ sát hại vào năm 1966. Là con trai duy nhất trong gia đình có 3 chị em, cha mất sớm, gia cảnh neo người nhưng ông vẫn xung phong vào bộ đội khi vừa tròn 18 tuổi. Hơn mười năm lăn lộn nơi chiến trường, bản thân ông bị nhiễm chất độc DIOXIN phải điều trị tại bệnh viện tới năm 1984 mới trở về quê. Lúc này, gia đình ông không còn ai, mẹ mất ông chưa thể về chịu tang, vợ thì không còn nữa. Hai người chị cũng đã đi lấy chồng, yên bề gia thất nơi quê chồng. Ngôi nhà mà gia đình đã ở trước đó nhiều đời cũng bị bão đánh sập. Về quê không nơi nương tựa, việc hương khói của bố mẹ và người thân, ông Hoàng Xuân Đông đành phải nhờ gia tộc thờ phụng.
 
Đau xót trước hoàn cảnh gia đình bấy giờ, người lính chiến như ông phải tạm gác nhà cửa, vườn tược cho người thân trông giữ rồi vào tỉnh Gia Lai lập nghiệp, kiếm kế sinh nhai. Tại mảnh đất Tây Nguyên, ông tiếp tục lấy vợ, xây dựng gia đình rồi ở nhờ tại nhà vợ thuộc thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Sau khi lấy vợ, ông sinh được 5 người con, nhưng tất cả đều bị nhiễm chất độc DIOXIN từ người cha rồi chết dần, chết yểu. Đứa còn sống thì bị dị tật bẩm sinh, sống leo lắt dựa vào bố mẹ chăm nom. Xa quê cha đất mẹ nhưng ông vẫn thường xuyên về lại nơi chôn nhau cắt rốn để hương khói cho bố mẹ, người thân. Năm nay, ông Đông tuổi đã cao, sức yếu, gia cảnh khốn khó, nhưng khi trở về quê lại bị chính quyền thu hồi đất ở, vườn tược vốn dĩ là của gia đình mình.
 
Mảnh đất trước kia của gia đình ông Hoàng Xuân Đông đã sinh sống nay bị thu hồi
Mảnh đất trước kia của gia đình ông Hoàng Xuân Đông đã sinh sống nay bị thu hồi
 
“Bỗng dưng” bị mất đất hương hỏa
 
Theo tìm hiểu, mảnh đất mà trước đó bố mẹ ông dựng nhà sinh sống vẫn còn nguyên dấu tích nhưng đến nay, khi trở về đã bị chính quyền thu hồi để chia cho các hộ khác. Quá bức xúc trước việc làm của chính quyền xã, thấy rõ sự bất công đối với một người lính không tiếc máu xương nơi chiến trường để giành độc lập cho dân tộc, ông Hoàng Xuân Đông đã làm đơn kiến nghị nhiều lần tới các ban, ngành địa phương.
 
Thế nhưng, qua nhiều lần gửi đơn kiến nghị, khiếu nại để đòi lại đất hương hỏa của gia đình, ông Hoàng Xuân Đông vẫn không nhận được bất cứ hồi âm tích cực nào từ các cơ quan chức năng. Qua tìm hiểu từ những nhân chứng, người thân tại xóm 15 - Phong Yên được biết, mảnh đất mà ông Hoàng Xuân Đông bị thu hồi, trước kia của cha mẹ ông là Hoàng Xuân Năm và bà Đặng Thị Sỹ có diện tích khoảng 1.480m2. Phía Bắc giáp vườn ông Ân Kim, phía Nam giáp vườn ông Hoàng Trọng Đông, phía Đông giáp vườn bà Mai Cầm cũ và phía Tây giáp đường xóm 15 - Phong Yên hiện nay. Còn theo kết quả xác minh của UBND xã Nghi Phong thì mảnh đất mà gia đình ông Hoàng Xuân Đông trước đây ở thuộc tờ bản đồ số 6, thửa 198, có diện tích là 714m2. Hiện nay, số diện tích đất này đã giao cho ông Nguyễn Văn Trọng trú tại xóm 15 - Phong Yên, xã Nghi Phong sản xuất. Xác nhận của Ban mặt trận xóm 15 - Phong Yên cũng công nhận mảnh đất trên là đất ở trước đây của gia đình ông Hoàng Xuân Đông.
 
Theo như văn bản trả lời của UBND xã Nghi Phong hiện nay thì mảnh đất hương hỏa của gia đình ông Hoàng Xuân Đông là đúng với thực tế. Thế nhưng, chẳng hiểu tại sao trong quá trình thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ năm 1993, chính quyền địa phương lại thu hồi phần đất của gia đình ông Hoàng Xuân Đông cho người khác sử dụng?! Cũng theo như trình bày của ông Hoàng Xuân Đông, đây là mảnh đất hương hỏa mà cha mẹ ông từng sinh sống và để lại, khi chính quyền địa phương tiến hành thu hồi không hề có bất cứ thông báo nào cho chủ sở hữu được biết. Ngay cả các chị, người thân của ông cũng không hề hay biết chính quyền địa phương thu hồi đất từ lúc nào?! Điều này không chỉ làm thiệt thòi cho người có công với cách mạng mà còn gây bức xúc trong dư luận. Cách giải quyết của chính quyền xã Nghi Phong không chỉ thiếu tình mà còn chưa đạt lý trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với Tổ quốc.
 

Ngọc Thái

Các tin khác